01/09/2020 13:00 GMT+7

Nhọc nhằn đời phu đá - Kỳ 2: Mồ hôi thấm vào đá

TÂM LÊ - VŨ TUẤN
TÂM LÊ - VŨ TUẤN

TTO - Những người phu đá mồ hôi lúc nào cũng nhễ nhại lưng áo, ngay cả khi đang giữa mùa đông rét cắt da thịt. Đồng tiền cũng theo đó mà như nặng giá trị hơn với họ, với chén cơm manh áo của phận người quê nghèo.

Nhọc nhằn đời phu đá - Kỳ 2: Mồ hôi thấm vào đá - Ảnh 1.

Giấc ngủ mỏi mệt của phu đá ngay công trường - Ảnh: TÂM LÊ

Hiểm nguy nghề khoan núi

Mới sáng sớm, mỏ đá đã ầm ầm tiếng máy khoan chát chúa vào vách núi. Rồi tiếng máy đập đá phành phạch dưới chân, tiếng lục cục, ầm ào, rền rĩ của máy xúc, xe tải chở đá.

Dưới mặt đất là trạm nghiền đá, chúng "ăn" những cục đá lớn và "nhả" ra 3, 4 loại đá nhỏ với các kích cỡ khác nhau trên các băng chuyền. Âm thanh nơi này cũng thật hỗn độn, khục khặc, rào rào nghe chát chúa cả tai.

Phía sau sự ồn ào đó, từng tốp công nhân đang lặng lẽ làm công việc của mình. Trong số các nhóm thợ vận tải, máy xúc, trạm nghiền... thì các thợ khoan nổ mìn vất vả và chịu nhiều nguy hiểm nhất.

Cũng vì thế việc khoan đá thường được trả lương cao để thu hút người lao động, nhưng không phải ai cũng trụ được với nghề này bởi sự khắc nghiệt, thậm chí quá nguy hiểm. Hiện tại mức lương của thợ khoan khoảng từ 600.000-1.000.000 đồng/ngày công, trong khi lương của thợ khác chỉ 300.000-400.000 đồng.

Anh Bùi Văn Cường là thợ chỉ huy khoan nổ, hiện đang phụ trách đội thợ ở mỏ đá Vaseline trên địa bàn xã Cao Dương (huyện Lương Sơn, Hòa Bình). Anh cũng từng là công nhân trực tiếp khoan nổ, có thâm niên hơn 20 năm mạo hiểm treo mạng sống trên vách núi.

Ngày ngày mới 6h30 sáng, anh Cường đã có mặt ở mỏ trước giờ công nhân vào làm việc. Sau khi thăm dò địa điểm khoan, kiểm tra lại một lần nữa nguy cơ đá có thể sạt lở, anh sẽ trao đổi công việc với công nhân trong bữa ăn sáng, hoặc trực tiếp ở ngoài bãi khoan.

Bữa sáng của phu đá thường là cơm cho chắc bụng, chứ không phải là phở, cháo. "Đòi hỏi đầu tiên của thợ khoan là sức khỏe, sức khỏe và sức khỏe" - anh Cường cho biết. Tiếp đó phải học leo núi, làm quen với độ cao, thậm chí là cả nỗi sợ hãi. "Thường công nhân chỉ quen được với việc này sau một thời gian đổ mồ hôi tại mỏ" - anh nói.

Khi đã thành thạo và đủ độ "lì", thợ khoan đá mới có thể đem theo ngoài nước uống là dụng cụ đồ nghề, từng phần của máy khoan, thuốc nổ để leo lên vị trí làm việc trên vách núi cao. Có đoạn đường núi họ leo rộng vài tấc, nhưng có đoạn chỉ đặt vừa bàn chân, giày dép trật ra ngoài thì chỉnh lại leo tiếp. Trước khi lên độ cao làm việc, họ phải nai nịt đồ nghề cho chắc, đội mũ bảo hiểm, cầm quấn thật chặt dây chão kéo giữ sinh mạng của chính mình.

Thường hai người điều khiển một máy khoan, máy chạy bằng dầu hoặc điện. Tổ khoan của anh Cường có khoảng chục người để thay ca nhau. Mỗi bãi khoan từ 20-30 lỗ, mỗi lỗ sâu chừng 10-15m. Trung bình họ khoan 3 tiếng xong một lỗ, hai ngày thì xong một bãi mìn.

"Cái nguy hiểm chết chóc nhất của thợ khoan là đá tụt từ trên xuống bất ngờ, có lúc tụt cả tòa, có lúc chỉ cần một hòn bằng nắm tay mà trúng đầu cũng chết. Các phần công việc khác thường an toàn, kể cả nắng cháy da, đỏ thịt cũng phải chấp nhận" - anh Cường kể.

Sau các mũi khoan, thợ nổ mìn sẽ nhồi thuốc, đấu nối kíp nổ. Giờ nổ mìn sẽ vào buổi trưa và chiều, khi công nhân đã về chỗ an toàn. Và sau hồi kẻng cảnh báo cả khu vực thì mìn sẽ được kích nổ.

Trước mắt chúng tôi, đá núi đổ rào rào xuống sau một loạt nổ. Hòn nào to được tiếp tục dùng khoan chẻ nhỏ. Máy xúc đá lên xe tải để đưa ra máy nghiền. Kết thúc một quy trình khai thác đá đầy vất vả và nguy hiểm.

"Nguồn thu nhập vẫn là sức hút của công việc này, nhất là đối với lao động trẻ ở miền quê nghèo. Nhờ thu nhập từ nghề đá, tôi có thể ổn định cuộc sống cho gia đình, lo cho con cái học hành, mỗi năm một chuyến du lịch nhỏ nữa. Làm nghề khác chắc tôi khó mà lo nổi" - anh Cường cho biết thêm và cũng thừa nhận thực tế đã có rất nhiều tai nạn nghiêm trọng xảy ra với đời phu đá.

Nhọc nhằn đời phu đá - Kỳ 2: Mồ hôi thấm vào đá - Ảnh 2.

Người phu leo lên mỏ đá cheo leo nguy hiểm ở Hòa Bình - Ảnh: TÂM LÊ

Những phu trẻ xấu số

Ai đó nói "đồng tiền phu đá đổi bằng mồ hôi và máu" quả thật cũng không quá cường điệu. Nhiều câu chuyện buồn bên mỏ đá mà chúng tôi đã gặp, bên những niềm vui ít ỏi của đời phu đá.

Mộ phu đá Nguyễn Minh Hiển nằm trong mỏ đá xã Cao Dương (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) và ngay trước vách đá đã cướp đi sinh mạng anh. Chúng tôi vào thắp hương, cỏ vẫn chưa kịp phủ kín nấm mồ của người phu đá kém may mắn này.

Mộ anh Hiển nằm cùng với gần chục ngôi mộ khác của người dân làng Om. Bãi tha ma người nghèo nằm trong mỏ đá, chẳng nấm mồ nào được xây. Mỗi lần máy khoan hoạt động hoặc một chiếc xe tải rầm rập chạy vào mỏ, chiếc bia mộ như rung lên trong khói bụi.

Ngược thời gian lại hơn một năm trước, khi vụ tai nạn ở mỏ đá Thiên Hà thuộc Công ty TNHH MTV Thiên Hà Hòa Bình (xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) xảy ra, chúng tôi tình cờ có mặt dự đám tang của Hiển.

Trớ trêu thay, thi thể của Hiển đưa về quàn ở nhà làm đám tang rồi lại đưa về mỏ đá - chính nơi anh bị tai nạn chết để chôn cất. Con gái duy nhất của Hiển khóc lạc giọng khi chiếc quan tài được đưa đến ngay trước vách đá nơi đã cướp đi người cha. Dân làng phải đưa bé về trước để không cho bé chứng kiến cảnh đau lòng cuối cùng.

Trên sườn núi, vách đá vẫn trơ trơ, sắc lẹm. Vài người trong đám tang chùng giọng kể cho chúng tôi nghe về giây phút vách đá bất thình lình tụt xuống, cuốn theo người thợ trẻ đang đứng máy khoan. Người anh trai Hiển mắt đỏ hoe, vẫn chưa tin đứa em lại yểu mệnh. "Nghề đá tàn khốc, nguy hiểm quá, tôi làm nghề khác chú ấy" - anh trĩu giọng.

Trở lại xóm nghèo của làng Đường, xã Cao Dương trong chiều chập choạng. Lối mòn dẫn chúng tôi tới ngôi nhà nhỏ nằm sát ven sông đầy cỏ dại của một phu đá xấu số khác: anh Bùi Văn Khôi, mất khi mới 29 tuổi.

Ngay trước lối vào nhà là hai hàng mộ nhưng không có mộ của Khôi. Người hàng xóm nói Khôi cũng được chôn cất ở khu núi đá ngoài cánh đồng. Bà Bùi Thị Nga, mẹ Khôi, đi vắng. Cô cháu dâu ở cạnh nhà cho biết từ khi con trai mất, bà Nga ủ ê, sống cô lập, ít chịu gặp ai, cửa nhà lúc nào cũng khóa im ỉm.

"Dạo này bác ấy lạ lắm, chẳng gặp ai bao giờ, ai nói gì cũng giận hờn. Hai chị em ruột ở gần nhau mà cũng giận không sang nhà nhau" - cô cháu dâu kể thêm ngày Khôi mới mất, bà Nga tiều tụy đi nhanh chóng, hỏi gì cũng chỉ ôm mặt khóc: "Con tôi hiền lành ngoan ngoãn, tôi bảo nó nghỉ làm đá, đi làm ở lò gốm cho an toàn. Nó bảo để con làm hết đợt này rồi nghỉ, vậy mà"...

Khi chúng tôi quay lại gặp được bà, người phụ nữ mất con mới ngoài 50 tuổi mà khóc đến nỗi cả hai mắt mờ đục. Mái tóc hoa tiêu buộc hờ của bà rũ rượi như đã nhiều ngày quên chải. Ngôi nhà nhỏ vắng vẻ, bóng tối nhiều hơn ánh sáng. Bàn thờ con mới lập với gương mặt tươi trẻ, hiền khô. Khôi mất đột ngột ngay trong lúc đang điều khiển máy khoan đá ở mỏ Thạch Kim (huyện Lương Sơn). Đá lở, Khôi bị cả khối đá đè lên người...

Bạn thợ chỉ biết khóc nhìn, không cách nào cứu được anh.

"Việc leo trèo trên vách núi cheo leo rất nguy hiểm, có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Đúng ra thợ khoan đá, thợ đặt mìn phải được huấn luyện bài bản và phải được giám sát chặt chẽ bảo hộ, an toàn lao động, chứ không thể chỉ là người trước truyền kinh nghiệm cho người sau như hiện trạng ở các mỏ đá" - anh Nguyễn Công Hà, cựu trinh sát đặc công, đã từng làm nhiều năm ở các mỏ đá Thanh Hóa, cho biết.

"Làm đá, tối chưa thấy chồng về thì vợ phải điện thoại mới biết chồng còn sống. Nghề đá chẳng cần đầu tư gì, chỉ đầu tư cái mạng mình. Đá bạc như vôi".

Kỳ tới: Nghề đá bạc như vôi

Nhọc nhằn đời phu đá - Kỳ 1: Treo mình trên vách đá Nhọc nhằn đời phu đá - Kỳ 1: Treo mình trên vách đá

TTO - Những câu chuyện chưa kể về đời phu đá đang lặng thầm nhọc nhằn kiếm miếng ăn nơi núi cao, rừng thẳm. Không ít tai nạn đã xảy ra lặng lẽ không được ai biết tới.

TÂM LÊ - VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: phu đá đời phu đá