Phóng to |
“Vượt qua một bậc thềm nhỏ đối với người khuyết tật là cả nỗi gian nan. Chúng ta không ở vào hoàn cảnh đó để hiểu rằng những công trình xung quanh đầy rào cản, khiến người khuyết tật không thể hòa nhập với cộng đồng” - thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, giám đốc DRD, chia sẻ.
Dẫn lối yêu thương
Theo kết quả khảo sát “Mức sống hộ gia đình” của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và đầu tư năm 2006, tỉ lệ người khuyết tật chung của cả nước là 15,3%, trong đó vùng có tỉ lệ người khuyết tật cao nhất là Đông Nam bộ, thấp nhất là Tây Bắc. Tỉ lệ người khuyết tật ở khu vực thành thị (17,8%) cao hơn khu vực nông thôn (14,4%). |
Trên cơ sở “Quy chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo người tàn tật tiếp cận sử dụng” do Bộ Xây dựng ban hành, ban quản lý dự án “Bản đồ tiếp cận” đã cho ra đời bảy tiêu chí đánh giá một công trình tiếp cận: lối vào, cửa, hành lang, quầy tiếp tân, thang bộ, thang máy và nhà vệ sinh. Nhưng làm thế nào lọt qua các cửa kiểm duyệt để đến gần với công trình khảo sát là cả vấn đề với các tình nguyện viên của dự án.
Một tình nguyện viên nhớ lại: “Có lần mình vào một trường học để khảo sát, bác bảo vệ hỏi đi đâu, mình bảo đi đón em. Bác bảo vệ hỏi vặn lại là em mình học lớp mấy, mình quýnh quá trả lời lớp 10. Bác bảo vệ mới bảo đây là trường cấp II. Lúc đó, mình chỉ muốn chui xuống đất cho xong”. Các tình nguyện viên muốn tiếp cận với công trình khảo sát phần lớn phải “sắm vai” là người nhà của gia đình có người khuyết tật, có nhu cầu sử dụng dịch vụ. Một số nơi không hợp tác với lý do “không phục vụ người khuyết tật”, một số nơi ngạc nhiên bởi từ trước đến giờ rất hiếm khách là người khuyết tật. Những câu trả lời ấy khiến Mãnh Kỳ không khỏi nghĩ đến một dự án để tăng cái cầu từ phía người khuyết tật, tăng cái cung từ phía các nhà cung cấp dịch vụ.
Đánh động cộng đồng
Mãnh Kỳ nhấn mạnh vai trò lớn nhất của “Bản đồ tiếp cận” là góp phần nâng cao nhận thức về người khuyết tật từ phía cộng đồng. “Trước giờ, khi nghĩ đến việc hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, chúng ta thường nghĩ đến những gì có tầm nhưng lại quên rằng các công trình xung quanh là cản trở đầu tiên để người khuyết tật bước ra xã hội” - Mãnh Kỳ nói.
Vì vậy, vào những buổi sáng chủ nhật gần đây, nhiều người ở các công viên ngạc nhiên trước một nhóm tình nguyện viên của dự án “Bản đồ tiếp cận” thực hiện hoạt động “Khoảnh khắc kỳ diệu”: người không khuyết tật trải nghiệm ngồi xe lăn. Trên những chiếc xe lăn được trang trí đẹp mắt, thân thiện với chong chóng, bóng bay... các tình nguyện viên của chương trình mời bạn trẻ có trải nghiệm mới mẻ trên chiếc xe lăn, để thử một lần đặt mình vào hoàn cảnh những người khuyết tật mà đồng cảm với những gì họ đang đối mặt.
Bạn Trần Thu Thắm, SV Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, tâm sự: “Lần đầu trong đời mình hiểu được cảm giác bức bối, gò bó và đầy lo lắng của các anh chị khuyết tật khi không có người hỗ trợ. Dù chỉ thử vài phút thôi nhưng mình thấy ngại khi không thể tự đẩy xe lên bậc dốc, huống chi là các anh chị khuyết tật”.
Với thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, “Bản đồ tiếp cận” ra đời như cách đánh động cộng đồng cùng đồng cảm với cuộc sống của người khuyết tật vốn còn nhiều khó khăn. Đó mới là ý nghĩa lớn lao của dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận