Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin Reuters, cách đây hai tuần, ngày 29-4, Cơ quan quản lý viễn thông Thổ Nhĩ Kỳ (BTK) thông báo đã chặn truy cập hoàn toàn vào trang web Wikipedia tại nước này.
Cơ quan quản lý viện dẫn luật của Thổ Nhĩ Kỳ cho phép ngăn chặn truy cập vào những trang web có thể gây nguy hại tới an ninh quốc gia trong quyết định của họ.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, việc chặn truy cập Wikipedia tại Thổ Nhĩ Kỳ bắt nguồn từ hai mục nội dung trong từ điển bách khoa trực tuyến này cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ có liên hệ với các tổ chức phiến quân Hồi giáo tại Syria.
Theo Bộ truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Wikipedia đã cố tình tiến hành"chiến dịch bôi nhọ" đất nước họ. Cơ quan này cho rằng có một số bài viết trên Wikipedia nói rằng Ankara hợp tác với các nhóm phiến quân.
Thứ sáu tuần trước (5-5) một tòa án của Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ đơn kháng cáo của Quỹ Wikimedia, cơ quan quản lý trang Wikipedia.
Tòa này cho rằng mặc dù tự do ngôn luận là một quyền cơ bản, nhưng nó cũng sẽ bị giới hạn trong những trường hợp cần phải có kiểm soát, nhất là trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang áp dụng tình trạng khẩn cấp kể từ sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái.
Phán quyết của tòa đã khiến Quỹ Wikimedia tiếp tục đệ đơn khiếu nại lên tòa án Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo đài Russia Today, trong đơn kháng cáo, Wikipedia trích dẫn các phán quyết trước đó của Tòa án nhân quyền châu Âu (ECHR) và các phán quyết của Tòa án Hiến pháp về tự do biểu đạt.
Cũng theo Wikipedia, việc chặn truy cập hoàn toàn với trang web của họ là một quyết định không phù hợp và phi pháp, bởi lẽ không thể làm như vậy khi chỉ có một vài nội dung bị cho là vi phạm.
Quỹ Wikimedia thời gian qua đã hối thúc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục lại quyền truy cập hoàn toàn với trang Wikipedia tại nước này.
Trên thực tế các nền tảng công nghệ hoạt động trên Internet như Facebook, Twitter, YouTube và WikiLeaks thời gian qua đã từng có một số xung đột đáng kể với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận