23/08/2014 03:00 GMT+7

Những chồng báo lo con, lo cháu

TRẦN MAI - TRƯỜNG TRUNG - TRUNG TÂN
TRẦN MAI - TRƯỜNG TRUNG - TRUNG TÂN

TT - Bất kể nắng mưa, trong người đang mang bệnh nặng, những người mẹ, người bà vẫn hằng ngày tần tảo với xấp báo trên tay để con cháu mình không đói chữ.

Con vái trời đừng mưa!
Ấm lòng người bán báo dạo

Em Nguyễn Thị Mỹ Thuận và mẹ gặt lúa thuê ngoài đồng - Ảnh: Trần Mai

Và những người con bên cạnh sẻ chia nỗi nhọc nhằn của người thân, còn đang nỗ lực học thật giỏi để cha mẹ vui lòng, để “trở thành bác sĩ giỏi chữa bệnh cho mẹ”...

Con mong mẹ khỏi bệnh

14g hôm nay, 23-8, báo Tuổi Trẻ tổ chức lễ trao học bổng “Đồng hành cùng người bán báo” tại TP.HCM với 152 suất học bổng đầu tiên trị giá từ 1-2 triệu đồng kèm quà tặng. Trong ngày 24-8, các suất học bổng còn lại sẽ được trao ở các tỉnh khác. Năm nay có 253 suất học bổng được trao cho con người bán báo dạo học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn, tổng kinh phí 300 triệu đồng.

LÊ VÂN

5g sáng, khi mẹ bắt đầu đi bộ hơn 10km xuống TP Quảng Ngãi len lỏi khắp hang cùng ngõ hẹp bán vé số, báo dạo, cũng là lúc Nguyễn Thị Mỹ Thuận (học lớp 8 Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng) thức dậy làm những công việc trong nhà trước khi đi học.

Sinh ra đã là đứa trẻ không cha, từ khi học lớp 4 Thuận đã biết làm tất cả công việc của người lớn, từ trồng rau lang, cắt lúa, tỉa bắp... Nước da đen cùng đôi tay non nớt đã chai sần của em là minh chứng cho tất cả.

Buổi chiều hôm chúng tôi tìm đến nhà Thuận, em và mẹ đang cắt lúa thuê ngoài đồng. Cô bé lọt thỏm giữa những người lớn, đưa những bó lúa to vào bồ suốt rồi lại cào lúa, dồn bao... Chị Thanh, trong đội gặt lúa thuê của Thuận, cho biết: “Nhỏ chứ làm giỏi lắm”.

Những chồng báo chị Ngô Thị Quyền (mẹ Thuận) bán được mỗi ngày, cộng với 1 sào ruộng và vài sào hoa màu là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Thế nhưng hơn hai năm qua chị Quyền đau ốm liên miên, mỗi lần ho lại ói máu tươi, nên đi bán, đi làm cũng thất thường.

Thương mẹ, Thuận lo hết công việc trong nhà, ngoài đồng, lo luôn việc chăm sóc ông bà ngoại. Dù cực khổ là thế, bảy năm liền em là học sinh xuất sắc.

Cô Phan Thị Ánh Lệ, giáo viên chủ nhiệm của Thuận, cho biết: “Dù cuộc sống khó khăn nhưng em là lớp trưởng năng nổ, là gương mặt sáng giá cho các hội thi thiếu nhi làm theo lời Bác do huyện, tỉnh tổ chức”. Thuận nói em cố gắng học tập thật tốt để mẹ có thể vui và quên đi tất cả sự mệt nhọc.

Mong ước hiện tại của Thuận là mẹ khỏi bệnh thật nhanh để sống cùng em. Cô bé ước mơ sau này trở thành một bác sĩ giỏi để có thể chữa bệnh cho mẹ.

Bươn chải cho con, cho cháu

Hơn 10 năm nay, nhiều độc giả tại phố núi Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) quen với hình ảnh một người phụ nữ bán báo và vé số bên vỉa hè đường Lê Duẩn: bà là Võ Thị Lý (46 tuổi), mẹ bé Võ Trâm Anh (học sinh lớp 2 Trường tiểu học Ngô Quyền, TP Buôn Ma Thuột). Bà Lý kể bà bị u nang buồng trứng, u xơ tử cung từ khi mang thai bé Trâm Anh.

Khi con ra đời bà đã làm phẫu thuật, nhưng khoảng một tháng trước thấy đau hơn nên bà đi bệnh viện, bác sĩ nói phải nhập viện. Nghĩ con sắp vào học, tiền nong cũng eo hẹp nên bà chỉ mua thuốc uống. “Giờ vẫn ngồi bán báo được thì cháu còn có tiền đóng tiền ăn hằng tháng, chứ nghỉ bán, lại còn mất viện phí chẳng biết lấy đâu?” - bà Lý bộc bạch.

Với bà Phạm Thị Hường (quê Thanh Hóa), có thâm niên 14 năm rảo bước qua khắp nẻo đường phố Đà Nẵng để bán báo dạo, từ bốn năm nay chồng báo trên tay bà nặng thêm bởi gánh nặng nuôi hai đứa con đang đi học ở quê đã thêm đứa cháu đang học ở phố.

Trong căn phòng nhỏ chừng 10m2 thuê trên đường Ngô Quyền chỉ có chiếc bàn và mấy quyển vở của đứa cháu ngoại là bé Nguyễn Thị Ngọc Khương (lớp 3/3 Trường tiểu học Hùng Vương).

Bà Hường kể: “Cha nó là đứa thiệt thà, vì kinh doanh thua lỗ nên thâm nợ rồi vợ chồng ly hôn. Cực lắm nên chúng nó mới phải gửi con để tôi chăm sóc”. Hai năm nay, bé Khương đi học xa nhà nên cứ 4g sáng là bà Hường lại thức dậy sửa soạn đồ cho bé rồi đi lấy báo bán dạo.

“Mấy bữa mưa to gió lớn, tụi tui nấp hết rứa mà bả cũng mặc áo mưa vô đi bán hết, có lần suýt bị xe tông mà không sợ” - một đồng nghiệp với bà Hường kể.

Ước mơ của em là thành bác sĩ

“Trong nhà, người em thương nhất chính là mẹ. Mẹ làm lụng vất vả, cả ngày không được nghỉ nên thường xuyên bị đau lưng và đau đầu. Chính vì vậy, ước mơ lớn mà em muốn thực hiện là trở thành một bác sĩ để có thể chăm lo sức khỏe cho bố mẹ của mình.

Tuy nhiên, em biết để thực hiện điều đó thì từ bây giờ phải cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng mong đợi của bố mẹ” - Nguyễn Đình Hiếu (lớp 7 Trường THCS Lý Thường Kiệt, Q.Đống Đa, Hà Nội) viết trong bức thư gửi ban tổ chức học bổng.

Mẹ Hiếu tên là Nguyễn Thị Lương (quê Thanh Hóa). Hằng ngày từ 4g sáng, chị Lương lại lục tục dắt chiếc xe đạp cà tàng lách ra hẻm tù mù tối để đi lấy báo, rồi rong ruổi mọi ngóc ngách để trao đến tận tay từng bạn đọc.

Hôm nào trời mưa ế hàng, chị Lương đạp xe đi xa hơn, sang cả bên kia cầu Long Biên, cách nơi mẹ con chị ở chừng 15km. 2g chiều, bán báo xong chị Lương lại tất bật trở về nhà, tiếp tục công việc cho buổi chiều: nhặt rau, nấu cơm, phụ người hàng xóm cùng quê bán hàng ăn lấy thêm tiền trang trải cuộc sống.

KIỀU LINH

TRẦN MAI - TRƯỜNG TRUNG - TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên