Ông Tào Đức Thắng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel |
“Bật máy lên bất cứ đâu ở Việt Nam người dung cũng sẽ có 4G của Viettel”, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết.
Trong quá trình thử nghiệm 4G thời gian qua, theo phản ánh của khách hàng, đôi khi có hiện tượng “rớt sóng”, nhỡ cuộc gọi. Nguyên nhân tại sao và khi đi vào khai thác chính thức, tình trạng này có diễn ra hay không?
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các nhà mạng phải cung cấp “4G thực sự”, không chỉ riêng về tốc độ mà còn là tính liên tục, ổn định, không nhảy mạng. Nói dễ hiểu phải giữ được mạng 4G liên tục, không bị nhảy sang 2G, 3G.
Để có được 4G thực sự như yêu cầu, phải giải quyêt các vấn đề về kết nối đảm bảo vùng phủ sóng phải “rộng, sâu liên tục với dung lượng lớn”.
Hiện nay, Viettel mới phát sóng 70% kế hoạch mục tiêu, do đó, vẫn còn có hiện tượng rớt sóng, nhỡ cuộc gọi nhưng khi chính thức khai thác 4G, với 36.000 trạm phát sóng, chúng tôi sẽ phủ 4G 100% tới các quận, huyện trên cả nước. Với vùng phủ rộng, sâu và liên tục với dung lượng lớn Viettel tin rằng, khi bật máy lên ở bất cứ đâu trên lãnh thổ Việt Nam người dùng đều có thể trải nghiệm 4G thực sự.
Nhiều người vẫn chưa tin Viettel có thể triển khai “thần tốc” 6 tháng xây dựng 36.000 trạm BTS. Tính trung bình mỗi tuần Viettel lắp mới thêm được tới khoảng 7.000 trạm, xấp xỉ bằng cả một năm triển khai 2G?
Để có thể triển khai 36.000 trạm 4G trong thời gian kỷ lục 6 tháng cần nhiều nỗ lực. Quan trọng nhất là yếu tố tầm nhìn chiến lược. Viettel đã xây dựng một hạ tầng sẵn để chuẩn bị cho không chỉ 4G mà còn cho 5G. Những năm qua, Viettel đã đầu tư xây dựng hệ thống cáp quang lớn nhất Việt Nam, phủ khắp tới cấp xã. Đây là nền tảng hạ tầng để chúng tôi triển khai 4G nhanh chóng.
Ngoài ra, Viettel đã có kinh nghiệm triển khai 4G ở nhiều thị trường nước ngoài như Campuchia, Lào, Burundi, Haiti, Peru, Đông Timo… Kết quả của ngày hôm nay dựa trên một tầm nhìn dài hạn, một sự tính toán cẩn thận, một sự quyết tâm của cả hệ thống và đội ngũ tinh nhuệ, nhiều kinh nghiệm những năm qua.
Viettel cũng công bố, sản xuất được thiết bị viễn thông 4G. Đây thực sự là một tin vui. Tuy nhiên, liệu trạm BTS 4G do Viettel tự sản xuất có đảm bảo chất lượng hay không, thưa ông?
Viettel đã tự sản xuất phần mạng lõi, mạng truyền dẫn đến mạng truy nhập và không thua kém bất cứ nhà cung cấp nước ngoài nào. Chúng tôi tự tin như vậy vì đều đã sử dụng các thiết bị của các nhà cung cấp nước ngoài để đối chứng.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã sử dụng thiết bị của mình để cung cấp 4G ở thị trường nước ngoài. Người Việt Nam thực sự rất thông minh, sáng tạo và không có gì là không thể làm được.
Khi 4G đi vào cuộc sống sẽ tạo ra sự thay đổi như thế nào cho các doanh nghiệp, xã hội và chính Viettel?
Thông thường, các mạng di động sẽ chỉ triển khai 4G cho vùng thành thị, nên họ sẽ đầu tư dần dần từ thành thị ra nông thôn. Nhưng vì sao chúng tôi lại đầu tư một mạng 4G phủ rộng và sâu ngay từ đầu?
Trên góc độ vĩ mô, việc xây dựng một hạ tầng viễn thông hiện đại có ý nghĩa cho sự phát triển của đất nước và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dựa trên nền tảng viễn thông - băng rộng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không phải là cuộc cách mạng về công nghệ, mà đó là cuộc cách mạng của những ứng dụng. 4G sẽ tạo ra vô số cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, kinh doanh.
4G phủ sóng tới 100% quận huyện, có nghĩa là công nghệ chăm sóc sức khỏe từ xa cũng phát triển. Các ca mổ, hội chẩn ở tuyến dưới có thể được hướng dẫn trực tiếp từ bệnh viện tuyến Trung ương, mở ra cơ hội sống cho hàng ngàn người dân.
4G phủ sóng tới 100% quận huyện mở ra cơ hội cho rất rất nhiều học sinh, sinh viên vùng sâu vùng xa được học hành như học sinh thành thị.
4G cũng sẽ giúp cải cách hành chính, chính quyền sẽ gần với dân hơn.
Với doanh nghiệp, 4G sẽ là nền tảng tạo ra vô số các dịch vụ mới, sản phẩm mới mà trước đây công nghệ cũ chưa cho phép triển khai. Sẽ có vô số Startup ra đời nhờ hạ tầng 4G.
Với Viettel, 4G là mảnh ghép kết nối hệ sinh thái các dịch vụ mà Viettel đang cung cấp như các ứng dụng trong y tế, giáo dục, thành phố thông minh, chính quyền điện tử…
Xin cảm ơn ông!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận