27/02/2022 09:50 GMT+7

Những cánh cửa đầu tiên

PHẠM THƯ
PHẠM THƯ

TTO - Đã ở bên kia con dốc cuộc đời, mỗi khi nhìn lên bầu trời mây trắng, tôi lại thấy biết ơn hai người bà và ba mẹ, những người đã cho mình thứ ngôn ngữ đầu tiên, những tính cách đầu tiên.

Những cánh cửa đầu tiên - Ảnh 1.

Má và góc bếp - Ảnh: MINH PHÚC

Họ ban cho và bảo lưu giúp tôi bản sắc quê mùa giữa cuộc sống phồn hoa phố thị, để cuối cùng rồi tôi vẫn giữ được sự "quê trớt" của mình.

Chén nước mắm ăn dở để dành nơi góc bếp

Ba mẹ nghèo không cho tụi tôi được áo quần đẹp hay bánh kẹo ngon, nhưng ba mẹ không bao giờ để chúng tôi đói sách, khát báo. Chỉ cần là phục vụ cho mục đích học tập, mở mang kiến thức... ba mẹ nhất định đầu tư xứng đáng.

Nhớ những buổi trốn ra đồng chơi nhà chòi cùng đám bạn, bà nội đi kiếm về. Bà đứng tuốt ngoài dãy nhà đằng trước réo tên tôi và bảo: "Lớn chồng ngồng rồi mà còn chơi chòi hoài! "Dìa" con ơi! Chồng coi mắt mày ở nhà kìa!". Mà thật ra chẳng có chồng nào tới coi mắt coi mũi cả, chỉ là bà nội kêu tôi về ăn cơm thôi.

Hôm rồi nói chuyện với em gái, nó càm ràm chồng nó mua sắm không tiếc tiền, dám xài hàng hiệu bạc triệu, nhưng lại tiếc một chén nước mắm ăn dở. 

Như chồng tôi, người hay bị tôi lên án là "bị tiền... cắn" vì thường hay mua sắm quá đà, nhưng lại dành một góc bếp để cất chén nước mắm ăn dở, để bữa sau đem ra ăn tiếp. Tôi hiểu, rất hiểu nét tính cách dân dã và sự cần kiệm ấy. Tôi cũng học được điều đó từ bà nội tôi, một người vô cùng "kẹo kéo".

Hồi xưa bà nội tôi toàn tự tay chọn cá, ủ mắm, nấu nước mắm cất để dành ăn quanh năm. Kệ bếp nhà tôi chất đầy những chai nước mắm. Mặc dù dư thừa là vậy nhưng bà nội tôi luôn cất lại chén nước mắm ăn dở chứ không bao giờ chịu đổ đi. 

Nét văn hóa ấy thấm vào máu, in đậm trong tính cách của những đứa con, cháu. Dù thời nay đồ ăn uống ê hề, thậm chí có những khi ăn đến "lòi bản họng", chén nước mắm dầm ớt thừa lại vẫn chễm chệ nằm trên bàn ăn hay góc bếp, không hề bị xem nhẹ mà đổ bỏ đi.

Tôi biết ơn mẹ vô cùng vì đã chăm chút cho con từng câu chữ, từng lỗi chính tả. Ba tôi thậm chí mua thiếu chịu sách báo cho tụi tôi, đến kỳ lương mới trả cho người ta được.

Sự tiếp nối chảy trong huyết quản

Từ ngày chuyển sang chế độ ăn chay, tôi không còn để dành lại chén nước mắm nữa mà là... nước tương. 

Nhiều khi sống giữa nơi thành thị hay nơi trời Tây này, đến nhà một ai đó, bắt gặp hình ảnh chén nước mắm dầm ớt ăn dở để ngay góc bếp hay được đặt chễm chệ trên lò vi sóng, lòng trào lên một nỗi nhớ thương da diết.

Nỗi nhớ ấy có lẽ không dành cho một ai hay một cái gì cụ thể mà là sự hòa quyện nhiều yếu tố. Trong đó có cả hình ảnh của những người bà, của mẹ, của những người thân ruột thịt, của gian bếp trấu quanh năm ám khói không hề có sự hiện diện của một loại thiết bị hiện đại nào.

Chạnh nghĩ, mai này, liệu con cháu của mình có còn nhớ đến mình như mình nhớ nghĩ về ông bà cha mẹ mình bây giờ không? Thậm chí, có khi bọn trẻ còn không nhớ được cả khuôn mặt của mình nữa kia.

Tôi nhớ tôi từng đọc một quyển sách rất hay và cảm động về tình cảm gia đình. Trong đó có đoạn viết: "Bạn thường vô cùng biết ơn mẹ của người bạn thân hay bà chủ nhà trọ vì một bữa ăn ngon... mà không nhớ đến vô số bữa ăn ngon từ tay bà và mẹ mình". 

Một đoạn khác viết: "Không gì đau lòng hơn việc đứa cháu mà người bà từng nâng niu như báu vật lại không còn nhớ đến gương mặt của bà, dù năm bà mất nó đã vào đại học".

Cách đây vài năm mẹ tôi đã nghĩ đến việc chọn ra một tấm ảnh ưng ý để dành... chưng trên bàn thờ. Đó là lúc mẹ tôi hoàn toàn khỏe mạnh, vui vẻ yêu đời. 

Mẹ ngoắc tụi tôi lại bảo góp ý cho mẹ để chọn một tấm hình nhìn vừa trang trọng vừa đẹp, để mỗi lần con cháu đứng trước bàn thờ sẽ thấy tự hào và ngưỡng mộ chứ không "ớn" như mấy tấm hình họa kiểu hồi xưa.

Tôi chỉ mong ước một điều đơn giản rằng, mai này khi mình mất dấu trên cuộc đời này, những điều tốt nhỏ nhoi mình từng có sẽ còn hiện diện trong tính cách của những đứa con, cháu... như cái cách tôi đang nhớ nghĩ đến những người đã mở cho mình cánh cửa đầu tiên.

Hộp thư

Trang Tổ ấm đã nhận được nhiều email cộng tác và trân trọng cảm ơn sự đóng góp bài vở từ bạn đọc: Trần Văn Tám, Nguyễn Hồng Anh, Thanh Nguyễn, Thái Hoàng, Lương Bích Thủy, Khánh Hưng, Vũ Thị Minh Huyền, Nguyễn Thị Phương Nga, Phạm Minh Châu, Nguyễn Thị Loan, Phạm Ngọc Nhật Linh, Nguyễn Thị Hải, Nguyễn Đước, Dương Lê Diệu Hiền, Hàng Thị Minh Hiệp, Phạm Tuệ Nhi, Thanh Thanh...

Chiếc lồng đèn bằng tre của má Chiếc lồng đèn bằng tre của má

TTO - Nếu là mấy năm trước, dịp Trung thu thế này tôi sẽ về quê. Là dịp để thăm má, cũng là thời gian trùng với sinh nhật con trai đang ở với nội. Và kết hợp làm một chương trình thiện nguyện cho mấy bạn nhỏ xóm nghèo ở quê.

PHẠM THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên