26/10/2016 09:44 GMT+7

Những bức tranh trong trẻo của họa sĩ 82 tuổi

PHẠM TÔ CHIÊM
PHẠM TÔ CHIÊM

TTO - Ngày 25-10, tại Nhà triển lãm Mỹ Thuật, số 16 Ngô Quyền - Hà Nội, triển lãm “Tranh của Kim” của họa sĩ lão thành Nguyễn Phú Kim đã khai mạc.

Vào tuổi 82, họa sĩ Nguyễn Phú Kim mới tổ chức triền lãm tranh đầu tiên của mình.

Ông là người gắn bó cả cuộc đời với NXB Kim Đồng. Khi là họa sĩ trình bày, lúc vẽ minh họa, lúc làm trưởng ban Tranh truyện, lúc làm họa sĩ trưởng, bận rộn công việc sự vụ tới khi nghỉ hưu ông mới tập trung được hết thời gian cho niềm đam mê hội họa của mình. 

Sinh ra ở nơi được mệnh danh là “Hạ Long cạn” (Ninh Bình ) - nơi mà nhà điện ảnh Mỹ Jordan Vogt Roberts đã nhận xét: “Phong cảnh Việt Nam đẹp đến mức siêu thực!”. Khi quay về quê hương, nhiều khi họa sĩ cảm thấy mình bất lực làm thế nào để có thể đưa sự hoành tráng, phong phú và bí ẩn của quê hương vào diện tích hạn hẹp của một bức tranh. Ông đã vẽ nhiều những phong cảnh nơi quê hương.

Sống ở thành phố, nhưng ông luôn tìm về những tình cảm đời thường của làng quê để làm cảm hứng sáng tạo. Chỉ những tiếng những đứa trẻ xôn xao rủ nhau đi học trong ngõ nhỏ quen thuộc của đồng bằng Bắc Bộ hay là cảnh xưa, đứa chị cõng em chờ mẹ về chợ! Những ngày chớm đông se lạnh, những bước chân lặng lẽ của mùa thu đang qua trong tĩnh lặng. Một bất chợt cô đơn trên bờ biển mênh mang, hoang vắng hay vẫn là ánh trăng bên bờ sông Vân - quê ông đều là những đề tài xuyên suốt trong các tác phẩm của ông.

Ở tuổi 82, họa sĩ Nguyễn Phú Kim vẽ như buông xả, tranh của ông không còn sự ràng buộc. Ông bắt đầu và kết thúc nhanh như tư duy của một nhi đồng. Các tác phẩm của ông càng sau càng trong trẻo và thơ ngây như tâm hồn ông vậy.

Họa sĩ Đỗ Việt Tuấn, người bạn đồng môn của ông viết rằng: Riêng với tôi, được trao đổi hằng ngày, thấy anh rất yêu nghệ thuật. Bút pháp phóng khoáng, màu sắc đẹp tế nhị và duyên dáng. Nhưng trên hết là sự chân thực làm nên cá tính của anh. Sự chân thành trong sáng tác ấy đã quyến rũ được người thưởng ngoạn.

Còn ông thì cho rằng: Mọi cách tìm tòi đều cần thiết và quan trọng, nhưng cái quan trọng nhất trong hội họa là dùng ngôn ngữ của màu sắc, đường nét làm mối liên hệ tình cảm giữa họa sĩ và người xem. 

PHẠM TÔ CHIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên