Tuyển tập cho thấy một Thu Bồn không chỉ là một nhà thơ nổi tiếng của những cuộc kháng chiến trong thế kỷ 20 của dân tộc, những bài thơ tình lãng mạn, mà còn là một nhà văn tài ba với những cuốn tiểu thuyết, những tập truyện ngắn in đậm dấu ấn thời đại.
Một người lính lạc quan
Có một điều đặc biệt, Giải thưởng Nhà nước năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017 được trao cho Thu Bồn, không phải trao cho những tập thơ vốn là thể loại làm nên danh xưng, tên tuổi ông trong lòng bạn đọc, bởi ngoài Tuyển tập Trường ca thì tất cả đều là tác phẩm văn xuôi như: tiểu thuyết hai tập Dưới đám mây màu cánh vạc (Giải thưởng Nhà nước), tiểu thuyết Chớp trắng và tiểu thuyết Vùng pháo sáng, tập truyện ngắn Dưới tro.
Nhưng không phải đợi đến Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Thu Bồn, người ta mới biết tới ông là một nhà văn tài năng với những tác phẩm đồ sộ về đề tài chiến tranh, cách mạng.
Đây đều là những tác phẩm Thu Bồn viết trong những năm chiến tranh ác liệt, về những trận chiến đấu quyết liệt, và đã có tác động tức thời, tích cực tới những người tham gia chiến đấu, hoàn toàn xứng đáng với những giải thưởng của Nhà nước.
Tuyển tập một lần nữa khẳng định tầm vóc của tác giả Thu Bồn như một nhà văn với nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn rất có giá trị về thời kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là ở những vùng đất mà nhà văn gốc Quảng Nam gắn bó như ở miền Nam.
Ông là người có mặt qua mấy cuộc kháng chiến từ chống Pháp (12 tuổi đã làm liên lạc), qua chống Mỹ, rồi sang Campuchia, chiến tranh biên giới phía Bắc. Chiến trường nào thời ông sống ông cũng đều có mặt, với tư cách hoàn toàn là một người lính, một chiến sĩ giàu lạc quan cách mạng.
Nhớ mua cho anh một gói nhân tình
Tuy nhiên, theo nhà văn Ngô Thảo - người bạn thân thiết của nhà thơ Thu Bồn ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, không phải là không đáng tiếc khi thơ - những gì thể hiện rõ nét tài hoa và tính cách Thu Bồn - đã nằm ngoài hai giải thưởng quan trọng.
Một phần trong toàn bộ tác phẩm làm nên danh xưng ông đã được in trong các tập Tre xanh (1969), Mặt đất không quên (1970), Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên (1992), Tôi nhớ mưa nguồn (1999)...
Vì vậy, với tuyển tập Thu Bồn tác phẩm do Nhà nước đặt hàng, ông Ngô Thảo trong vai người biên tập đã cố gắng khắc phục điều đáng tiếc trên.
Tuyển tập tất nhiên không thể thiếu những bài thơ hay của tác giả, người mà ngay khi vừa ra mắt bạn đọc năm 1962 đã gây ấn tượng mạnh mẽ với Trường ca Chim Chơ Rao.
Ngày ấy, khi chiến tranh còn mù mịt chưa ai biết ngày mai ra sao, thi sĩ chiến sĩ ấy đã gieo vào lòng người những niềm lạc quan tin tưởng mãnh liệt về ngày hòa bình không xa.
Có cả những bài thơ mới chỉ in báo, tạp chí chứ chưa xuất hiện trong tập thơ nào trước đó, ông Ngô Thảo gom lại một mục chung, gọi là Những bài thơ lẻ.
Trong ấy có Bài thơ chưa đặt tên - bài thơ cuối cùng Thu Bồn viết ít ngày trước khi ông qua đời vào 17-6-2003.
Ngày 1-6 năm ấy, ông đã viết những câu thơ nặng như "một gói nhân tình" khi đang một mình nằm bệnh, tay không cầm nổi bút: Về đi em chợ chiều sắp vãn/ Nhớ mua cho anh một gói nhân tình/ Non nước cách xa, bạn bè lận đận/ Anh nằm đây trò chuyện với riêng mình/ Dông bão đầy trời và chớp giật/ Cứ vào đây soi sáng "cuộc trường chinh"...
Và còn có cả bài thơ văn xuôi Xà Mâu tội nghiệp mà Thu Bồn gọi là chân dung tự họa, từng được đăng trên tạp chí Cửa Việt và đã nhận nhiều phê phán trong bối cảnh văn chương và xã hội lúc bấy giờ, một trong những bài thơ làm cho tờ tạp chí này bị đóng cửa.
Nhà văn Ngô Thảo cho biết bài thơ Đà Nẵng gọi ta Thu Bồn viết trước cuộc xung trận vào Đà Nẵng Mậu Thân 1968 mà ông Phạm Đức Nam (nguyên chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) đánh giá là bài thơ có sức mạnh như một binh đoàn.
Trong kháng chiến chống Mỹ, thơ ông, đặc biệt là bài về Bác Hồ, không chỉ thấm vào bộ đội mà vào cả tầng lớp sinh viên ở thành phố. Họ đi biểu tình chống Mỹ với những khẩu hiệu là những câu thơ Thu Bồn.
Từ trang giấy vương mùi khói súng chiến trường, những câu thơ đi vào đời sống, đi giữa lòng nhân dân, lại theo người lính ra chiến trận.
"Chiến tranh qua đi, những nhà văn tên tuổi còn ở lại được không nhiều, trong đó có Thu Bồn", ông Ngô Thảo khẳng định.
Một sự nghiệp văn thơ vạm vỡ
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương - tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội - nhận định: "Thu Bồn có một sự nghiệp thơ và văn xuôi dày dặn, sức viết rất khỏe. Ông có cả sự nghiệp văn lẫn thơ, và cả hai đều vạm vỡ, khoáng đạt, những áng thơ, văn cuồn cuộn đầy chất đời sống, đầy chất hùng ca.
Ông là đại diện tiêu biểu của lứa văn nghệ sĩ nhiệt huyết với sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, một nhà văn nhà thơ chiến sĩ nhưng rất thi sĩ, một người tài hoa. Cuộc đời và tác phẩm của ông tiêu biểu cho cuộc đời một chiến sĩ văn nghệ sĩ, một cuộc đời mạnh mẽ, sôi động.
Thu Bồn là một trong những niềm tự hào của Văn Nghệ Quân Đội và của văn nghệ sĩ quân đội".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận