01/02/2014 06:00 GMT+7

Nhổ quán

NGUYỄN NGỌC TƯ
NGUYỄN NGỌC TƯ

TTXuân - Mười tới lúc gần sáng, như thể đã thức cả đêm chờ. Chị kêu phiền vì tôi đã để chị nắn gối lúc cọ nồi tối qua. “Nói Mười già cũng chịu, nhưng sức yếu thì sao nhổ quán theo Cao Bồi”. Tôi nghĩ mình thuận theo tự nhiên thôi, đi mãi cũng phải dừng, mòn mỏi. Chuyện Mười với Cao Bồi cũng nên tới hồi kết.

bVsY8wyf.jpg

Một mùa gió nào đó tôi để họ ở Bảy Căn. Quán cơm của Mười chỉ có hai gốc cột cặm còng queo đằng trước, mái nhà đổ dốc gác hờ lên cái vách taluy của cây cầu bắc qua sông. Cái rèm cửa phía tây ngậm một bụng gió, phập phồng như đang đợi. Ba tháng ở đó đúng mùa nước rong. Cứ sáng ra sông Cái Lớn dâng tràn nền thị trấn. Những đám rước dâu xắn quần bì bõm. Bỏ chân ra khỏi giày, ăn chưa xong bữa cơm giày đã trôi cùng đám cá lìm kìm.

Mùa mưa cù lao Mỹ Khánh, người đàn ông của Mười u uất vì thiếu mặt trời. Ghé quán Mười bên hông chợ, Cao Bồi khẩy khẩy mấy hột cơm rồi ngó mưa thở hắt. Cái mũi cao đổ bóng lên một bên mắt tối thẫm, bên còn lại không tia nào không cô quạnh. Cao Bồi than trông nắng để phơi cái phổi đầy hơi nước mà không thấy đâu. Mười cười, “chỉ cần ới một tiếng, mình chạy lại hà hơi là phổi khô ngay”. “Đàn bà gì mà trơ trẽn” - Cao Bồi chì chiết xong, phủi đít ra về.

Cuối năm họ ở Đồng Rừng. Thị trấn cao nguyên bụi đất đỏ như máu. Mưa qua, nhìn nước chảy ròng rã bên lề đường, Mười hình dung nước ấy rất tanh. Quán thuê rẻ, vì chủ nhà thấy coi bộ ế ẩm. Không thưa vắng sao được khi Mười bất cần khách, nhất là họ tới trùng với buổi cơm của Cao Bồi. Tối chong cái đèn dây tóc đỏ lừ chờ ông tới, vài người khách lỡ đường tưởng Mười chờ họ. Một phút sau đó khi đặt chân vào quán, ngó thái độ bực bội của bà chủ quán thì những mơ tưởng tiêu tan. Uể oải lết dép đi, Mười ngán ngẩm nói chỉ còn cơm cháy thôi. Thậm chí chị còn không kéo ghế cho khách ngồi.

Miễn no bụng là được, cơm nấu lò củi thì cháy hết sảy, hồi nhỏ ăn cháy rưới nước mắm cũng ngon. Những người khách đói meo giả lả, nhưng ấm ức với cái tình cảnh quán thấy khách không chút xúc động. Hớt mớ cơm trắng xốp phía trên qua một bên, Mười vừa cạo cháy vừa trở trứng chiên trên bếp. Đám thực khách không được đón chào bẽ bàng nhận ra nồi canh khổ qua còn bốc khói với mấy con cá trê nướng vàng dầm nước mắm gừng đang bày ở kia không dành cho họ. Cái bàn ăn lịch sự duy nhất trong quán cũng không, chỗ ăn của họ là bên bàn máy may cạnh bếp.

Và khi Cao Bồi thõng tay lững thững bước vô, ngồi chễm chệ ở cái bàn nhiều gió và ánh sáng nhất, họ nhận ra ngọn đèn ngoài kia cũng không phải đỏ tóc chờ mình. Những gì ấm áp, thơm tho nhất trong quán thuộc về người đàn ông ấy. Ý thức được điều này rõ như hai cộng hai, Cao Bồi không thèm nhìn họ, cũng chẳng ngó Mười đang cười toe, chỉ lơ đãng ngó những ngón tay mình xòe ra đổ bóng dưới ánh đèn. Đôi bàn tay thuôn muốt như chưa từng chịu dầm trong nước, chưa từng chịu một vết xước nào, chưa từng mang vác nặng.

- Cả chợ chỉ có mấy trái khổ qua chưa mở mắt. Hơi đắng. Mười vừa dọn cơm vừa day dứt cái vị đắng không phải do mình. Lượn lách trong cái quán lá chật chội, người đàn bà như dòng nước réo rắt chảy tuôn. Dáng không cao, ngày càng đẫy đà, nhưng cơ thể sinh động đến nỗi những sợi tóc bạc trên đường rẽ ngôi, những đốm đồi mồi trổ trên hai má cũng phát sáng.

Mười bảo tôi đừng để chị tự sáng. Lung linh kia được phản chiếu từ ánh sáng của Cao Bồi. Người mà khi vừa xuất hiện, Mười cũng lập tức không còn là bà già trễ nải. Bắc cái ghế cách mâm cơm chừng một thước, ngồi tém tẻ nhìn Cao Bồi ăn, hết bữa này sang bữa khác, Mười láp giáp ba điều bốn chuyện như thể cho bốn vách vui. Gần sáng mơ cũng sợ, thấy răng rụng từng cái một, trống trơ. Mớ gừng mật ong tối qua đưa cho có chịu ngậm không đó, trời trở gió lại ho thì khổ. Không tự lo được cái thân mà người ta lo lại không thèm.

Cao Bồi lặng lẽ lùa cơm, khói bả lả trên mặt. Bộ điệu bình thản, dửng dưng với cuộc đời chảy xiết đó, tuồng như bão có đi ngang đây cũng tránh chỗ ông, nếu nó không làm vậy thì Mười sẽ bẻ cong cho nó tránh. Bóng tối ngân ngấn ngoài thềm thấp, quán chỉ có tiếng Cao Bồi đằng hắng và một bài hát nửa chừng vẳng đưa sang.

Tôi cố ý viết cảnh này lặp đi lặp lại, trong những cái quán Mười từng lưu lại để bán cơm, kể từ khi Cao Bồi lánh khỏi gia đình, bắt đầu sống - một - mình trong cái xưởng vẽ. Nhưng không một lần nào nghe Mười kêu chán.

Ngay khi tôi chưa kịp đặt tên, chị đã lót tót đi theo tình. Xuống máy bay, chị bước thẳng vào cái quán đầu tiên mà tôi dựng sẵn. Quán cơm tử tế nhất, xoong nồi tươm tất, bàn ăn trải khăn, chỉ cách xưởng vẽ Cao Bồi một vài căn, để ông khỏi sang đường giữa dòng người xe xéo xắt.

Nhưng cuộc sống tự do mà Cao Bồi tách bầy gầy dựng chỉ được nửa chừng. Mấy đứa con không buông được. Giận chồng, con gái xách gói qua ở ké. Cuối tuần cả bọn kéo tới nấu nướng tiệc tùng, chưa kể điện thoại nheo nhéo suốt ngày ba ăn gì chưa, bỏ quần áo vô máy giặt thì nhấn nút màu xanh, trời sắp mưa coi chừng cửa sổ mở tạt ướt giường.

Một tối Cao Bồi nói mai dời đi cồn Thúc Thắc, ở đó chắc được một mình. Mười kêu trời đất ơi, sao rinh cái quán đi được đây. Ông khủng khỉnh bảo “ai cần theo đâu”. Cái kiểu đàn ông này không bao giờ nói cần ai đó, nhưng vô tình để cho Mười bắt gặp những hộp cơm còng quéo, mớ mì tôm rơi vãi khi ông gặm chúng mà không thèm nấu, hay mớ quần áo dồn đống đầu giường đợi đem phơi mưa cho sạch. Và khi nhìn thấy cái nồi cháy, Mười nghe từ khét đen tiếng kêu thất thanh của người đàn ông không thể sống một mình.

Mười nhổ quán. “Nhiều khi nhẩm đếm chục lần đổi chỗ, thấy thiệt là ly kỳ”, chị thầm thì với tôi những khi gần sáng. Mười chỉ kêu phiền khi một vài chữ nào đó, tôi bóng gió rằng chị mỏi mòn. Đâu có.

Nhổ quán này cặm chỗ khác hóa ra cũng đơn giản, chỉ là trả nhà và tìm một cái nhà khác để dọn vô. Hành lý mang theo vừa đầy túi xách. Một bộ đồ ăn bằng sứ trắng. Mấy bộ quần áo. Mùng mền gói giấc ngủ cho ngon. Nồi niêu gọn đeo, vừa đủ nấu cho hai người. Không còn ai đủ sức biến nơi chốn Cao Bồi ở thành chỗ nghỉ dưỡng cuối tuần. Thằng con Cao Bồi đôi khi nhớ ông già xa nhà, nhằm lúc ông tắt điện thoại từ bỏ thế giới. Cuộc gọi sang chỗ Mười, thằng con chỉ muốn biết đang ở đâu, ông già vẫn khỏe. Những cuộc gọi ngượng ngập.

Nó không biết xưng hô sao với người đàn bà bán cơm cho ông già, kể từ khi ông tách bầy. Nửa đêm về, nó hỏi vợ hay gì chưa, ông già đang ở miệt Thứ, chỗ đó quơ tay được nắm muỗi. Vợ nó khoanh một chấm nhỏ trên bản đồ đã rằn ri vết mực, tự hỏi cái máu mê trôi nổi có di truyền không, và bao lâu nữa chồng mình lại lên đường, ai trong số những người tình của chồng sẽ đi theo bán quán.

Câu hỏi của cô con dâu cũng làm tôi đau đầu. Những câu chuyện như vầy viết chừng nào mới hết. Những người đàn bà không thèm tự sáng, coi người họ yêu là bầu trời, không khí. Ngay cả cái truyện này, Mười cũng cự nự khi thấy dấu hiệu tôi muốn dừng.

Cả những lúc không biết sắp tới đi đâu. Chỉ thấy nơi chốn hiện tại đã đủ lâu, nhen nhóm chút cảm tình với chỗ trọ thuê theo tháng. Người thị trấn quen mặt một gã trung niên tới bữa thọc tay vô túi quần lững thững đi ăn cơm quán, thuộc nết bà chủ quán chỉ chăm chút cho mỗi một khách quen. Đầu đường cuối chợ ai cũng nghi hai người là bồ bịch, dù họ thuê riêng hai nhà, ăn cơm trả tiền sòng phẳng.

Buồn chán, Cao Bồi gắt gỏng, đụng gì cũng chê. Mồng tơi nhớt, rau dền nhám, măng ăn đau mình, cá tanh. Hông Mười dày mỡ đã lâu, giờ ông lấy gang tay ướm đo, lắc đầu ra vẻ coi khinh lắm. “Thất thường chất chồng theo tuổi, ai chịu nổi ?”, Mười cười trong lúc cố nhớ tên một cái chợ ngã ba sông mình từng qua lúc theo ngoại trên chiếc ghe thương hồ. Những tháng chín như vầy bông tràm nhuộm vàng mặt sông, trôi trên bóng những bông lau sắp chín. Cá chay bơi ngửa bụng, theo ăn bông ken chật mặt nước, đến nỗi có lúc ghe không chèo qua được.

Vãi một chài không kéo lên nổi. Thả một đứa trẻ xuống nước, bầy cá đưa nó qua sông mà không chìm. Người ta vớt cá làm mắm, lúc giở mắm chỉ đượm mùi bông. Ở đó có cây sầu chung năm trăm năm tuổi, nắng cong lại mưa thở dài, lúc bị khoét phần gốc để làm đường cây khóc bảy ngày bảy đêm. Coi bộ đã đủ ly kỳ, thứ mà Cao Bồi ưa, Mười gợi ý “mai trả nhà, đi tới đó cho biết”. Bụng tiếc gì đâu. Phải ông nói câu ấy Mười sẽ giả bộ giãy: “Trời, lại nữa rồi, lần nào cũng vậy, phải nói trước mấy ngày để người ta còn nhổ quán xách theo”.

- Ai kêu theo đâu.

- Không theo nấu cơm thì sống bằng mì tôm với trứng luộc. Nhắm chịu nổi không đó?

- Dư sức. Tôi bỏ nhà để sống một mình mà.

“Biết rồi” - Mười nói, mắt nguýt suýt rách đuôi. “Biết rồi”, là những gì Mười muốn trả lời, nếu phút cuối đời Cao Bồi bỗng nói một lời dịu dàng nào đó. Mỗi lần tạt qua chỗ Cao Bồi ở, nghiêng ngó cái ổ coi có cần dọn dẹp gì không, Mười hay bị cằn nhằn, “Lúc nào cũng để lại mùi mồ hôi, khói bếp. Biết khó chịu với con người mà, sao lảng vảng hoài”. Ông tránh không nhắc tới mùi nước mắt đã quéo lại trên tay áo, mùi của tuổi già những váng da khô chờn vờn vẽ lên không khí gương mặt của chia lìa. Chúng làm ông hẫng đi trong ngực, nhắc nhớ một món nợ thanh tân mà Mười đã vay khi bỏ đi. Ba mươi năm trước, cái thơm ngọt của khóe miệng, dái tai, tóc mai Mười giày vò ông tàn khốc. Giờ người đàn bà ấy lại tiếp tục gieo rắc mùi vị của phai tàn. Cao Bồi hơi tức mình, đã vậy mai mình lại dời đi.

Tôi còn biết phải làm gì. Nhân vật nữ chính của tôi chỉ cười tỉnh rụi bảo: “Biết rồi. Thì dọn”.

NGUYỄN NGỌC TƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên