10/02/2021 11:51 GMT+7

Những chú trâu vui vẻ, thơm tho đón khách ở Hội An

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Nhắc đến con trâu, người ta thường nghĩ đến hình ảnh sự lam lũ, nghèo khó, nhọc nhằn. Câu cửa miệng "cực như trâu" cũng phần nào nói lên số phận lầm lũi của loài vật gắn liền với nông dân Việt Nam này.

Những chú trâu vui vẻ, thơm tho đón khách ở Hội An - Ảnh 1.

Một chủ trâu thong dong dắt trâu ra đồng "làm mẫu" giữa bát ngát lúa để khách du lịch chụp hình - Ảnh: B.D.

Thế nhưng ở phố cổ Hội An, trâu không hề cực nhọc mà ngược lại chúng được ví rằng "sướng như vua". Ở đó trâu không phải kéo cày, không phải run run lội bùn trong giá rét, mà việc của chúng là… "phải đẹp". Càng đẹp thì càng có tiền!

Người "đổi phận" cho trâu

Một buổi sáng cuối năm, nhóm khách sang quốc tịch Mỹ lưu trú ở một khách sạn 5 sao tại Hội An đặt tour của Công ty Jack Trần Tours Hội An để tham gia chương trình cưỡi trâu ngắm cánh đồng.

Chưa từng tiếp xúc với những chú trâu nên nhiều người đã bày tỏ sự ngần ngại. Thế nhưng sau khi kết thúc tour, những vị khách này đều vô cùng ngạc nhiên trước sự thân thiện, chuyên nghiệp và đặc biệt là sạch sẽ thơm tho của những chú trâu.

Những chú trâu vui vẻ, thơm tho đón khách ở Hội An - Ảnh 2.

Trâu làm du lịch ở Hội An - Ảnh: B.D.

Ông Lê Nhiên - nông dân ở khối Thanh Tây (Cẩm Châu, Hội An) - dẫn chú trâu ra tiếp xúc với các vị khách, khuôn mặt cả người lẫn trâu đều vui vẻ khi được phục vụ. Ông Nhiên nói rằng để đưa khách đi thăm đồng ruộng, từ chiều qua ông đã dùng xà bông, nước hoa tắm cho trâu sạch sẽ. Da trâu được kì cọ bóng đen, trâu ăn no căng tròn.

"Trâu béo tròn quay, da bóng mượt, thơm nước hoa thì khách mới thích thú. Tui theo nghề dắt trâu này cũng ngót 15 năm rồi, nhờ nghề này mà có đồng ra đồng vô, con cái ăn học đầy đủ. Tiếp xúc với trâu suốt ngày nhưng lúc nào cũng thơm tho, mình cũng vui vì khách Tây họ rất lịch thiệp, hòa đồng, trả tiền cao cho chủ", ông Nhiên nói.

Những chú trâu vui vẻ, thơm tho đón khách ở Hội An - Ảnh 3.

Làm kiểu ảnh nào! - Ảnh: B.D.

Để con trâu trở thành sản phẩm du lịch đậm chất thôn quê này ở Hội An, nông dân và doanh nghiệp đưa tour đã có quá trình dài làm việc với nhau. Ông Trần Văn Khoa - giám đốc Công ty Jack Trần Tours Hội An - là người đầu tiên tại Quảng Nam sáng tạo ra loại hình du lịch này và bắt tay hướng dẫn nông dân nuôi trâu làm du lịch.

Ông Khoa nhận khách nước ngoài trên hệ thống và đưa về đồng ruộng, nông dân sẽ bỏ tiền mua trâu, vỗ béo, dạy chúng quen với hơi người, mùi nước hoa và thuần thục cách thức đưa đón khách đi dạo bộ trên cánh đồng lúa dậy mùi.

Những chú trâu vui vẻ, thơm tho đón khách ở Hội An - Ảnh 4.

Trâu cõng khách Tây ra đồng - Ảnh: B.D.

Ông Trần Văn Khoa cho biết hiện nay mạng lưới của ông đang hợp tác với 30 nông dân quanh Hội An. Người dân sẽ đầu tư trâu, nhận công chăm sóc. Khi có khách, công ty sẽ đưa người tới và toàn bộ tiền khách sẽ trực tiếp trả cho chủ trâu.

Khi tham gia dẫn khách, các chủ trâu cũng được trải qua các lớp huấn luyện tiếp đón, nhiều chủ trâu tới nay nói tiếng Anh thành thạo, sở hữu trong tay hàng chục con trâu trưởng thành, cả gia đình sống hẳn vào nghề đưa trâu độc đáo này.

Con trâu "biết cười"

Theo UBND thành phố Hội An, tour du lịch cưỡi trâu tham quan cánh đồng Hội An được manh nha và bắt đầu từ những năm 2005 trở đi. Thời điểm đó, nhận thấy tiềm năng của loại hình du lịch này, Công ty Jack Trần Tours Hội An đã phối hợp cùng nông dân làm ăn.

Những chú trâu vui vẻ, thơm tho đón khách ở Hội An - Ảnh 5.

Thay vì oằn lưng kéo cày từ sáng tới tối, trâu ở Hội An chỉ việc "làm vài động tác mẫu" và được chăm béo trục béo tròn - Ảnh: B.D..

Ban đầu chỉ một hai khu vực có tour, lâu dần có nhiều doanh nghiệp và các nông dân khác cùng làm. Tới nay số đàn trâu tham gia làm du lịch ở Hội An lên tới hàng chục, số lượng trâu lên tới cả trăm con. Công việc của nông dân là chăm trâu vỗ béo, xịt nước hoa thơm tho và huấn luyện trâu quen với việc có người ngồi lên, các doanh nghiệp sẽ dẫn khách và đưa xuống cánh đồng.

Cứ mỗi lần cưỡi trâu du khách sẽ trả cho chủ từ 20.000 đồng đến hàng trăm ngàn đồng. Mỗi chú trâu mỗi ngày cao điểm du lịch có thể kiếm được về cho chủ 500.000 - 700.000 đồng, thậm chí cả triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Sơn - chủ tịch UBND TP Hội An - cho rằng đây chính là cách làm du lịch bền vững, dựa trên giá trị sẵn có và rất phù hợp với định hướng phát triển du lịch mà Hội An đang hướng tới.

Những chú trâu vui vẻ, thơm tho đón khách ở Hội An - Ảnh 6.

Một vị khách nước ngoài tham gia tour làm nông tại Hội An - Ảnh: B.D.

Bà Rhonda Adams - du khách người Mỹ - cho biết bà cùng con gái đã rất bất ngờ khi được cưỡi trên lưng trâu, thong dong qua những con đường bêtông thảm đầy hoa đôi bờ và giữa khung cảnh bao la bát ngát lúa ở ven phố cổ Hội An.

"Tôi sẵn sàng giới thiệu tour này cho nhiều khách khi tới Hội An, đây là tour mà nông dân dùng con trâu của mình để kiếm sống từ du lịch. Đây là năm con trâu, tôi chúc cho mọi người một năm mới sức khỏe và làm ăn phát đạt", bà Rhonda nói.

Không chỉ sử dụng trâu để làm du lịch, tạo sinh kế bền vững, nông dân ở Hội An còn đem đến những trải nghiệm đáng nhớ về hình ảnh nông thôn Việt Nam. Những chú trâu từ nhọc nhằn, lam lũ nay đã bước qua một sứ mệnh khác, đó là làm du lịch và tạo ra tiếng cười, con trâu cũng đã làm được nhiều hơn và tạo giá trị cao hơn để xóa nhòa dần hình ảnh buồn về những vùng quê nghèo khó một thời.

Mong sức trâu đẩy lui đại dịch Mong sức trâu đẩy lui đại dịch

TTO - Từ hình ảnh gắn với cuốc cày và đời sống nông dân chân lấm tay bùn, con trâu trong dịp Tết Tân Sửu 2021 đã chuyển mình, trở thành con giáp tượng trưng cho sức mạnh Việt Nam trước dịch COVID-19.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên