16/03/2015 12:24 GMT+7

​Những ca khúc nổi tiếng dính nghi án đạo nhạc

NGỌC ĐÔNG (Theo Billboard)
NGỌC ĐÔNG (Theo Billboard)

TTO - Ca khúc nổi tiếng Blurred lines của bộ đôi Robin Thicke - Pharrell William phải bồi thường 7,4 triệu USD vì tội đạo nhạc. Nhưng còn những ca khúc nào cũng ầm ĩ vì nghi án đạo nhạc?

Theo trang mạng justjared hôm qua 15-3, ngày 14-3 tại Hong Kong ca sĩ Robin Thicke đã trình diễn trở lại lần đầu tiên kể từ khi bị tòa xử thua trong vụ kiện “đạo nhạc” gây dư luận những ngày qua.

Mới đây, ca khúc hit Happy của Pharrell William một lần nữa dính nghi án đạo nhạc khi Nona Gaye, con gái nhạc sĩ Marvin Gaye, lên tiếng cho rằng bài hát này giống với sáng tác mang tên Ain't that peculiar do cha cô viết vào năm 1965.

Nhân dịp này, trang mạng Billboard tung ra danh sách các bài hát từng dẫn đầu bảng xếp hạng Billboard 100 vướng phải nghi án đạo nhạc, trong đó có những cái tên đình đám như ban nhạc Coldplay, Bee Gees, The Beatles và Rod Stewart.

Pharrell William đang bị tố ca khúc Happy của anh cũng là sản phẩm “đạo nhạc”. Ảnh: Billboard
Coldplay trình diễn ca khúc Viva la Vida - Ảnh: Billboard

1. Blurred lines

Ra mắt hồi tháng 8-2013, Blurred lines thống trị bảng xếp hạng Billboard Hot 100 trong vòng 12 tuần liên tiếp.

Sau khi gia đình cố nhạc sĩ Marvin Gaye khởi kiện, ngày 10-3 tòa án quận Los Angeles, Mỹ, tuyên bố bộ đôi Robin Thicke và Pharrell William đã đạo ca khúc Got to give it up của nhạc sĩ Marvin Gaye sáng tác năm 1977 để tạo nên hit Blurred lines của họ và phải trả số tiền gần 7,4 triệu USD cho người thừa kế của nhạc sĩ quá cố vì vi phạm tác quyền, trong đó có 4 triệu USD đền thiệt hại gốc và 3,4 triệu USD tiền lợi nhuận mà Thicke và Williams thu được từ vụ vi phạm bản quyền.

Pharrell Williams và Robin Thicke hát ca khúc Blurred Lines bị tòa bắt đền bù 7,3 triệu USD vì “đạo nhạc”. Ảnh: Reuters
Pharrell Williams và Robin Thicke hát ca khúc Blurred lines bị tòa bắt đền bù 7,4 triệu USD vì “đạo nhạc” - Ảnh: Reuters

2. Viva la Vida

Năm 2008, ban nhạc Anh Coldplay từng mê hoặc người yêu âm nhạc trên toàn thế giới và chiếm lĩnh ngôi đầu bảng với ca khúc Viva la Vida. Nghệ sĩ guitar Joe Satriani sau đó lên tiếng tố rằng ban nhạc Colplay đã sử dụng một vài phần trong bản nhạc If I could fly anh viết năm 2004. Ban nhạc Coldplay lúc đó khẳng định hai ca khúc chỉ là sự trùng hợp, tuy nhiên sau đó đã đồng ý hòa giải ngoài tòa án với Joe Satriani năm 2009.

3. Ice ice baby

Rapper người Mỹ Vanilla Ice năm 1990 ghi dấu trên bảng xếp hạng Billboard khi ca khúc Ice ice baby của anh trở thành ca khúc hip hop đầu tiên dẫn đầu bảng xếp hạng Hot 100. Nhưng không may sau đó, nhiều người hâm mộ trên thế giới chỉ ra những điểm giống nhau giữa bài hát đó và ca khúc Under pressure của ca sĩ David Bowie và ban nhạc rock huyền thoại người Anh Queen năm 1981. Ban đầu Vanilla Ice phủ nhận sự giống nhau đó, nhưng sau này đã quyết định trả tiền bản quyền để tránh một cuộc chiến pháp lý.

4. Ghostbusters

Nhạc sĩ người Mỹ Huey Lewis từng đâm đơn kiện nghệ sĩ Ray Parker Jr. vì cho rằng Ray đã đạo ca khúc I want a new drug để tạo nên bài hát từng làm mưa làm gió trên Hot 100 năm 1984 Ghostbusters. Cả hai sau đó đã đi đến hòa giải ngoài tòa án.

5. Do ya think I'm sexy?

Nhạc sĩ người Brazil Jorge Ben Jor cho rằng nhạc sĩ - ca sĩ kỳ cựu người Anh Rod Stewart đã đạo bài hát Taj Mahal của ông cho bài hát dẫn đầu Billboard năm 1979 Do ya think I'm sexy? Cả hai sau đó đã hòa giải ngoài tòa án, và trong cuốn tự truyện của mình ra mắt năm 2012, Stewart thừa nhận đã "không cố ý đạo nhạc."

6. How deep is your love

Bản tình ca bất hủ How deep is your love gắn liền với tên tuổi nhóm nhạc huyền thoại Bee Gees cũng vướng nghi án đạo nhạc sau khi thống trị Hot 100 cuối năm 1977. Gần sáu năm sau, nhạc sĩ Ronald Selle lúc đó đã tố nhóm Bee Gees đạo bản demo bài hát Let It end ông sáng tác năm 1975. Tòa án ban đầu nghiêng về phía Selle nhưng một tòa án cấp cao hơn sau đó lại nghiêng về phía nhóm Bee Gees.

7. My Sweet Lord

Tháng 12-1970, nhạc sĩ người Anh George Harrison ghi dấu ấn của mình lên đầu bảng xếp hạng Hot 100 với ca khúc My sweet lord. Sáu năm sau, một cuộc chiến pháp lý diễn ra và tòa án đã tuyên bố George Harrison đã cố ý sao chép bài hát He’s so fine của nhóm nhạc đến từ New York The Chiffons được viết bởi nhạc sĩ Ronald Mack. Harrison sau đó cho biết việc tranh chấp đã làm anh ám ảnh và không thể sáng tác bài hát mới trong một thời gian dài.

8. Come together

Tập đoàn Big Seven Music do Morris Levy sở hữu, đại diện tác quyền cho ca sĩ - nhạc sĩ Chuck Berry, một trong những người khai sinh ra dòng nhạc rock 'n' roll, đã đâm đơn kiện huyền thoại âm nhạc John Lennon vì những điểm giống nhau đầy nghi vấn giữa ca khúc You can't catch me của Chuck Berry và Come Together của nhóm nhạc đình đám The Beatles.

Bài hát Come together từng chiếm giữ vị trí đầu bảng xếp hạng Billboard năm 1969. Vụ việc sau đó đã được hòa giải ngoài tòa án, và John Lennon đồng ý ghi âm ba ca khúc rock n roll của Levy. 

NGỌC ĐÔNG (Theo Billboard)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên