Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh |
Bản báo cáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối tháng này.
Ông Vinh cho biết: “Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước do các bộ, ngành và địa phương đề xuất khoảng 4.000 nghìn tỷ đồng, gấp 20,5 lần kế hoạch năm 2015 và gấp khoảng 2,1 lần khả năng cân đối vốn 5 năm 2016-2020 (1.846 nghìn tỷ đồng)”.
Theo lời ông Vinh, “đây là lần đầu tiên trong việc lập kế hoạch, chúng ta khắc phục tình trạng kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc ra từng năm, chuyển sang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn”.
Trong điều kiện cân đối ngân sách rất khó khăn, Chính phủ trình phương án ưu tiên cho các dự án, gồm: đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng chưa được bố trí đủ vốn; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn nhà nước tham gia thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt.
“Trước hết, các cấp, các ngành phải bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi các khoản ứng trước, phần còn lại bố trí đủ vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và bố trí vốn cho các dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp. Số còn lại (nếu có) mới cho phép bố trí khởi công các dự án mới” - ông Vinh nói.
Đối với các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đề nghị phải kiểm soát chặt chẽ về sự cần thiết, chỉ thực hiện các dự án thực sự hiệu quả; phù hợp với khả năng giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi theo các hiệp định đã ký kết và các dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phù hợp với tiến độ triển khai thực hiện đến năm 2020.
Riêng nhu cầu và dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017-2020, tổng hợp cho thấy các bộ, ngành và địa phương đề xuất 1.300 nghìn tỷ đồng để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng.
Nhưng trên cơ sở cân đối vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính, Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành 200 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, chủ yếu cho các dự án cấp thiết thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế.
Liên quan đến tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết trong 5 năm tới sẽ xử lý cơ bản vấn đề này, ưu tiên thanh toán số vốn ứng trước trong nhiều năm qua.
“Sau năm 2020 sẽ không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản” - ông khẳng định.
Đối với một số bộ, ngành, địa phương, do số vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương quá lớn, nếu trong kế hoạch trung hạn 5 năm tới bố trí để trả nợ dứt điểm thì sẽ không còn tiền để đối ứng các chương trình, dự án ODA và bố trí vốn cho các dự án khác.
“Thậm chí, sẽ không còn nguồn để khởi công dự án mới như đối với Bộ Giao thông vận tải, các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận” - Bộ trưởng Vinh cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận