15/04/2014 01:47 GMT+7

Nhớ Trịnh Thịnh - nhớ một thời nhường cơm sẻ áo

NSƯT NGỌC LAN
NSƯT NGỌC LAN

TT - Anh em bạn diễn chúng tôi sống và làm việc với nhau đã hơn nửa thế kỷ, bao nhiêu khó khăn gian khổ của thời bình, thời chiến trong những năm tháng đóng phim với nhau, biết bao kỷ niệm không khi nào quên được.

NSND Trịnh Thịnh qua đờiGặp NSND Trịnh Thịnh trong Thị trấn yên tĩnh

ZLNVlFov.jpgPhóng to
Trịnh Thịnh trong phim Vợ chồng A Phủ - Ảnh tư liệu
JCnnfSb8.jpgPhóng to
Trịnh Thịnh trong phim Dịch cười - Ảnh tư liệu
dOn16yG4.jpgPhóng to
Trịnh Thịnh trong phim Thằng Bờm - Ảnh tư liệu

Tôi đã đóng cặp đôi với ông đến dăm phim như Biển lửa, Thằng Cuội, Nàng Kiều trúng số... và nhiều phim khác: Lửa rừng, Quê nhà, Thị trấn yên tĩnh... Mỗi lần sắm vai cùng ông lại một lần học hỏi được ở ông bao nhiêu kinh nghiệm.

Ấn tượng nhất với tôi về ông Trịnh Thịnh là khi tôi và ông đóng phim Biển lửa - phim đầu tiên tôi đóng đôi với ông. Ông đóng vai Sừ-ca-đát, còn tôi đóng vai người vợ, khi ấy ông đã lớn tuổi, còn tôi mới có 22, 23.

Những buổi đầu diễn giao lưu với “chồng” tôi không sao nín được cười. Không hiểu vì cách nhập vai của ông quá nhanh làm tôi chưa kịp định thần, hay vì khuôn mặt ông quá đặc biệt. Ông thuộc lời, làm chủ nhân vật, ông diễn nhuần nhị, thoải mái từng cử chỉ, động tác của nhân vật. Dần dần tôi diễn cùng ông rất ăn ý. Có lẽ một phần vì “cái duyên của điện ảnh” - như người ta thường nói - toát ra từ ông.

Mỗi khi đoàn làm phim đi đâu, có ông Trịnh Thịnh là chị em chúng tôi rất yên tâm. Một con người chu đáo, nhiệt tình và rất chiều phụ nữ. Tôi còn nhớ thời đi quay phim Thị trấn yên tĩnh, ông đem theo lọ thuốc, vài cân mì sợi, lọ mì chính (bột ngọt) phòng khi đói lòng. Còn chiếc túi vải con nhiều màu của ông lúc nào cũng có gói kẹo, gói bánh quy mua bằng tem phiếu, đặc biệt không thể thiếu chai nước chanh do vợ ông chuẩn bị.

Có những hôm đi quay về quá mệt, mọi người chỉ cần giấc ngủ ngon để mai đi quay sớm. Riêng ông ra sân học lời thoại và diễn tập cho cảnh quay ngày hôm sau. Thấy thế chúng tôi bảo ông đi nghỉ nhưng ông trả lời: “Muốn đóng hay, đóng tốt phải thuộc lời và nắm vững cảnh quay của ngày hôm sau cô ạ”. Đấy là bài học quý giá mà ông để lại cho chúng tôi.

Chúng tôi cứ gọi ông là “ông quy lát” vì không khi nào ông đi làm muộn giờ. Sáng nào ông cũng chạy bộ hàng mấy cây số, khi về đã xách cho chúng tôi dăm gói xôi. Có nhiều lần ông lễ mễ xách về túi đu đủ, túi na ông mua của đồng bào dân tộc. Anh em lại cùng ăn quả ngon xôi dẻo, thân thương như trong một gia đình.

Khi bạn bè có công việc riêng tư không khi nào vắng ông, đó là đức tính hiếm người có được như ông. Kể từ khi ông lâm bệnh đến nay đã hơn ba năm, ông không còn đi đóng phim được nữa. Anh em chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Tôi có đến thăm ông được mấy lần khi ông bệnh nặng hoặc vào dịp Tết Nguyên đán. Đến gặp ông, anh em chỉ nắm tay nhau, vẫn ánh mắt hiền từ, thân thiện. Da ông vẫn hồng hào, đó là nhờ có bà chăm sóc. Chúng tôi ra về, ông chỉ ngồi im không còn tiễn được nữa rồi. Ngoảnh lại nhìn ông mà lệ tôi cứ ứa trào.

Anh Trịnh Thịnh ơi! Hôm nay anh đã ra đi mãi mãi, em xin được gọi anh để nhớ những ngày anh em mình sinh hoạt tại Kịch đoàn điện ảnh. Trên khắp các nẻo đường từ miền xuôi đến miền ngược đều có đoàn kịch mà anh em mình đi diễn. Còn những khi đi quay phim xa nhà hằng năm, anh em mình sống trong không khí đùm bọc, thân thương, nhường cơm sẻ áo. Thời buổi bao cấp khó khăn cả tuần chỉ có cơm độn ngô với cá mắm. Thế mà vẫn chứa chan tình cảm, vui tươi, hăng say vì nghệ thuật.

Tài năng mà khiêm tốn, nhân hậu, Trịnh Thịnh là một nghệ sĩ hiếm có trong cuộc sống này. Riêng tôi từ hôm nay mất đi một người anh, một người bạn diễn, người đồng nghiệp thân thiết không bao giờ còn gặp! Xin vĩnh biệt anh, mãi mãi nhớ thương anh!

Trịnh Thịnh - người đi cùng lịch sử điện ảnh Việt

Năm 1956 - khi Hãng phim truyện VN thực hiện bộ phim đầu tiên của lịch sử điện ảnh cách mạng VN: Chung một dòng sông, NSND Trịnh Thịnh đã là một trong số những diễn viên góp mặt. Khi ấy ông 29 tuổi.

Trước đó, Trịnh Thịnh là diễn viên lồng tiếng chủ yếu cho các phim của điện ảnh Xô viết nhập về VN. Kể từ đó, gần như Trịnh Thịnh có mặt trong hầu hết tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của miền Bắc XHCN và của VN sau này. Đó là Vợ chồng A Phủ, Giông tố, Chị Dậu, Dịch cười, Thằng Cuội, Lá ngọc cành vàng, Kiếp phù du, Đêm hội Long Trì..., đặc biệt vai phó chủ tịch huyện trong Thị trấn yên tĩnh cùng vai ông nội Bờm trong Thằng Bờm đã đem lại cho NSND Trịnh Thịnh giải nam diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan phim VN lần thứ 8 (1988). Tết này ai đến xông nhà (2002) của đạo diễn Trần Lực chính là dấu chấm cuối cùng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Trịnh Thịnh, khi đó ông đã 76 tuổi.

Khán giả Việt của nhiều thế hệ ít ai không biết ông, người nghệ sĩ có khuôn mặt rất “điện ảnh”, khuôn mặt vào vai lão nông tri điền hiền lành, chân chất cũng hợp, mà vào vai cơ hội, nham hiểm cũng không phô. Nhưng Trịnh Thịnh đặc biệt có duyên với những vai hài hước, hợp đến mức người ta dường như cảm thấy đó mới là con người thật của ông - hóm hỉnh, sâu sắc và chua cay.

Hơn 10 năm xa không khí của những đoàn phim, cũng là hơn 10 năm NSND Trịnh Thịnh phải đối mặt với quy luật của muôn đời: sinh lão bệnh tử. Những lần trở bệnh liên tiếp đã khiến ông yếu đi nhiều, càng ít giao tiếp với bên ngoài, với truyền thông. Ông gần như “biến mất”. Và ngày 12-4, NSND Trịnh Thịnh đã qua đời ở tuổi 88, để lại một sự “giật mình” của nhiều nghệ sĩ khi biết ông đã mất... Trong tin nhắn của gia đình gửi đi, chỉ viết đơn giản: “Gia đình kính báo: Ông Trịnh Văn Thịnh, sinh năm 1927, mất ngày 12-4-2014, lễ viếng vào ngày 15-4 từ 14g45-16g tại nhà tang lễ thành phố số 5 Trần Thánh Tông. An táng cùng ngày tại Đài hóa thân hoàn vũ”.

NSƯT NGỌC LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên