12/09/2016 13:11 GMT+7

Mua máy tính giá rẻ: Cần hiểu các thông số kỹ thuật

MINH HUYỀN - TUẤN LINH
MINH HUYỀN - TUẤN LINH

TTO - Để tránh trường hợp mua máy tính cũ còn “zin 99%” nhưng vẫn “liệt cả đôi đường”, các kỹ thuật viên đều khuyên người mua cần tìm hiểu các thông số kỹ thuật.

Trước khi mua máy tính cũ, người dùng cần
Trước khi mua máy tính cũ, người dùng cần tìm hiểu các thông số kỹ thuật - Ảnh chụp màn hình một trang web rao bán máy tính cũ

Để khắc phục được những khó khăn trên, anh Võ Hữu Phúc (kỹ thuật viên của một công ty tin học ở Q.Bình Thạnh) và anh Nguyễn Thạch Trúc (kỹ thuật viên, Q.2, TP.HCM) đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc chọn máy tính.

Nhằm xác định máy còn mới hay đã qua sử dụng, việc cần làm đầu tiên là kiểm tra bằng mắt thường các dấu hiệu của máy như niêm phong máy, các linh kiện, màn hình, vỏ máy, khe cắm… Sau đó, cần kiểm tra thời gian kích hoạt bảo hành thông qua “serial number” (số xêri của máy) trên trang web chính thức của hãng.

Máy mới là máy chưa được kích hoạt. Dù vậy, không ít cửa hàng sử dụng chiêu trò in số xêri giả, nên bạn cần phải sử dụng thử máy để đảm bảo độ chính xác cao như gõ tất cả các phím để kiểm tra có phím nào bị liệt không, hoặc chạy đồng thời nhiều chương trình để kiểm tra tốc độ vận hành máy.

Việc kiểm tra dung lượng và thời gian sử dụng của ổ cứng rất quan trọng. Người bán có thể hỗ trợ người mua kiểm tra hoặc có thể tải các phần mềm kiểm tra ổ cứng để biết rõ về “tuổi thọ” của bộ phận quan trọng này.

Ngoài ra, khi mua máy tính, các bạn sinh viên cần chọn mua máy tính tại các đại lý của hãng mà mình muốn chọn, được đảm bảo rằng nguồn hàng được phân phối trực tiếp từ hãng sản xuất đối với máy mới.

Các cửa hàng có uy tín có cơ sở vật chất ổn định, chính sách bảo hành, hậu mãi lâu dài và sẵn sàng cho khách hàng thử máy, nên các bạn trẻ cũng có cơ hội kiểm tra rõ máy hơn trước khi chính thức mua.

Ngoài ra, các bạn sinh viên cũng không nên mua hàng trực tuyến, tránh trường hợp hàng không đúng với thực tế và khả năng không đổi trả được hàng.

Nếu bạn chọn mua máy tính đã qua sử dụng, việc cần làm đầu tiên là vệ sinh và cài đặt lại hệ điều hành cho máy, cũng như thực hiện các thao tác “dọn rác” cho máy để máy đạt được hiệu suất tốt.

Cụ thể, khi mua máy về, sinh viên nên chủ động làm sạch quạt hoặc thay mới keo tản nhiệt để giúp máy không bị nóng và giữ gìn tuổi thọ cho máy.

Ngoài ra, các bạn cũng lưu ý không nên sử dụng máy tính trên giường đệm để học hoặc giải trí, làm cho máy nhanh hỏng hơn do bị nóng, bởi mặt phẳng đệm hoặc chăn gối ấp vào máy tính khiến máy không thể tản nhiệt ra bên ngoài.

Dù giá thường chỉ bằng 2/3 hoặc thấp hơn so với giá gốc, máy tính đã qua sử dụng thường gặp những sự cố sau:

- Các cổng cắm thiết bị như USB, micro, loa, cổng sạc thường chập chờn, lỏng lẻo, kết nối không như ý, khi được khi không.

- Chai pin, dẫn đến việc phải liên tục cắm dây nguồn để sử dụng.

- Bụi bẩn, nước vào trong máy, tản nhiệt kém gây nóng máy, đơ…

- Máy nóng, dễ bị treo và phải liên tục khởi động lại.

- Màn hính chớp tắt, màu sắc không chuẩn hoặc đèn màn hình bị vàng đi (trường hợp này phải thay mới màn hình).

- Sự cố thường gặp nhất là keo làm mát không được thay mới, làm máy dễ bị nóng và bàn phím bị hỏng (bị kẹt, liệt hoặc dễ tróc phím).

Một điểm cần chú ý đặc biệt là cấu hình của máy. Bạn cần chọn máy có cấu hình phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình, tránh trường hợp lãng phí do không sử dụng hết công suất, hoặc “tính già hóa non” khi mua máy rẻ nhưng không đáp ứng được nhu cầu sử dụng.

Đối với sinh viên chuyên ngành đồ họa hoặc công nghệ thông tin thường phải sử dụng máy tính có tốc độ cao, bộ xử lý mạnh và màn hình rõ nét, độ phân giải cao. Dưới đây là một số gợi ý về thông số máy:

- Chip Intel Core i3 trở lên, đời càng về sau tích hợp đồ họa càng tốt.

- RAM tối thiểu 4 - 6GB trở lên mới thích hợp cho ngành công nghệ thông tin hoặc đồ họa, các ngành khác chỉ sử dụng các thao tác và ứng dụng văn phòng như Word, Excel hoặc thuyết trình chỉ cần RAM từ 2 - 4GB.

- Màn hình tấm nền IPS độ phân giải hơn 1.600 x 900px.

- Ngoài ra, các bạn sinh viên có điều kiện có thể lựa chọn dòng laptop có card đồ họa rời nếu theo ngành đồ họa.

Để bảo quản máy, nhiều bạn thường có thói quen không những dán màn hình mà còn dán decal toàn bộ thân máy. Điều này khiến máy tản nhiệt kém nếu gặp phải thợ không hiểu về máy móc, dán bịt kín các khe thoát nhiệt.

Ngoài ra, sinh viên có thể mua thêm một vài phụ kiện như bộ dụng cụ làm sạch máy, tấm để chuột, tấm che bàn phím để tránh bụi, đế tản nhiệt hoặc một cục loa nhỏ để tự bảo quản máy được tốt hơn.

Có nên vừa cắm sạc vừa dùng máy?

Cho rằng pin chai là do vừa dùng máy vừa cắm sạc, nhiều sinh viên tự động tháo cục pin trong máy ra và cắm dây nguồn vào sử dụng. 

Theo anh Trúc, đây là việc làm không nên vì nếu không sử dụng hoặc tháo ra mà không biết bảo quản thì pin vẫn giảm tuổi thọ.

Ngoài ra, pin còn có tác dụng ổn định nguồn điện và bảo vệ máy tính, đặc biệt là tránh sập nguồn mà chưa kịp sao lưu dữ liệu.

“Khi máy tính còn dưới 10 hoặc 15% (tùy theo từng dòng máy sẽ có báo hiệu pin yếu), lúc đó bạn hãy cắm dây nguồn vào sạc và tiếp tục sử dụng bình thường, kể cả khi đầy pin cũng không rút sạc. Tuy nhiên, khi tắt hẳn máy tính thì phải rút dây sạc ra khi pin đã đủ 100%” - anh Trúc chia sẻ.

Với các dòng máy tính hiện nay, khi pin đầy 100% máy sẽ tự động ngưng chế độ sạc. Ngoài ra, nhiều dòng máy hỗ trợ phần mềm để quản lý và kiểm tra chế độ sạc pin.

MINH HUYỀN - TUẤN LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên