Vợ chồng Mark Zuckerberg bên cô con gái đầu lòng - Ảnh: Facebook |
Sau khi cô con gái Max chào đời, nhà sáng lập, đồng thời là chủ tịch Facebook Mark Zuckerberg cùng vợ là Priscilla Chan đã tuyên bố từ giờ đến cuối đời sẽ ủng hộ 99% cổ phần Facebook để gây quỹ từ thiện. Với giá trị cổ phiếu của công ty hiện nay, số tiền từ thiện sẽ vào khoảng 45 tỉ USD.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, khoản thiện nguyện này thực chất lại là một chiến lược kinh doanh dài hạn đầy khôn ngoan của vợ chồng tỷ phú.
Theo tạp chí Fortune, Zuckerberg sẽ sử dụng một cấu trúc khá đặc biệt trong kế hoạch từ thiện của mình, qua đó giúp anh kiểm soát tốt hơn khoản tiền cho đi, cũng như đem lại một khoản lợi thuế không nhỏ cho bản thân.
Lập công ty thay cho quỹ từ thiện
Chiến lược mà Zuckerberg đưa ra là thiết lập một tổ chức từ thiện được vận hành như một công ty trách nhiệm hữu hạn (LLC) mang tên Sáng kiến Chan Zuckerberg (CZI).
Về mặt lý thuyết, CZI hoàn toàn có thể hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận, nhưng nó cũng có thể thực hiện các khoản đầu tư vào các công ty tư nhân khác.
Liên quan tới vấn đề này, đại diện Facebook cũng cho biết với tính chất của CZI, tổ chức này hoàn toàn có thể đầu tư sinh lời, đồng thời dùng chính những lợi nhuận đó để tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy cho những sứ mệnh tốt đẹp mà họ đã đặt ra.
Loại hình này cũng từng được Laurene Powell Jobs, góa phụ của của người đồng sáng lập Apple Steve Jobs áp dụng trước đó. Hiện tại công ty trách nhiệm hữu hạn với mục đích từ thiện của bà là Emerson Collective đã thu hút không ít nhà tài trợ chính nhờ sự cơ động trong cấu trúc vận hành này.
Điểm tối ưu nhất của loại hình kinh doanh kết hợp từ thiện trên là các nhà đầu tư có thể có lãi hoặc gửi những khoản ủng hộ có mục đích chính trị mà không phải báo cáo như các tổ chức từ thiện.
“Cái hay nhất của các công ty LLC ngày nay là mô hình này sẽ giúp họ xử lý tình huống nhanh chóng để tạo sự khác biệt. Cùng một lúc bạn có thể đầu tư vào mục đích chính trị, đầu tư cả có lãi lẫn đầu tư phi lợi nhuận” - Laura Arillaga-Andreessen, một chuyên gia trong lĩnh vực đóng góp xã hội cho hay.
Tránh thuế thu nhập
Bên cạnh đó, theo nhận định của The Daily Beast, việc chuyển cổ phiếu vào quỹ thiện nguyện do chính mình quản lý có thể giúp Mark có được khoản lợi không nhỏ từ việc chuyển quyền sở hữu cổ phiếu mà không phải trả thuế thu nhập. Đây cũng là chiến lược từng được nhiều ông trùm đầu tư trên thế giới thực hiện.
Một trường hợp điển hình là tỷ phú Bill Gates. Với cam kết tặng 28 tỷ USD cho quỹ từ thiện mang tên ông - Bill & Melinda Gates Foundation, mỗi năm Bill Gates bán một lượng cổ phiếu nhất định mà ông sở hữu để chuyển tiền về cho Quỹ từ thiện do ông kiểm soát để toàn quyền sở hữu, và tất nhiên, không phải trả bất kỳ một khoản thuế thu nhập nào.
Một điểm cộng nữa trong việc lập ra CZI chính là việc Mark có thể kiểm soát hiệu quả hơn khoản tiền từ thiện của mình.
Theo đó, thay vì đưa tiền thẳng cho các hệ thống từ thiện sẵn có hoặc các dịch vụ phi lợi nhuận (khi đó khoản tiền sẽ không còn nằm trong sự kiểm soát của Zuckerberg), LLC sẽ giúp người đồng sáng lập Facebook có tiếng nói hơn trong quyết định sẽ ủng hộ tiền vào đâu và làm gì.
Một nguyên nhân khác dẫn đến quyết định của Zuckerberg chính là khả năng quyết định và kiểm soát tương lai của Facebook, kể cả khi ông đã cho đi phần lớn cổ phần.
Theo như lá đơn mà Facebook gửi đến Ủy ban An ninh và Trao đổi chứng khoán Mỹ (SEC), mỗi năm, người đồng sáng lập Facebook cam kết sẽ không chuyển quá 1 tỉ USD/năm từ cổ phần Facebook sang CZI trong vòng 3 năm tới, đồng thời khẳng định sẽ “giữ đa số cổ phần trong hệ thống chứng khoán của Facebook trong tương lai gần”.
Chính vì thế, mặc dù cho đi đến 99% cổ phiếu trong Facebook, có thể thấy trong tương lai dài hạn sắp tới, Mark Zuckerberg vẫn có khả năng kiểm soát phần lớn số phận của trang mạng xã hội nổi tiếng này, đồng thời được tự chủ hơn trong việc chuyển giao các khoản tiền của mình mà không phải chịu bất kỳ loại thuế nào từ chính phủ.
Chính vì thế, theo chuyên gia John Cassidy, tuyên bố “từ thiện” của “ông trùm” Facebook là một bài toán đầy khôn ngoan về thuế lãi vốn, thuế gia tài, thuế thu nhập cá nhân đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng và đầy khôn ngoan.
Khách quan mà nói, hoạt động thiện nguyện này của Mark Zuckerberg nói riêng và các tỷ phú khác nói chung đều mang lại ảnh hưởng tích cực cho mọi người. Điều cần lưu ý ở đây chính là cần phải có cái nhìn lý tính đối với mọi khoản tiền từ thiện, khi cho đi - lấy lại vốn là nguyên tắc cố hữu trong mọi khía cạnh đời sống.
Có khác chăng là đối với các nhà tỷ phú vốn có tầm nhìn kinh tế quá vĩ mô, hoạt động từ thiện lại một lần nữa được nâng tầm để trở thành một loại hình kinh doanh cao cấp.
Và khoản tiền khổng lồ 45 tỉ USD của vợ chồng Mark Zuckerberg chính là một trong những thâm ý khôn ngoan đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận