28/09/2014 18:56 GMT+7

Sôi động thị trường chăm sóc sức khỏe di động

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TTO - Xiaomi Tech, một trong những hãng smartphone lớn nhất Trung Quốc, đang lặng lẽ mở rộng chiến trường vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe điện tử - lĩnh vực mà Apple và Google đang thống lĩnh.

Một ngày công nghệ 28-9

Theo trang The MotleyFool (27-9-2014), Xiaomi Ventures, công ty vốn đầu tư của Xiaomi, vừa đầu tư 25 triệu USD vào iHealth Labs, một chi nhánh tại Thung lũng Silicon (Mỹ) của hãng sản xuất thiết bị y tế Trung Quốc Andon Health.

Hãng iHealth này chuyên làm các thiết bị y khoa kết nối với smartphone như cân, thiết bị đo đường trong máu (glucometer), thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu (pulse oximeter), các thiết bị theo dõi thể lực, và thiết bị đo huyết áp.

Tại Hội chợ triển lãm CES Las Vegas 2014, iHealth đã giới thiệu những thiết bị mới như máy đo độ bão hòa oxy trong máu dưới dạng thiết bị có thể đeo được (wearable), áo giám sát huyết áp, và thiết bị điện tâm đồ có thể gắn vào ngực.

Thị trường chăm sóc sức khỏe di động mHealth (gồm các ứng dụng di động và thiết bị có thể đeo được) trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 1,95 tỉ USD (năm 2012) lên 49 tỉ USD (năm 2020).

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc) là thị trường đang tăng trưởng nhanh nhất, có thể đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm tới 49,1% từ năm 2014 tới 2020.

Đang thống lĩnh thị trường mHealth là Apple (có bộ HealthKit) và Google (với Android Wear và Google Fit).

Hồi tháng 7-2014, Xiaomi tung ra vòng đeo tay theo dõi thể lực Mi Band với những tính năng được so sánh với Flex của Fitbit (giá 100 USD) và UP của Jawbone (giá 80 USD). Còn Mi Band chỉ bán có 13 USD.

 

Toshiba bắt đầu tập trung làm laptop cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Hãng Toshiba (Nhật Bản) trung tuần tháng 9 công bố dòng laptop Tecra C50 được thiết kế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB).

Laptop này có màn hình lớn 15.6 inch (độ phân giải 1366 x 768 pixel), CPU Intel Core, bộ nhớ RAM 4GB, ổ đĩa cứng HDD 500GB. Điều đáng ngạc nhiên ở thời buổi này là laptop vẫn được trang bị ổ ghi đĩa DVD.

Nó có 2 cổng USB 3.0, 1 cổng USB 2.0, cổng HDMI nguyên kích thước, kể cả cổng D-Sub để kết nối với các máy chiếu thế hệ cũ, khe gắn thẻ nhớ SD. Kết nối mạng Gigabit LAN, Wi-Fi 802.11ac và Bluetooth 4.0.

Càng ngạc nhiên hơn khi laptop được công bố ngày 23-9-2014 này lại được cài đặt sẵn hệ điều hành Windows 7 Professional (phiên bản chạy ổn định nhất cho các doanh nghiệp), nhưng vẫn kèm theo đĩa cho người dùng chạy Windows 8.1.

Laptop cho doanh nghiệp cần cứng cáp và chạy khỏe, nên Tecra C50 chẳng ngại nặng nề (trọng lượng 2,26kg). Pin khỏe, có thời lượng tới 7 giờ.

Giá Tecra C50 chạy CPU Intel Core i3-4005U Haswell là 579,99 USD. Nếu thêm 120 USD, bạn có con CPU Intel Core i5-4210 mạnh hơn và kèm theo chip bảo mật Trusted Platform Module (TPM) v1.2.

Toshiba bảo đảm trong vòng 6 tháng đầu, nếu laptop Tecra C50 bị hư màn hình, ổ đĩa cứng, bộ nhớ hay bo mạch chủ, hãng sẽ đổi ngay máy phiên bản mới cho người dùng.

Phiên bản Technical Preview của Windows 9 có tên là Windows TH

Lâu nay người ta vẫn biết tên mã của phiên bản Windows tiếp theo Windows 8.1 là Windows Threshold. Người ta đang chờ đợi sự kiện Microsoft công bố bản Windows Technical Preview của hệ điều hành mới này vào ngày 30-9-2014 tại San Francisco (bang California).

Nó sẽ bắt đầu giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của các nhà phát triển, các đối tác để chuẩn bị cho việc phát hành chính thức hệ điều hành mới vào đầu năm 2015.

Trên một website Windows Technical Preview for Enterprise, Microsoft vừa để lộ tên của phiên bản Technical Preview mới là Windows TH. Có lẽ, Windows TH là viết tắt của Windows Threshold.

Trong khi đó, Microsoft cũng đang đưa ra chương trình Windows Insider Preview cung cấp cho các nhà chuyên nghiệp về IT và những người đam mê IT các phiên bản Build thử nghiệm mới nhất của Windows Threshold để họ chạy thử và phản hồi ý kiến cho Microsoft hoàn thiện sản phẩm mới.

Nguồn: Youtube.com

 

Robot làm đầu bếp nhà hàng

Cách đây vài năm, ở Trung Quốc, người ta đã giới thiệu những con robot làm đầu bếp có thể làm ra những sợi mì cho các đầu bếp người chế biến. Giá chỉ khoảng 1.500 USD một đầu bếp người máy như thế. Rồi có những nhà hàng sử dụng người máy làm nhân viên phục vụ bàn, bưng những đĩa thức ăn ra tận bàn cho khách.

Trong thời gian gần đây, ngày càng có thêm nhiều hệ thống nhà hàng ở Mỹ thay thế các thực đơn bằng giấy truyền thống bằng các máy tính bảng được gắn ngay trên mỗi bàn.

Thực khách ngồi tại bàn chọn các món ăn có hình ảnh minh họa cụ thể rồi nhấn lệnh đặt món ngay trên màn hình, không cần phải nhờ vả, đợi chờ những người phục vụ bàn nữa.

Trong khi chờ dọn món ra, thực khách có thể dùng máy tính bảng đó để giải trí, lướt web.

Có những ứng dụng di động như Elacarte và Ziosk cho phép thực khách thanh toán trực tiếp ngay từ smartphone của mình.

Cũng có những ứng dụng và dịch vụ online giúp thực khách chọn trước nhà hàng và đặt bàn trước, đặc biệt là có thể khảo sát nhiều điều kiện và giá cả tối ưu.

Các hệ thống nhà hàng Panera Bread, Applebee’s, Chili’s ở Mỹ đã trải nghiệm với các đầu bếp người máy tự động chuẩn bị các món ăn và phục vụ trên mạng.

Đáng chú ý là Đầu bếp Cui, gốc Trung Quốc và nổi tiếng như một ngôi sao nhạc rock. Đầu bếp Cui là đầu tàu cho thế hệ mới về ẩm thực Trung Quốc tự động và đã hành nghề suốt 2 năm nay. Và Đầu bếp Cui là một người máy.

Từ năm 2012 tới nay, Trung Quốc đã cho xuất xưởng cả một đạo quân người máy Đầu bếp Cui với khả năng đầu tiên là sản xuất mì sợi truyền thống cho các nhà bếp.

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên