Flappy Bird, trò chơi được người Việt ưa chuộng và tìm kiếm nhiều nhất năm 2014 - Ảnh: PCMag |
Đây là kết quả bầu chọn được Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) công bố ngày 29-12.
Bầu chọn 10 sự kiện ICT tiêu biểu là hoạt động thường niên được Vietnam ICT Press Club tiến hành nhằm điểm lại những hoạt động, sự kiện nổi bật và tiêu biểu trong lĩnh vực này của Việt Nam trong năm qua.
Dựa trên các tiêu chí: mức độ ảnh hưởng của sự kiện đến cộng đồng, xã hội và sự phát triển của ngành ICT, 27 sự kiện được đề cử của 50 nhà báo chuyên trách ICT đến từ các báo, đài phát thanh, truyền hình trong cả nước đã chấm điểm chọn ra 10 sự kiện tiêu biểu của năm 2014.
Theo kết quả bầu chọn, hiện tượng Flappy Bird gây sốt trên toàn thế giới đứng đầu danh sách mặc dù xuất hiện từ cuối tháng 1-2014 trên 2 chợ ứng dụng Google Play cho thiết bị Android và App Store cho iPhone, iPad. Sản phẩm này đã gây sốt trên toàn cầu vì tính đơn giản nhưng rất khó chơi của trò chơi trên thiết bị di động này.
Trước những áp lực từ người chơi trên toàn cầu về những tác động tiêu cực, cùng những quan điểm trái chiều tại Việt Nam đòi truy thu thuế Flappy Bird... tác giả Nguyễn Hà Đông đã quyết định gỡ bỏ trò game này khỏi 2 chợ ứng dụng di động trên toàn cầu.
Tuy nhiên, Flappy Bird vẫn được lọt vào 10 từ khóa tìm kiếm trên Google nhiều nhất toàn cầu năm 2014, và tác giả Nguyễn Hà Đông cũng lọt vào danh sách 10 triệu phú công nghệ làm giàu từ Internet do trang The Richest bình chọn.
Sự kiện xếp thứ hai là việc VCCorp bị hacker đánh sập toàn bộ hệ thống, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Sáng 13-10, nhiều báo điện tử lớn cùng hàng chục trang tin của VCCorp đều ngừng hoạt động.
Vụ tấn công kéo dài trong nhiều ngày để lại hậu qủa to lớn với thiệt hại do VCCorp đưa ra khoảng 20-30 tỉ đồng.
Tuy nhiên VCCorp cũng đánh giá vụ tấn công có tính bài bản, tổ chức cũng tiêu tốn của các hacker khoảng 500.000 USD.
Việc tách MobiFone ra khỏi VNPT, nâng cấp thành Tổng công ty cũng được đánh giá là sự kiện lớn thứ 3 với sức ảnh hưởng lớn, chuyển biến quan trọng trong lộ trình tái cơ cấu tập đoàn VNPT để tinh gọn bộ máy, tăng cường tính hiệu quả cho tập đoàn VNPT.
Tuy nhiên, việc MobiFone được tách khỏi tập đoàn mà không phải gánh theo 60 đơn vị khác của VNPT đang làm ăn thua lỗ lại khiến nhiều người bất ngờ.
Samsung rót tiếp 3 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam là sự kiện thứ tư được lựa chọn. Với tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên đến 11,2 tỷ USD, Samsung trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Cùng với việc Microsoft đang dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Bắc Ninh, LG mở nhà máy mới tại Hải Phòng, người ta đã bắt đầu nhắc đến thuật ngữ "công xưởng sản xuất smartphone” của thế giới tại Việt Nam.
Một sự kiện lớn được nhắc đến, xếp thứ 5 là việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36 nhằm thay thế Chỉ thị 58 về ứng dụng CNTT.
Nghị quyết đã đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển CNTT –TT Việt Nam tới năm 2030 với những quan điểm coi CNTT là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Haivl.com bị đóng vửa vĩnh viễn được xếp vị trí thứ 6 với đánh giá đây là trang web được cộng đồng mạng tại Việt Nam biết đến với nhiều video clip và hình ảnh chế hài hước do thành viên tự đăng tải lên và bình luận.
Công ty Cổ phần Quảng cáo Trực tuyến 24H đã mua lại Haivl.com với số tiền vào khoảng 33 tỷ đồng. Tuy nhiên do vi phạm quy định nên trang web này đã bị đóng cửa vĩnh viễn.
Hàng chục nghìn khách hàng điện thoại bị nghe lén là sự kiện được xếp thứ 7. Cụ thể, cơ quan chức năng đã phát hiện Công ty Việt Hồng cài phần mềm nghe lén hàng chục nghìn khách hàng.
Sự kiện thứ 8 là Thủ tướng phê duyệt chủ trương cho cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ CNTT. Với quyết định này sẽ tạo ra thị trường cạnh tranh, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, cung cấp các dịch vụ CNTT.
Hai sự kiện tiếp theo là Uber xuất hiện Việt Nam và Liên tục đứt cáp quang biển AAG khiến Internet đi quốc tế tại Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận