Phóng to |
Diễm Lan kiếm củi trong rừng cao su về nấu cám cho heo - Ảnh: NGỌC HIỂN |
Tân sinh viên Thừa Thiên-Huế được “Tiếp sức đến trường” Chiều nay 29-8 lúc 14g30 tại hội trường Đại học Huế (số 3 Lê Lợi, Huế), chương trình “Tiếp sức đến trường 2013” trao học bổng cho 86 tân sinh viên vượt khó, học giỏi tỉnh Thừa Thiên - Huế với tổng kinh phí 430 triệu đồng (5 triệu đồng/suất cùng quà tặng của ban tổ chức) do CLB “Tiếp sức đến trường” tỉnh Thừa Thiên - Huế tài trợ. Điều đặc biệt trong đợt trao học bổng “Tiếp sức đến trường” lần này là có đến 41/86 tân sinh viên mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ nhưng vẫn vượt lên mất mát, khó khăn để học giỏi, nhiều bạn đậu nhiều trường với điểm số cao. THÁI BÌNH |
Người mất cha, người mất mẹ, có người mất cả cha lẫn mẹ, có người sinh ra không thấy mặt mẹ, không biết cha là ai... Họ như những cánh cò mồ côi lần mò trên cánh đồng cuộc đời, nhưng không phải chỉ kiếm cái ăn qua ngày mà còn để theo đuổi sự học với muôn vàn cơ cực.Không bao giờ bỏ học!
“Gửi về mẹ nhiều cánh hoa, thắm sương long lanh giữa núi đồi, chợt giật mình tỉnh giấc mơ, sao không thấy mẹ...”. Giữa rừng cao su âm u thuộc xã miền núi Hương Bình của thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), chúng tôi nghe bài hát Gặp mẹ trong mơ qua tiếng hát da diết của Nguyễn Thị Diễm Lan, tân sinh viên khoa toán Trường ĐH Sư phạm Huế (với 22 điểm). Chúng tôi không cầm được lòng khi nghe Lan tâm sự trong nước mắt: “Mùa Vu lan làm em nhớ tới ba mẹ nhiều lắm, không biết phải làm chi cho hết nhớ”...
Trong bộ quần áo lao động dính đầy mủ cao su, Lan thoăn thoắt băng từ quả đồi này sang quả đồi khác để nhặt củi. Lan cho biết em cùng chị gái dậy từ 2g sáng lên rừng cạo mủ ở đồi cao su chưa đến 200 cây do ba mẹ để lại, đây cũng là nguồn thu nhập chính nuôi sống hai chị em. Thời gian còn lại trong ngày Lan tranh thủ lên đồi kiếm củi, hái lá sắn, rau môn hay đi xin thân chuối về nấu cho đàn heo. Lứa heo này cũng chính là “cái phao” để đưa Lan đến với giảng đường đại học.
Vào tháng 7-2008, một tai nạn giao thông thảm khốc đã cướp mất cả ba, mẹ cùng em gái 4 tuổi của Lan. Tổ ấm sum vầy trở nên tan tành trong phút chốc, chỉ còn Lan và hai chị gái tự chăm lo cho nhau. Ba mẹ ra đi cũng chưa kịp trả đồng nào trong số hơn 160 triệu đồng vốn vay để trồng cao su. Đã vậy, cơn bão cuối năm 2008 quật ngã hơn nửa số cây cao su khiến gánh nợ càng đè nặng lên ba chị em. Thời gian dài sau ngày đại tang, mấy chị em chỉ biết ôm nhau khóc. Thương em, người chị cả Trần Thị Diễm Sương, lúc ấy mới 23 tuổi, quyết gánh vác mọi chuyện gia đình, gửi Lan về nhà dì ruột tại phường Hương Toàn, thị xã Hương Trà để trọ học.
Lan kể: “Khi em lớn lên nhà rất khổ, có ngày ăn ba bữa toàn sắn. Rứa mà ngày khai giảng đứa mô cũng được sắm đầy đủ sách vở, áo quần, dù là mua nợ. Ba mẹ nói cực thì cực nhưng học hành là phải đàng hoàng. Vì vậy em sẽ không bao giờ bỏ học!”. Lan cho biết sẽ xin trọ học ở một ngôi chùa để chị gái bớt gánh nặng tiền ăn. Sau đó, kế hoạch của cô bé là làm gia sư, phục vụ quán cà phê hay quán cơm để kiếm thêm tiền học.
Phóng to |
Ngọc Thuần thầm hứa bên mộ mẹ phải cố gắng học thật tốt...- Ảnh: THÁI LỘC |
Học để mẹ yên lòng
Chúng tôi tìm về làng An Thôn thuộc xã Phong Thu, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) để gặp Trần Ngọc Thuần, cậu học trò mồ côi đậu cao hai trường đại học: ngành toán của ĐH Sư phạm Huế (21 điểm) và ngành ngôn ngữ Anh (25 điểm) của Trường ĐH Ngoại ngữ Huế. Giữa cái nắng trưa chang chang, Thuần vẫn miệt mài cào lúa trên sân...
Bà Mai Thị Huê, dì ruột của Thuần, cho biết Thuần sinh ra không có cha, sáu năm trước mẹ Thuần mất, bà đưa hai cháu về nuôi nấng. Anh trai của Thuần ốm yếu, thường xuyên bệnh tật, không có việc làm nên cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn. Riêng Thuần khỏe mạnh và siêng năng, giúp dì làm mọi công việc từ trong nhà cho đến ruộng vườn. Và đặc biệt cậu bé học rất giỏi.
Đưa chúng tôi ra sau vườn thắp hương phần mộ người mẹ đã khuất, Thuần cho hay trước khi em được sinh ra, mẹ em vốn đã không lành lặn. Sau một lần bị đỉa cắn nhiễm trùng phải cưa chân, vết thương mãi không lành nên bệnh viện cưa dần cho đến đùi mới thôi. Tật nguyền, nghèo khó, bà kiếm con để về sau có nơi nương tựa. Hai anh em do đó không hề biết cha là ai. Họ Trần mẹ đặt cho lấy theo họ của con trai dì Huê. “Hồi nhỏ thấy mẹ tật nguyền, làm thuê bữa được bữa không, có bữa còn nhịn để lo cho con ăn học. Vì rứa em phải gắng học để vừa thoát nghèo mà mẹ ở nơi chín suối cũng được vui!” - Thuần nói.
Khi chúng tôi hỏi làm sao có thể lo cho cháu học hết bốn năm đại học trong hoàn cảnh lo đủ ăn đã khó, người dì Mai Thị Huê tâm sự: “Con người ta đủ đầy mà thi đại học mãi không đậu. Thằng Thuần tui cha mẹ không có mà thi đậu cao cả hai trường. Rứa thì có cực đến mấy cũng phải cho hắn học. Tui đang tính chuyện vay mượn, túng quá thì cắm cái “sổ đỏ” căn nhà ni để cho cháu xong đại học!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận