16/06/2014 20:36 GMT+7

Những binh phu sống chết với Hoàng Sa - Trường Sa

Trích lời bình Biển của người Việt
Trích lời bình Biển của người Việt

TTO - Thông qua những bằng chứng, căn cứ lịch sử, văn bản của nước ngoài, bản đồ... và đời sống văn hoá tinh thần của các ngư dân ven biển miền Trung, Biển của người Việt chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trong suốt 500 năm qua.

Phim Biển của người Việt, đạo diễn: Đào Thanh Tùng (sản xuất năm 2012) - Phần 1

“Ngày 7 tháng 5 năm 2009, Trung Quốc gửi công hàm lên Tổng thư kí LHQ công bố tấm bản đồ 9 đường gián đoạn trên Biển Đông, hay còn gọi là bản đồ đường lưỡi bò. Học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa cho rằng: Đường chín đoạn do tiền nhân của chúng ta vạch ra không có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp lý".

Ngày 21 tháng 6 năm 2012, Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa, lấy đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa làm trụ sở.

Đây là thành phố tổng diện tích đất liền chỉ 13 km2, dân số khoảng 1000 người, nhưng lại quản lí vùng biển khoảng 2 triệu km2, chiếm 80% diện tích biển Đông.

Với những sự kiện nói trên, Trung Quốc cố tình buộc cộng đồng quốc tế phải thừa nhận biển Đông như một ao hồ của nhà mình, coi đó là đường biên giới quốc gia trên biển của Trung Quốc.

Phim Biển của người Việt, đạo diễn: Đào Thanh Tùng (sản xuất năm 2012) - Phần 2

… Biết rằng biển luôn ẩn giấu những điều bất trắc, ngư dân các vùng ven biển miền Trung không bao giờ chịu lùi bước.

Đó không chỉ là cá tính của con người trước biển dữ, đó còn là một lý lẽ rất tự nhiên, biển đối với ngư dân như mảnh ruộng đối với người nông dân, nếu không ra biển họ không còn một cách sống nào khác.

Từ bao đời nay, họ gửi thân trên những con thuyền nhỏ bé, nhưng trước biển ý chí con người luôn mạnh mẽ như những chiến binh, dù phải trả những giá đắt bằng cuộc sống của chính mình. Thuở trước, lịch sử VN trân trọng ghi nhận họ là những binh phu Hoàng Sa Trường Sa.

Suốt dọc dải đất ven biển miền Trung, dầy đặc những dấu vết cha ông người Việt hướng ra biển lớn. Bao giờ cũng vậy, ý thức phải ra biển, ý thức về chủ quyền quốc gia được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ như những di sản vật chất và tinh thần quý giá..

Phim Biển của người Việt, đạo diễn: Đào Thanh Tùng (sản xuất năm 2012) - Phần 3

Theo chính sử Việt Nam còn lưu giữ được, chúng ta phát hiện ra Hoàng Sa Trường Sa cách đây khoảng 500 năm vào thời vua Lê Thánh Tông 1460 – 1497.

Bản đồ thời Hồng Đức, niên hiệu của vua Lê Thánh Tông, hoàn thành năm 1490, còn ghi rõ Hoàng Sa Trường Sa được coi là một dải đảo dài gọi chung bằng các tên khác nhau như Bãi cát vàng, Cồn Vàng, Vạn lý Hoàng sa, Vạn lý Trường Sa, Đại Trường Sa,…

Lịch sử nước Việt là lịch sử mở nước xuống phương Nam và mở đường thông ra biển. Trong hành trình đó có những khúc quanh làm thay đổi vận mệnh dân tộc.

Người Việt Nam bao giờ cũng vậy, luôn trung thực với những nguyên tắc về công bằng và lẽ phải, luôn sống với niềm tin thiêng liêng như những điều không thể mất.

Phim Biển của người Việt, đạo diễn: Đào Thanh Tùng (sản xuất năm 2012) - Phần 4

Người đầu tiên cho vẽ Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ Việt Nam, vị vua hiền Lê Thánh Tông đã từng nói: “Ta không muốn một tấc đất của ai, nhưng không một ai có thể lấy được của ta một tấc đất. Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng cho lấy một phân núi, một tấc sông của cha ông để lại.”

Đó là lời nhắn gửi mà người đời sau phải ghi nhớ…

Được sự đồng ý của Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương, Tuổi Trẻ lần lượt giới thiệu 5 bộ phim với những nội dung phong phú đầy cảm xúc - nói lên cảnh đẹp của quê hương đất nước và con người VN.

Bộ phim ca ngợi sự hi sinh của người lính biển ngày đêm giữ đảo, giữ biển của quê hương đất nước, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, cổ vũ, động viên tinh thần để người dân VN luôn sẵn sàng hi sinh bảo vệ Tổ quốc.

Trích lời bình Biển của người Việt
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên