05/09/2021 10:34 GMT+7

Như một lời chia tay

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Tuổi già giống như chướng ngại vật cuối cùng, mà dù ta có vượt hết mọi chướng ngại vật khác thì vẫn còn nó sừng sững ở đó.

Như một lời chia tay - Ảnh 1.

Tay trống Charlie Watts của ban nhạc rock lừng danh The Rolling Stones qua đời ở tuổi 80 - Ảnh: D.W.

Như ban nhạc The Rolling Stones thách thức thời gian trong 6 thập niên cuối cùng đã phải chứng kiến tay trống của mình rời cõi thế. 

Charlie Watts luôn có vẻ hơi lạc quẻ giữa các thành viên The Rolling Stones màu mè, nhưng tay trống vĩ đại đã ở đó trong 58 năm. Nhớ đến câu "Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời" thì coi như Watts đã ở đó suốt đời mình, cho đến khi ông mất vào tuần trước, đúng ngày kỷ niệm 40 năm album Tattoo you.

Chỉ ba ngày trước khi Charlie Watts mất, âm nhạc thế giới cũng đón nhận tin Don Everly qua đời ở tuổi 84. Điều đó có nghĩa là ban nhạc The Everly Brothers đã không còn ai ở lại. Và những hòa âm đẹp tuyệt vời của anh em nhà Everly chỉ còn là dĩ vãng. 

Cuối những năm 1950, những màn song ca của họ là nguồn cảm hứng cho mọi ban nhạc mơ ước nổi tiếng. Simon & Garfunkel hát các ca khúc của họ trên sân trường trung học. Bản nhạc đầu tiên mà The Bee Gees hát trực tiếp cũng là Wake up little Susie của nhà Everly.

Mấy năm trước, khi Billie Joe Armstrong của Green Day cộng tác cùng Norah Jones thực hiện album Foreverly tri ân anh em Everly, nhiều người hâm mộ của anh thất vọng biết bao khi một biểu tượng punk lại đi hát những bản ballad ủy mị như thế. 

Hẳn người ta đã quên rằng chính những bản nhạc ủy mị ấy là khởi nguồn của rock‘n’roll. Phải chăng năm tháng đã trôi quá mau, khiến chính âm nhạc của tuổi trẻ ngày nào cũng già đi.

Năm 2021 còn đánh dấu sự ra đi của nhà sản xuất lừng lẫy Phil Spector. 

Thật khó tin rằng người sản xuất ra những bản ghi âm êm ái thời thượng của thập niên 1950 như Unchained melody lại cũng là người sản xuất album cuối cùng vốn rất lộn xộn của The Beatles, lại cũng là người làm ra thứ punk cuồng nhiệt cuối thập niên 1970 của The Ramones, và cũng lại là người phổ nhạc cho gần chục bài thơ của Leonard Cohen. 

Nhưng có lẽ, ngay cả những người tưởng như không thể bị tụt hậu trong âm nhạc thì cuối cùng cũng đầu hàng trước tuổi già.

Với những ai yêu jazz, huyền thoại dương cầm Chick Corea dù ở tuổi 60, 70 hay 80 thì vĩnh viễn cũng thật trẻ trung, nhờ vào nguồn năng lượng vô biên mà ông dâng hiến cho từng ngóc ngách âm nhạc. 

60 năm làm nghề là 60 lần ông được đề cử Grammy, 25 lần đoạt giải. Xem buổi biểu diễn của ông hai năm trước trên chương trình Jazz night in America, ông ngẫu hứng từ những bản piano sonata duyên dáng của Domenico Scarlatti thế kỷ 17 đến một bản flamenco tri ân cho một danh nhân Iraq sống vào thế kỷ thứ 7, rồi lại biến tấu một bản hard bop từ thời hoàng kim của Miles Davis. 

Trong những video cuối cùng đăng tải lên YouTube vài tháng trước khi qua đời hồi đầu năm, Chick vẫn xuất hiện bên cây piano, nghịch ngợm với những bản jazz standard làm nên tên tuổi của mình.

Những con người như thế, họ đã sống rất lâu với âm nhạc. Thậm chí họ sẽ sống mãi mãi với âm nhạc, nhưng kể cả vậy thì cũng không ai sống mãi mãi với cuộc đời. Bởi cuộc đời thì luôn khắc nghiệt hơn âm nhạc.

Lá thư âm nhạc: Sao hàn gắn nổi trái tim đã vỡ? Lá thư âm nhạc: Sao hàn gắn nổi trái tim đã vỡ?

TTO - Như mở một chiếc rương cũ trên gác mái, bộ phim là tất cả những bưu thiếp và kỷ vật, những "spicks and specks", hay nói cách khác là những viên gạch sót lại từ lâu đài quá khứ.

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên