17/11/2022 18:18 GMT+7

Nhớ mẹ, thương cha, dù khốn khó mấy cũng cố học để kiếm nghề

ĐẶNG TUYẾT
ĐẶNG TUYẾT

TTO - Ba con trai lớn đều có công việc làm ổn định, anh Thơi chỉ lo cô con gái út Võ Diễm Phúc mấy năm qua nén nỗi đau thiếu vắng mẹ, cố gắng tìm tương lai nhờ vào con chữ mong có một nghề chắc chắn trước cảnh nhà thiếu trước, hụt sau.

Nhớ mẹ, thương cha, dù khốn khó mấy cũng cố học để kiếm nghề - Ảnh 1.

Võ Diễm Phúc nấu cho cha bữa cơm, dọn dẹp nhà bếp trước khi quay lại trường đi học - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Căn nhà nhỏ nằm dưới mặt đường lộ liên xã ấp 3, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là nơi che chắn nắng mưa cho cả nhà anh Võ Văn Thơi (46 tuổi) gồm năm thành viên. Sáu năm trước vợ anh qua đời vì bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, khiến cả gia đình thêm một lần chênh vênh.

12 tuổi mồ côi mẹ

Anh Thơi có bốn đứa con. Anh kể "thằng Hai" tốt nghiệp đại học năm 2016, vừa ra trường thì mẹ mất, rồi lao vào đi làm, đỡ đần cho cha chăm đàn em côi cút. "Thằng Ba" chỉ học hết lớp 9, thấy cảnh nhà nghèo túng, xin đi làm công nhân. Đứt ruột thương con nhưng anh không thể cản.

Còn "thằng Tư", không chịu nổi cú sốc mẹ mất, thêm hoàn cảnh gia đình rối ren, mắc bệnh trầm cảm. Cũng may sau thời gian chạy chữa qua khỏi, nay Tư đã nhập ngũ hơn một năm, sau khi ra quân kiếm việc làm cũng dễ.

Ba con trai đều lớn khôn có nghề nghiệp ổn định, anh Thơi chỉ lo cho cô con gái út chăm chỉ học hành nhiều năm qua. 

Bữa trước vừa đi phụ hồ về tới nhà đang vo nồi cơm thì con gái đạp xe tới báo tin trúng tuyển đại học. Anh mừng quá suýt buông rớt nồi cơm xuống sàn nước.

Vui đó rồi lo đó, anh Thơi khẽ thở dài, nhưng lại động viên con gái đi bước nào tính bước nấy. Trưa hôm ấy, hai cha con cùng ăn cơm với trứng vịt chiên vậy mà ngon lạ lùng, là bữa cơm vui nhất của Phúc trong mấy năm qua.

Mấy năm qua nhìn con vui cười đến trường, nén nỗi buồn nhớ mẹ vào trong, luôn cố gắng chưa một ngày ngơi nghỉ, khiến anh Thơi chạnh lòng. Mẹ mất khi con gái mới 12 tuổi, lứa tuổi thần tiên, tuổi cần mẹ nhất, còn con gái anh lại tự mình trưởng thành như thế.

"Tôi ở quê này ai thuê gì mần nấy, kiếm tiền nuôi mấy đứa con đi học. Đến khi vợ bệnh thì vay tiền chạy chữa, năm đó bảo hiểm y tế chưa chi trả bệnh suy thận mạn, cả nhà chỉ biết còn nước còn tát. Nợ cộng nợ, bà ấy mất sáu năm rồi vẫn chưa trả hết, sao dám mơ sửa nhà", anh Thơi tâm sự.

Nhớ mẹ, thương cha, dù khốn khó mấy cũng cố học để kiếm nghề - Ảnh 2.

Ông Võ Văn Thơi xem lại hành trình gian nan vừa qua của con gái Võ Diễm Phúc được đánh dấu bằng những tờ giấy khen - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

 Nhớ mẹ, thương cha, cố gắng học hành

Với một cô gái thì nỗi đau mất mẹ không dễ lành, may có bà ngoại yêu thương, chăm sóc, Phúc mới an ổn học tiếp. Nhất là quãng thời gian sau khi vợ mất, anh Thơi đi TP.HCM làm việc, phần vì kiếm tiền trả nợ, phần vì buồn cảnh nhà.

Có những ngày đi học về, Phúc thèm thấy dáng mẹ trong bếp, thèm mùi cá kho quẹt với chén cơm trắng nóng hổi mẹ nấu. Rồi em ngồi khóc mướt, bỏ luôn bữa cơm trưa.

Khi cha vắng nhà, Phúc vẫn đi về giữa nhà ngoại và nhà mình để dọn dẹp, thắp hương cho mẹ, chờ cha về. Căn nhà trống huơ, thứ quý nhất cũng là cái tủ đặt bàn thờ mẹ. Dọn dẹp xong em nằm đọc sách, học bài, có ngày đến tối muộn mới đạp xe về ngủ với bà cách đó mấy cây số.

Nay cha đã về nhà, không còn bôn ba xa xứ, Phúc cũng an tâm gói ghém sách vở lên ký túc xá trường học. Trước khi đi, Phúc qua nấu cho cha nồi cơm, quét lại chái bếp, hai cha con quây quần bên mâm cơm chỉ với tô cá kho mà ấm lòng.

Nhớ mẹ, thương cha, dù khốn khó mấy cũng cố học để kiếm nghề - Ảnh 3.

Góc đọc sách quen thuộc của Diễm Phúc bất kể khi ngôi nhà chỉ còn lại một mình em trông nom lúc cha và anh đi làm xa - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Diễm Phúc ngồi nhìn cha rồi lại nhìn vào sấp giấy khen để trên bàn. Gia tài lớn nhất trong căn nhà trống trơ này có lẽ là cái tủ thờ và tấm vách dán đầy giấy khen của các con. Vách dán không đủ, phải bỏ vào bọc treo trên cây đinh.

Phúc ngồi xốc lại từng tờ giấy khen có tên mình và anh Hai. "Giấy khen là thứ duy nhất minh chứng cho sự cố gắng của anh em tụi em trong hành trình chinh phục thành thạo một cái nghề để kiếm sống. Cha em dặn, khổ khó mấy cũng nên đi học để có cái nghề", Phúc nói.

Lật đến gần cuối xấp giấy khen hiện ra tờ giấy chứng nhận phủ bụi thời gian từ 10 năm trước ghi dòng chữ: "Ban biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM chứng nhận sinh viên Võ Văn Thới, Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM được nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2012".

Gương mặt Phúc ánh lên đầy hy vọng: "Em nhớ anh Hai đã may mắn được chọn nhận học bổng để vào đại học. Năm đó, dù gia đình khó khăn, mẹ đang bệnh, anh Hai cũng học xong đại học. Em thấy mình bây giờ hạnh phúc hơn vì còn có cha và các anh".

Nhớ mẹ, thương cha, dù khốn khó mấy cũng cố học để kiếm nghề - Ảnh 4.

Ông Võ Văn Thơi tự hào vì trong ngôi nhà khiêm tốn của mình có một tấm vách dán đầy giấy khen của các con - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Nói về Diễm Phúc, đứa con gái anh Thơi yêu thương và tự hào nhất, suốt nhiều năm luôn là học sinh giỏi, thành tích học sinh giỏi cấp tỉnh môn lịch sử, đạt nhiều học bổng. Đến cuối năm học lớp 12 Phúc xuất sắc được kết nạp vào Đảng, tấm giấy quyết định đỏ thắm rực rỡ được treo chính giữa những bằng khen.

"Em chọn ngành bảo hộ lao động, một ngành khá mới tại Trường đại học Tôn Đức Thắng với mong muốn tiếp bước theo anh Hai, sau này làm một việc liên quan đến kỹ thuật và sự an toàn cho công nhân. Dự kiến khi ổn định lịch học rồi, em sẽ làm gia sư cho học sinh tiểu học để có tiền trang trải và học thêm tiếng Anh", Phúc dự tính.

Cô Võ Thị Kiều Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Trường THPT Thành phố Cao Lãnh 2, tỉnh Đồng Tháp, cho biết Diễm Phúc có tính tự lập rất cao, tham gia nhiều hoạt động nhà trường, là lớp trưởng điều hành mọi hoạt động của đoàn lớp thay giáo viên chủ nhiệm rất tốt.

"Mặc dù mồ côi mẹ, sống với cha và đi về giữa nhà bà ngoại, Phúc vẫn lạc quan, thích trồng chăm sóc cây cối. Đặc biệt, em biết san sẻ với bạn bè có cùng hoàn cảnh với mình những học bổng, phần thưởng cho gia đình nghèo, cận nghèo tại lớp mà lẽ ra em được ưu tiên nhận", cô Hương nói.

Nhớ mẹ, thương cha, dù khốn khó mấy cũng cố học để kiếm nghề - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đỗ đại học, cô nữ sinh ước có thể nhập học lùi 2 tháng Đỗ đại học, cô nữ sinh ước có thể nhập học lùi 2 tháng

TTO - Hơn 17 năm thiếu vắng tình thương của cha, Trần Thị Diệu Em và mẹ sống nương nhờ nhà bà ngoại cùng cậu mợ. Cửa đại học đã trước mặt, nhưng tiền đâu để đi học vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

ĐẶNG TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên