09/07/2017 09:26 GMT+7

Những bác sĩ trẻ chọn nơi khó khăn để trưởng thành

QUỲNH LIÊN
QUỲNH LIÊN

TTO - Bảy bác sĩ trẻ tình nguyện đầu tiên thuộc dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, biên giới, hải đảo... chính thức nhận nhiệm vụ đầu tháng 7 này.

Bác sĩ Phạm Anh Tuấn dỗ dành để khám cho trẻ tại Bệnh viện Nhi T.Ư -
 Ảnh: Q.LIÊN
Bác sĩ Phạm Anh Tuấn dỗ dành để khám cho trẻ tại Bệnh viện Nhi T.Ư - Ảnh: Q.LIÊN

Hành trang của họ cho ngày lên đường gói ghém sự hào hứng, phấn chấn lẫn lo lắng, băn khoăn. Dù vậy họ vẫn quyết tâm “tiến về phía trước”.

Tin vào điều đã chọn

Cao Thị Hồng Yến, 27 tuổi, là một trong hai nữ bác sĩ trẻ của dự án lần này. Tốt nghiệp bác sĩ với tấm bằng loại khá, Yến về một bệnh viện huyện ở Hà Nội.

Sau hai năm công tác, thấy tay nghề mình còn non nớt cần học tập nâng cao hơn, Yến tìm hiểu và nộp hồ sơ tham gia dự án đào tạo bác sĩ trẻ tăng cường cho vùng sâu, vùng xa, chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh.

Yến được nhận vào làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai và tham gia chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1 với sự chỉ dạy của những giáo sư giỏi.

“Lúc chưa tham gia dự án, em chỉ biết siêu âm cơ bản nhưng giờ đã đọc được X-quang, phim chụp CT và thực hiện một số kỹ thuật chuyên sâu” - Yến tự tin cho biết sau ba năm nỗ lực.

Nhớ về quãng thời gian đầu, cô gái trẻ bảo mình chỉ dám kể với mẹ và anh trai, không dám nói gì với bố vì sợ bị cấm cản. Ngay cả mẹ cô ban đầu cũng không đồng tình, song vì không thuyết phục được nên đành tôn trọng quyết định của con gái.

Yến nói từng băn khoăn không biết có hòa nhập được ở nơi công tác mới không, phần vì ít khi sống xa gia đình lâu, phần vì chưa biết gì về vùng cao, đồng bào dân tộc. Nhưng sự nỗ lực và tin vào điều đã chọn giúp bạn vượt qua nỗi sợ ban đầu.

Giờ Yến rất tự tin và có thể bắt tay ngay vào công việc. Bạn đã lên kế hoạch vừa làm vừa tự học, đọc sách và kết nối với các thầy của mình để bồi dưỡng kiến thức thường xuyên, nhằm đáp ứng công việc sau khi hoàn thành ở huyện Mường Khương (Lào Cai) sẽ về lại Bệnh viện Bạch Mai.

Cơ hội để trưởng thành

Đó là chia sẻ của bác sĩ trẻ Phạm Anh Tuấn, 28 tuổi, công tác tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Rời trường đại học Y dược Hải Phòng với tấm bằng loại giỏi, Tuấn chọn tham gia dự án tình nguyện dù còn nhiều sự lựa chọn khác.

Tuấn quan niệm không phải cầm tấm bằng khá, giỏi là có thể làm được việc, nhất là với bác sĩ mới ra trường, nên rất cần một môi trường để vừa làm vừa nâng cao tay nghề. Bạn chia sẻ quyết định tham gia dự án là một trong những quyết định đúng đắn nhất của cuộc đời.

Những bác sĩ tham gia dự án như Tuấn được nhận vào làm việc tại các bệnh viện lớn mà không phải thi tuyển, đồng thời được đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1 với sự hướng dẫn của các chuyên gia, giáo sư đầu ngành, vì thế tay nghề lên rất nhanh.

Tuấn khoe mình đã đi gần hết các huyện vùng cao, khó khăn của các tỉnh phía Bắc trong những chuyến hoạt động khám bệnh từ thiện của bệnh viện. Bản thân Tuấn cũng nhận ra những gì cần làm để chăm sóc sức khỏe người dân nơi đây tốt hơn.

“Hi vọng khoảng thời gian làm việc tại các địa phương, bằng kiến thức và tay nghề khám chữa bệnh, mình có thể thuyết phục người dân nâng cao nhận thức về sức khỏe của họ” - Tuấn cười nói.

Bác sĩ trẻ Cao Thị Hồng Yến, một trong hai bác sĩ nữ đầu tiên trong dự án - Ảnh Q.LIÊN
Bác sĩ trẻ Cao Thị Hồng Yến, một trong hai bác sĩ nữ đầu tiên trong dự án - Ảnh Q.LIÊN

 

78 bác sĩ trẻ tham gia dự án

Theo ông Phạm Văn Tác - vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chính thức thực hiện vào năm 2014.

Mục tiêu nhằm cân bằng chất lượng y tế, bác sĩ vùng sâu vùng xa, giảm bớt sự chênh lệch, mâu thuẫn giữa những vùng khó khăn và thuận lợi.

Dự án thu hút khoảng 300 hồ sơ ứng tuyển và chọn ra 78 bác sĩ đáp ứng yêu cầu, chia thành năm đợt đào tạo. Bác sĩ trúng tuyển phải tốt nghiệp loại khá, giỏi trở lên, được đào tạo chuyên khoa 1 ba năm theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, thực hành là chính. Các bác sĩ này sẽ được tuyển dụng làm việc tại các bệnh viện lớn, do giáo sư, chuyên gia đầu ngành kèm cặp.

Sau ba năm, họ sẽ được phân về vùng sâu vùng xa công tác với chế độ ưu đãi... Hết thời gian này, họ trở về các bệnh viện được tuyển dụng trước đó hoặc đến các bệnh viện tại quê hương theo nguyện vọng.

QUỲNH LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên