07/03/2016 08:17 GMT+7

Những bất ngờ thú vị

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Hội thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2016 khu vực phía Bắc đang diễn ra tại Hải Phòng từ ngày 5 đến hết 8-3 với số lượng dự án dự thi nhiều nhất trong năm năm qua.

Đông đảo người dân, học sinh đến dự triển lãm của Hội thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh khu vực phía Bắc - Ảnh: Tiến Thắng
Đông đảo người dân, học sinh đến dự triển lãm của Hội thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh khu vực phía Bắc - Ảnh: Tiến Thắng

Bên cạnh những dự án được đánh giá cao của hội đồng xét giải, còn có khá nhiều dự án để lại ấn tượng vì những ý tưởng dễ thương, thú vị và cũng rất đáng trân trọng.

Ý tưởng dễ thương, đáng trân trọng

Năm trước, khi còn là cô bé học sinh lớp 9 đến từ Lai Châu, Dương Minh Ngọc mang đến hội thi một dự án sáng chế thuốc nhuộm vải và được trao giải khuyến khích.

Năm nay, em cùng Nguyễn Hữu Thắng, học sinh lớp 12, lại đóng góp cho hội thi dự án chế tạo đất nặn đồ chơi cho trẻ em bằng bột gạo nhuộm màu tự nhiên. So với nhiều dự án của các bạn học sinh đến từ nhiều thành phố lớn, dự án của Ngọc và Thắng có phần đơn giản hơn nhưng lại vô cùng dễ thương.

“Đất nặn được nhuộm màu hóa chất dính vào móng tay, các bé lại đưa lên miệng rất độc hại. Vì thế em muốn làm đất nặn an toàn” - Ngọc cho biết. Những viên đất nặn màu đỏ được làm từ gấc, màu hồng làm từ quả sim chín vốn rất nhiều ở vùng đồi núi, màu vàng từ củ nghệ, màu xanh từ lá gừng tươi...

Lê Thái Bảo đến từ Trường THPT Chu Văn An, Thái Nguyên thì cho biết nhà ngay cạnh đường tàu, một lần thấy tai nạn ba toa tàu đổ, nhiều người bị thương nên chọn dự án thiết kế hệ thống cảnh báo tàu.

Bảo cho biết chỉ cần thiết bị phát gắn trên tàu trị giá khoảng 1 triệu đồng/chiếc, và thiết bị thu tín hiệu gắn trên ôtô 120.000-150.000 đồng/chiếc thì có thể tránh được tai nạn xảy ra khi tài xế không nhìn thấy tàu đang đến gần. Thiết bị thu có thể cải tiến nhỏ hơn, chỉ như đồng hồ đeo tay dùng cho người đi xe máy, xe đạp, đi bộ nếu thường xuyên phải băng ngang đường tàu.

Hai học sinh Cao Quang Minh, Trần Thị Hồng Nhung đến từ Lào Cai mang đến hội thi dự án hệ thống cảnh báo lũ quét trên phạm vi hẹp hơn, có giá trị cảnh báo cao hơn, chính xác hơn. Ngoài ra, rất nhiều đề tài của học sinh tại hội thi này liên quan tới việc chống ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ người khuyết tật, cứu hộ đuối nước, cứu hỏa...

Hầu hết ý tưởng đều xuất phát từ những điều các em nhìn thấy, chứng kiến trong cuộc sống và bắt đầu hình thành từ các mơ ước trong trẻo, dễ thương và cũng rất đáng trân trọng.

Hoạt động nghiên cứu khoa học vẫn còn yếu nhất

Khi đề cập vấn đề nghiên cứu khoa học kỹ thuật đối với học sinh trung học tại hội thảo về trải nghiệm sáng tạo tổ chức ngày 6-3, nhiều ý kiến vẫn cho rằng nghiên cứu khoa học là hoạt động yếu nhất trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo của nhà trường phổ thông.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), đưa ra kết quả khảo sát với 12 loại hoạt động trải nghiệm như thực địa, thực tế, tham quan, cắm trại, tổ chức trò chơi, giao lưu, diễn đàn, hội thảo, thực hành lao động... thì hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật yếu nhất, mặc dù so với năm năm trước có thể thấy kết quả hiện thời là một bước tiến dài.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo nên là môn lựa chọn bắt buộc đối với học sinh. Với yêu cầu được đánh giá như môn học, tất cả học sinh đều được tập dượt làm khoa học, điều này sẽ phát triển khả năng nghiên cứu của học sinh. Tuy nhiên, để làm được điều này, mỗi giáo viên cần được bồi dưỡng lại cách làm khoa học để có thể hướng dẫn các em thực hiện các đề tài của mình” - PGS.TS Kim Thoa đề xuất.

Tuy cho rằng chất lượng các dự án nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh ngày càng có chất lượng nhưng ban tổ chức cho biết trong năm nay sẽ có rất nhiều điều chỉnh nhằm đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng các đơn vị chạy theo thành tích.

Cụ thể sẽ có điểm chấm cho học sinh khi trình bày lý do chọn đề tài, trình bày quá trình thu thập phân tích tài liệu, quá trình thí nghiệm, hoạt động khảo sát thực tế như thế nào. Từ đó có thể xác định được sự đóng góp thật của mỗi cá nhân học sinh vào quá trình thực hiện.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên