Vào những ngày đông giá rét, không khí tết đến gần thì cũng là lúc quê tôi bước vào mùa cấy lúa. Nhà tôi vốn làm nhiều ruộng nên năm nào cũng xong muộn hơn các gia đình khác. Có năm tôi nhớ đến hai bảy, hai tám tết mà mẹ và chúng tôi vẫn đang ở ngoài đồng để cấy cho xong rồi mới đi chợ chuẩn bị đón tết.
![]() |
Ảnh minh họa: Internet |
Từ ngày chúng tôi đi học xa, nhân lực làm mùa trong gia đình tôi ít hơn trước nhưng ruộng thì lại tăng thêm. Để có tiền nuôi chúng tôi ăn học mẹ đã nhận thêm ruộng của những hộ bỏ hoang về làm. Rồi còn đi khai hoang thêm những mảnh đất cằn mà người dân quê tôi bỏ không ai cấy lúa vì phải đầu tư công sức nhiều. Tết năm nào chúng tôi cũng thường kết thúc học kỳ muộn chẳng mấy khi về kịp để giúp mẹ. Khi về, thì nhà đã cấy xong, một mình mẹ phải lo làm sao cho xong gần một mẫu ruộng.
Nhiều lần tôi nói với bố bảo mẹ cho người ta bớt ruộng đi, nhưng mẹ không nghe, mẹ tôi: “Cho ruộng đi rồi thì các con lấy gì mà học tiếp…”. Vào những lúc ấy tôi chỉ biết ôm lấy mẹ mà khóc, tôi thương mẹ lắm. Tôi biết rằng sức khỏe của mẹ không được như những người bình thường khác, căn bệnh viêm xoang, bệnh khớp vẫn thường xuyên hành hạ mẹ mỗi khi “trái gió trở trời”.
Mẹ vẫn thường bị những cơn đau kinh niên hành hạ nhưng chưa bao giờ mẹ than vãn lấy một lời. Sự cũng vất vả đã hiện rõ trên trên khuôn mặt sạm nắng và khắc đầy những vết chân chim. Ngày thường mẹ tôi đã vất vả rong ruổi khắp các thôn trong xã với gánh hàng rong đi buôn lai những mớ rau, con cá… từ chợ đầu mối. Khi đến mùa vụ mẹ lại càng vất vả hơn.
Vào ngày mùa, sáng chiều mẹ đều ở ngoài đòng cả ngày, ban trưa mẹ chẳng máy khi về nhà. Bữa cơm của mẹ thường đặt ngay cuối góc ruộng để tranh thủ thời gian làm cho kịp bà con trong thôn. Cứ một ngày mẹ tôi giam mình ở ruộng là một ngày mẹ tôi phải gồng mình chịu đựng nhưng cơn đau vi căn bệnh thấp khớp. Bác sĩ bảo bệnh khớp phải hạn chế lội nước mới bớt được nhưng có bao giờ mẹ kiêng nước được đâu. Mà nếu mẹ tôi kiêng nước thì ai sẽ lo mùa vụ, lấy đâu tiền để nuôi chúng tôi ăn học.
Vào thời điểm này, trong cái rét như cắt da thịt của mảnh đất miền trung mẹ tôi vẫn ngâm mình trong nước lạnh lạnh để cấy cho kịp thời vụ. Ở quê tôi, người ta không “gieo thẳng “ (bỏ qua công đoạn cấy) mà bao giờ cũng phải xúc mạ, nhổ mạ trên nương cao rồi sau đó mới đưa xuống ruộng cấy. Bố tôi cũng thương mẹ lắm. Mùa vụ đến, bố tôi thường nhận thêm ruộng rồi cày thuê cho người ta, lấy tiền đó thuê người khác cấy giúp cho mẹ để mẹ bớt vất vả. Nhưng nhiều lần tiền mẹ không thuê người mà mẹ dành dụm rồi lại gửi cho chúng tôi ăn học còn ruộng thì mẹ bảo mẹ tự xoay xở được.
Tôi con nhớ cái ngày chúng tôi còn đang học phổ thông, mấy mẹ con ra đồng cấy mạ, nhà lại không có đủ ủng (dụng cụ đi ở chân chống nước – theo tên gọi quê tôi) để đi, mẹ lại nhường ủng cho chúng tôi còn mẹ chỉ đi tất hoặc đi chân trần. Không có ủng nên chân mẹ thường bị những con đĩa cắn chảy máu vì chân trân trần hay ủng tất mỏng quá. Thế nhưng mẹ vẫn quyết không để chúng tôi phải đi chân trần mẹ nói: “Mẹ chịu đựng quan rồi các con cứ đi đi”. Nhiều bữa mẹ trời rét, có gió heo may khiến trời càng thêm lạnh giá, mẹ ra đồng một mình, không cho chúng tôi đi vì sợ con mình bị ốm.
Cuộc sống lo toan, vất vả đã khiến mẹ ngày càng gầy và trông già đi nhiều so với những người phụ nữ khác cùng tuổi ở quê tôi. Càng nghĩ về mẹ tôi càng không biết làm sao để đền đáp nổi công ơn như biển trời của mẹ.
Tối nay, tôi xem dự báo thời tiết trên ti vi thấy họ nói không khí lạnh sẽ tiếp tục tăng cường ở miền trung, lòng tôi bổng thắt lại, tôi nhớ đến mẹ. Khi viết xong những dòng này tôi đã không cầm được những giọt nước mắt lăn dài trên má. Tôi muốn đứng trước mẹ và nói: “Mẹ ơi, con nhớ mẹ, thương mẹ nhiều lắm!”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận