![]() |
Khách hàng xem giỏ quà tết ở siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ (TP.HCM). Những giỏ quà ngày tết thường không thiếu chai rượu ngoại - Ảnh: Lý Sơn |
Nếu có dịp đến Hàn Quốc, bạn sẽ thấy chủ nhà mời khách thù tạc chỉ mời thuần một thứ rượu là sochu. Còn đến Nhật, trên bàn tiệc sẽ là sake. Sang Trung Quốc, bạn sẽ được mời mao đài. Còn đến VN, bạn sẽ được chiêu đãi bằng rượu tây!
Nghĩ đến đó, tôi nghĩ đã là người Việt hẳn không ai không thấy buồn. Bởi chúng ta nào có thiếu danh tửu. Này nhé, ở phía Bắc thì có rượu làng Vân nức tiếng. Sách vở vẫn còn ghi rằng loại rượu này đựng trong vò đất và nút bằng lá chuối đã có thời dùng làm quà tặng cho quốc khách. Vào miền Trung, ở Huế có rượu làng Chuồn, Quảng Nam có rượu hồng đào, Bình Định có Bàu Đá. Trong miền Nam thì nổi tiếng với đế Gò Đen...
Vậy mà... Đúng như tác giả bài báo “Rượu ơn nghĩa, rượu chạy chọt” viết, tôi thử quan sát trong vô vàn những gói quà xanh đỏ đang bày đầy các siêu thị, hoặc chạy đầy đường để biếu xén, không gói nào không có ít nhất một chai rượu. Không cognac thì cũng whisky, hoặc vang hay champagne, toàn rượu ngoại. Hãn hữu tôi cũng có thấy một chai vang Đà Lạt. Nhưng quả tình hiếm lắm.
Tại sao rượu Việt không lấn được rượu tây như sochu, sake, mao đài làm được? Tôi có nhiều người bạn người Hàn, Nhật và họ cho biết “rượu tây cũng ngon chứ, nhưng đắt quá”. Vâng, không phải ai cũng đủ can đảm để mua một chai rượu tây ở Nhật, Hàn bởi vì nó quá đắt. Vì vậy, với người Nhật, người Hàn, mỗi khi đi nước ngoài về họ đều tranh thủ mua một chai rượu tây miễn thuế để thưởng thức. Nên nhớ, ở Nhật, Hàn một chai rượu tây miễn thuế giá chỉ bằng phân nửa, thậm chí 1/3 so với thị trường bên ngoài vì thuế nhập khẩu lên đến 300%. Trong khi đó ở VN, giá rượu tây không đắt hơn giá mua ở cửa hàng miễn thuế. Quá rẻ. Cộng tất tần tật các khoản thuế cũng chỉ khoảng 100% đối với một chai rượu ngoại vào VN (chai trị giá 100 USD thì đóng khoảng 107 USD cho các loại thuế). Ngoài ra, còn có một nguyên nhân khác khiến giá rượu ngoại ở VN rẻ, đó là rượu giả (từ nước ngoài) nhập lậu vào VN.
Tốn rất nhiều ngoại tệ cho một thứ hàng hóa không thật cần thiết như rượu tây quả thật là một nỗi nhức nhối...
Nhiều loại rượu được giảm thuế nhập khẩu vào VN Theo biểu thuế mới nhất của Bộ Tài chính, từ ngày 1-1-2011, nhiều mặt hàng rượu ngoại đã được giảm thuế suất thuế nhập khẩu. Cụ thể, thuế nhập khẩu rượu vang được giảm từ 56% xuống còn 52%. Các loại rượu mạnh tùy theo nồng độ cồn hiện đang phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu từ 51-57%. Trong khi đó, năm 2010 mặt hàng này chịu thuế từ 55-59%. Riêng với rượu mạnh nhập khẩu có C/O (giấy chứng nhận xuất xứ) form D (hàng hóa có nguồn gốc từ các nước ASEAN) chỉ phải chịu 5% thuế nhập khẩu. Cũng theo biểu thuế của Bộ Tài chính, các loại rượu có nồng độ cồn dưới 20% chỉ phải chịu 20% thuế tiêu thụ đặc biệt. Các loại rượu mạnh có nồng độ cồn từ 20% trở lên chịu mức 45%. Các mức thuế này áp dụng đối với rượu nhập khẩu từ tất cả các thị trường và sẽ được áp dụng đến hết năm 2012 mới có điều chỉnh. Ngoài thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt, rượu nhập khẩu phải chịu thêm 10% thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó tại Hàn Quốc, như tất cả các loại hàng hóa khác, rượu nhập khẩu trước hết sẽ chịu thuế hải quan 8%, bao gồm giá trị hàng hóa và chi phí vận chuyển, bảo hiểm. Các loại rượu như whisky, Brandy... có nồng độ cồn lớn hơn 1% sẽ chịu tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đến 72%. Sau cùng là thuế giá trị gia tăng 10% tổng giá trị hàng hóa và các loại thuế. Tại Singapore, thuế là một trong những nguyên nhân khiến giá rượu ở đây rất đắt đỏ. Hầu hết các loại rượu nhập vào đảo quốc sư tử phải chịu thuế hàng hóa và dịch vụ, tương đương 7% trên tổng giá trị hàng hóa cộng các chi phí bảo hiểm, vận chuyển... Ngoài ra, các loại thức uống có cồn, bao gồm cả bia, champagne bị đánh thuế tiêu thụ 70 SGD/lít cồn (khoảng 55 USD). Các loại thuế không đóng ngay tại thời điểm nhập khẩu mà được áp lên giá bán khi hàng hóa được phân phối đến các nhà bán lẻ. B.HOÀN - TRẦN PHƯƠNG (Theo customs.go.kr, customs.gov.sg) Uống và tặng rượu sake đã thành truyền thống ở Nhật Ở Nhật, rượu sản xuất trong nước rất dễ tìm trong siêu thị hơn rượu tây. Ở một số nơi chuyên bán rượu cũng có thể tìm thấy rượu vang của các nước nhưng chủ yếu là loại thường chứ không phải những chai rượu cao cấp đến vài triệu đồng như ở VN. Rượu sake thường được người Nhật tặng nhau vào Tết Trung nguyên (15-7) hay mời khách vào đầu năm mới. Rượu sake được uống trong dịp năm mới gọi là toso, một loại rượu sake có pha một chút dược thảo, là một loại thức uống tốt cho sức khỏe dịp đầu năm. Tại nhiều vùng, việc nếm chút rượu toso vào ngày tết được tiến hành theo tuổi tác từ trẻ đến già. Uống toso đã trở thành truyền thống trong ngày tết ở Nhật. Vì sao người Nhật có khuynh hướng chọn mua, tặng và uống rượu sake truyền thống Nhật chứ không phải rượu vang phương Tây? Đó là do người Nhật vẫn xem rượu sake là một “phương tiện giao tiếp” với người khác nhằm bảy tỏ lòng tri ân, cảm mến. Giới trẻ Nhật khi đi lai rai có nhiều sự lựa chọn hơn như uống cocktail, uống bia (phần lớn là bia Nhật) nhưng rượu sake vẫn có một ý nghĩa đặc biệt riêng với họ vì ai cũng có dịp thưởng thức rượu sake trong các dịp lễ và loại rượu này đã ngấm vào trong máu người Nhật rồi. Đối với người già ở Nhật, họ uống sake như một sự giải trí, làm nguôi ngoai nỗi buồn hay ăn mừng khi có tin vui. Họ uống rượu sake từ thời trẻ và xem đây là một thức uống cồn không thể thiếu. Cho dù có uống rượu vang ngon cách mấy cũng không thể thay thế được rượu sake. Do đó, rượu sake mang đậm truyền thống dân tộc cùng bao nhiêu kỷ niệm thời xưa đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa uống và tặng rượu của nhiều người dân xứ Phù Tang. PHƯƠNG THÙY ghi - Hironori Akaishi (đang học tiếng Việt tại ĐHKHXH&NV TP.HCM) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận