04/08/2009 20:56 GMT+7

Theo chân bác sĩ tình nguyện Việt trên đất Lào

HUỲNH TỊNH HOÀI NHÂN (từ Champasak)
HUỲNH TỊNH HOÀI NHÂN (từ Champasak)

TTO - Vượt hàng ngàn cây số dưới mưa rừng và những đoạn đường đèo sạt lở, những ngày tháng 7, bước chân không mỏi của các bác sĩ trẻ TP.HCM là chiến sĩ tình nguyện Kỳ nghỉ hồng 2009 lại đến với các bản làng xa xôi của nước bạn CHDCND Lào tại hai tỉnh Attapư và Champasak.

7XRaLtrk.jpgPhóng to
Đoạn đường lầy lội đến với Trung tâm y tế huyện Sanxay

“Chep dù xảy?”

Sáng 1-8, buổi khám bệnh đầu tiên. Attapư mưa. Các bác sĩ xắn quần lội qua những đoạn đường ngập bùn đất đỏ trộn lẫn phân trâu, phân bò vào Trung tâm y tế huyện Sanxay.

Vừa đến nơi đã thấy hàng trăm người dân che dù chờ dưới hàng hiên mưa lã chã. Thuốc men, bàn đo huyết áp, máy siêu âm, đo điện tim, apphich tuyên truyền… lập tức được các bác sĩ đem ra phục vụ bà con. Attapư là một tỉnh còn khó khăn, người dân ít được tiếp cận với các phương tiện truyền thông lẫn các dịch vụ y tế hiện đại, còn giữ một số phong tục cũ không có lợi cho sức khỏe, thường mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, da liễu... Đợt khám phát thuốc miễn phí hàng ngàn người này cũng là dịp để tầm soát bệnh trong người dân.

Anh Vănxi, nhà ở Sanxay, nói bằng thứ tiếng Việt bập bẹ: “Tôi đau lưng hơn một tuần rồi, đang đợi bác sĩ người Việt tới cho thuốc. Có thuốc của bác sĩ Việt Nam tôi mới hết đau”.

S7krCZvx.jpgPhóng to
Cử nhân Huỳnh Đình Minh Trí đo huyết áp cho người dân Attapư

Trong đợt tình nguyện Kỳ nghỉ hồng tại Lào từ 30-7 đến 9-8-2009, các BS đến từ Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM và các BV lớn trong TP.HCM dự kiến sẽ khám phát thuốc miễn phí cho 3000 - 4000 người dân 2 tỉnh Attapư (huyện Sanxay, Sanxettha) và Champasak (huyện Mường Khoỏng, Pakse) với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng dành cho công tác khám chữa bệnh.

Chị Phomvy, 35 tuổi, nhà cách trung tâm y tế hơn 20km, lặn lội đi bộ vượt đường rừng từ đêm hôm trước, địu theo con nhỏ và gùi theo thức ăn nước uống để đến đây. Cầm gói thuốc trong tay, chị tần ngần ngắm nghía: “Khọp chay!...”. Anh Bình, phiên dịch người Việt, giải thích: “Chị ấy nói cảm ơn, được bác sĩ tới khám bệnh là “tốt nhất”, “rất vui”. Người Lào mộc mạc, không nói văn hoa nhưng họ đang rất hạnh phúc đấy”.

BS Trần Văn Khanh, trưởng tổ khám bệnh, người đã 3 lần tình nguyện tại Lào, nói: “Nhìn thấy niềm vui, niềm tin ánh lên trong mắt của bà con, bao mệt nhọc của chúng tôi cũng tan biến…”.

BS Lê Ngọc Diệp (BV Từ Dũ) cảm nhận: “Đến với Attapư, mình có cảm giác thân quen như đang đến với đồng bào mình trên quê nhà dù phải dùng ngôn ngữ khác”.

Khắc phục bất đồng ngôn ngữ, đã có lực lượng hơn 10 bạn thông dịch viên tiếng Lào là các bạn sinh viên học sinh từng học tập tại Việt Nam. Ngoài ra, để tiện trao đổi với người dân, Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM từ đêm trước đã chuẩn bị sẵn một danh sách các câu hỏi phiên âm Lào - Việt. Nhìn các bác sĩ Việt nhẫn nại phát âm từng câu tiếng Lào “Chep dù xảy?” (Đau ở đâu?)… mới thấy được sự tận tâm đến từng chi tiết của các thầy thuốc trẻ.

Quá 12 giờ trưa, người dân đến ngày càng đông nghịt, chưa bác sĩ nào dừng tay ăn cơm. Ngoài trời mưa nhưng bên trong các bác sĩ mồ hôi lấm tấm. Tổ dược làm việc tất bật. Mỗi người một chuyên môn nhưng khi cần là phụ giúp nhau một tay, cả phóng viên theo đoàn sau khi tác nghiệp cũng xắn tay vào giúp các bác sĩ chuyền thuốc cho người dân và được trìu mến gọi là những “dược sĩ bất đắc dĩ”.

Trong quá trình khám chữa bệnh, phát hiện trường hợp bé Xan, 5 tuổi, ở Sanxay, mẹ mất, được chú đưa đến khám bệnh, bị thoát vị não ảnh hưởng nặng đến mắt, BS Trần Văn Khanh đã đề xuất với Tỉnh đoàn Attapư đưa em về Việt Nam chữa miễn phí.

Samaki! Samaki!

Hai ngày khám phát thuốc đầu tiên đã gắn bó các bác sĩ trẻ Việt Nam và các tình nguyện viên Lào lại với nhau. Những cái tên Ta, Talip, Phớt, May… trở nên thân quen với các bạn Việt Nam. Nhiều bạn ngạc nhiên trước khả năng hát tiếng Việt rất sõi của các bạn trẻ Lào. Còn với các bạn Việt Nam, “samaki, samaki” (“hữu nghị”, “đoàn kết”) trở thành từ được nhắc đến nhiều nhất trên môi các bạn trẻ, trong những cái nắm tay và chén rượu giao lưu, trong điệu múa Lam Vông. Và tay bạn nào cũng chật những sợi chỉ “may mắn và sức khỏe” được các bạn Lào tặng trong lễ buộc chỉ tay truyền thống ấm cúng.

bWNOKQq4.jpgPhóng to
Tổ phát thuốc làm việc tất bật trong ngày khám bệnh đầu tiên tại Sanxay

Chị Vông A Phay, giám đốc Trung tâm y tế huyện Sanxettha, mong mỏi: “Đây là lần thứ hai chúng tôi được đón đoàn bác sĩ Việt Nam sang giúp đỡ. Tôi thật sự xúc động và rất cảm ơn tình cảm mà các bác sĩ TP.HCM đã ưu ái dành cho người dân Lào. Mong rằng những năm sau các anh chị sẽ đến với chúng tôi nhiều hơn, lâu hơn nữa”.

HUỲNH TỊNH HOÀI NHÂN (từ Champasak)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên