17/01/2010 03:00 GMT+7

Những bí ẩn trong đời một "Việt Minh" - Kỳ 2: Bi kịch của chiến tranh

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Năm 1940 Platon Alexandrovich vào Hồng quân Liên Xô. Số phận đưa ông từ cuộc chiến này đến cuộc chiến khác.

Trong hồi ký của mình, ông viết: “Tôi đã trải qua đủ các cung bậc của đời lính, có khi phải đối diện với cái chết nơi chiến trận, có khi nhục nhã kiếp tù binh, có khi phải cầm súng để bắn vào lý tưởng thời trai trẻ mà không hề hay biết. Để rồi cuối cùng tôi nhận ra chiến tranh, áp bức - đó là điều tồi tệ nhất của nhân loại!”.

TksguEAK.jpgPhóng to

Platon (bìa phải) trên tàu Kilinski của Ba Lan - Ảnh do Janine cung cấp

Bị bắt làm tù binh của Đức quốc xã

Platon Alexandrovich sinh năm 1922 tại thành phố Kharkov. Đó là thành phố lớn thứ hai của Ukraine sau thủ đô Kiev, là trung tâm công nghiệp hàng đầu của Liên Xô cũ, nơi có nhiều trường đại học lớn, lâu đời và danh tiếng.

Dường như ngay từ lúc sinh ra, trong ông đã tiềm ẩn một sự luân lạc của dòng máu mẹ cha. Cha ông là một người Nga nhưng được sinh ra và lớn lên ở Pháp. Mẹ ông là một phụ nữ Ba Lan hiền dịu, họ kết duyên rồi về định cư ở Ukraine. Sau khi tốt nghiệp trung học, năm 1940 Platon Alexandrovich nhập ngũ để bảo vệ thành phố Kharkov thân yêu.

Khi cuộc chiến giữa Hồng quân Liên Xô và phát xít Đức nổ ra, ông cũng như bao thanh niên Liên Xô lúc bấy giờ đành gác lại những khát vọng của tuổi trẻ để lao vào chiến trận lúc tổ quốc lâm nguy.

Ông ghi lại những ngày đó trong dòng hồi ký của mình: “Tất cả chúng tôi đều rất trẻ, sau những trận đánh chúng tôi lại ngồi bên nhau nói về những dự định tương lai. Chúng tôi luôn tin hòa bình sẽ đến sớm, nhưng cũng hiểu cái giá của hòa bình sẽ phải trả bằng máu và mất mát. Đồng đội tôi nhiều người đã ngã xuống giữa mùa đông giá rét khi miếng bánh mì đen chưa kịp ăn xong, có người phải lùi về hậu phương với những vết thương thê thảm hơn cả cái chết. Sự tàn bạo của phát xít càng thôi thúc chúng tôi tiến lên, bởi chúng tôi biết rằng mình chiến đấu không chỉ cho người Nga, người Ukraine mà là chiến đấu cho cả nhân loại, chiến đấu để chống lại sự tàn bạo của Hitler”.

Sau nhiều trận đánh sinh tử chống lại quân Đức trên mảnh đất Kharkov, Platon Alexandrovich vài lần bị thương nhưng ông từ chối trở về hậu phương an dưỡng mà ở lại chiến trường cùng đồng đội. Cuối năm 1941 chiến trận trở nên ác liệt hơn, lực lượng Đức quốc xã tiến đánh Kharkov gồm 20 sư đoàn và hai lữ đoàn. Cuối cùng Kharkov rơi vào tay quân Đức. Tháng 5-1942 Platon Alexandrovich bị quân Đức bắt làm tù binh, số phận ông bắt đầu lênh đênh...

Trong những trại tù binh của Đức, Platon Alexandrovich từng trải qua những cảnh khủng khiếp, bị tra tấn dã man, bị bỏ rơi gần như chết đói. Nhiều khi ông phải nhặt miếng bánh mì còn dính máu của đồng đội vừa mới tắt thở để có sức chống chọi với giá rét, đòn roi.

Janine, con gái ông, kể: “Đến những ngày cuối đời mà nỗi ám ảnh trong trại tập trung Đức quốc xã vẫn còn hiện về trong những giấc mơ của bố tôi. Nhiều đêm nằm trong chăn mà ông cứ co mình run lên bần bật, ấy là lúc ký ức những ngày đói rét của một tù binh hiện về hành hạ ông. Ông thường nói với tôi việc không phải chết trong trại tù binh của Đức quốc xã đã là một điều thần kỳ. Ông hay kể về chiến tranh để dạy tôi biết quý trọng hòa bình, ông thường nhắc đến những ngày bị cầm tù để tôi biết quý trọng sự tự do...”.

Trở thành lính lê dương

Chiến tranh kết thúc, chưa kịp vui mừng vì tự do, hòa bình thì số phận lại đẩy Platon Alexandrovich xa hơn với tổ quốc, trở thành một người xa lạ với chính mình. Những ngày còn sống, nếu ai hỏi về câu chuyện trở thành lính lê dương của mình thì ông chỉ nói một cách ngắn gọn: “Từ tù binh Đức quốc xã, tôi bị sung vào lính lê dương”. Nhưng thực tế hoàn toàn khác, điều mà ông chẳng nói với ai ngoài người con gái Janine yêu quý.

Ngồi vuốt ve tấm hình thời còn trẻ của Platon Alexandrovich, Janine kể lại bí mật của bố mình trở thành lính lê dương: “Sau khi Đức quốc xã bị đánh bại, bố tôi cũng như những tù binh khác đến từ nhiều nước khắp châu Âu được trả tự do. Ông đang tìm cách trở về nước Nga thì sự cố xảy ra. Vốn là thời gian bị giam cầm ở trại tập trung của Đức quốc xã, do biết chút tiếng Pháp học từ ông nội nên bố tôi thường chuyện trò với tay cai ngục người Đức nói tiếng Pháp. Từ chỗ chuyện trò, tay cai ngục có vẻ thiện cảm với bố tôi nên đồng đội ông nghi ngờ ông là gián điệp.

Trên đường từ Đức trở về Liên Xô, ông được một người bạn thân khuyên nên trốn khỏi đoàn tù binh, nếu không có thể bị cầm tù sau khi trở về. Chờ khi trời tối bố tôi trốn khỏi đoàn, lẫn trong những cánh rừng gần biên giới Đức. Ông đi mà chẳng biết rồi sẽ đi về đâu.

Ông cứ chạy mãi vào rừng, lâu lâu ngoái đầu nhìn lại xem đồng đội có đuổi theo không. Phía trước lại lo sợ tàn quân của phát xít Đức sát hại. Ông lả đi vì kiệt sức, vì những vết thương tra tấn chưa lành hẳn, vì đói và khát... rồi ông lịm đi bên ngôi làng nhỏ, tỉnh lại mới biết mình đã lạc qua nước Pháp. Rồi ông bị người dân địa phương bắt giao cho chính quyền, bị sung vào đội quân lê dương”.

Sau khi bị sung vào đội quân lê dương, Platon Alexandrovich được đưa lên tàu chở đến những nước thuộc địa của Pháp, cầm súng bắn lại những người mà người Pháp lúc đó gọi là “phiến quân”. Lênh đênh trên biển hàng tháng trời, đi từ châu Phi đến châu Á, Platon Alexandrovich vẫn không thể hình dung con đường tương lai của đời mình.

Ông sống nhưng dường như không phải là chính mình, sự day dứt đó sau này được ông ghi lại: “Thật sự tôi đã rất sợ tiếng súng, sợ chiến tranh, vậy mà số phận đen đủi lại bắt tôi phải tiếp tục ôm súng. Lúc này đây tôi chỉ có một giấc mơ là được trở về Liên Xô, được ăn một bữa cơm gia đình cùng mẹ cha, được cùng bạn gái dạo chơi dưới rừng cây nhuốm sắc vàng thu, nhưng điều đó thật xa vời... Tiếng sóng dưới mạn tàu hoàn toàn xa lạ đối với tôi, những mảnh đất tôi đến chỉ có thù hận và chết chóc.

Nếu như trước đây tôi hiểu lý do khi cầm súng chống lại Đức quốc xã thì lúc này đây tôi chẳng biết mình đang chiến đấu vì điều gì. Nhiều lúc tôi tự hỏi có phải mình đang tìm sự sống trên xác chết của người khác? Đó là nỗi ám ảnh lớn nhất của đời tôi! Điều đó càng làm tôi đau đớn hơn khi sau này biết rằng quãng thời gian làm lính lê dương là lúc cầm súng bắn vào những lý tưởng thời trai trẻ của chính mình...”.

Trong khi số phận Platon Alexandrovich đang bị đẩy đưa theo đoàn quân viễn chinh của Pháp thì tại quê nhà, bố mẹ ông cắn răng tin rằng con trai của họ đã bỏ xác ngoài chiến trận. Còn Platon Alexandrovich sau những ngày tháng lênh đênh ông được đưa đến Việt Nam.

______________________

Platon Alexandrovich đến VN năm 1946, cầm súng bắn lại những “phiến quân” người Việt. Nhưng sau những trận càn, ông nhận ra người nằm xuống là những nông dân hiền lành, yêu Tổ quốc và khát khao công lý...

Kỳ tới: Con đường chính nghĩa

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên