Người thân của các tân GS và PGS ghi lại những hình ảnh tại lễ trao giấy chứng nhận - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Theo quyết định 37 của Thủ tướng, ứng viên PGS phải có 3 bài báo khoa học, ứng viên GS phải có 5 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus. Khi đó, rất nhiều ứng viên không đáp ứng được tiêu chí cứng này và hồ sơ của họ bị loại.
Cần nâng chuẩn để hội nhập
ISI là cơ sở dữ liệu của Viện Thông tin khoa học (Institute for Scientific Information, Hoa Kỳ), với hơn 10.000 tạp chí được lựa chọn khách quan dựa trên ý kiến của các chuyên gia để phân loại theo lĩnh vực, trong đó khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) có khoảng 3.300 tạp chí. Còn Scopus là cơ sở dữ liệu của khoảng 20.000 tạp chí chuyên ngành thuộc sở hữu của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan).
Việc nâng chuẩn PGS, GS theo tôi là đúng vì chuẩn mực đó thể hiện năng lực chuyên môn, khả năng hội nhập, hợp tác và uy tín của các ứng viên. Một PGS, GS không thể chỉ bó hẹp hoạt động chuyên môn của mình ở trong nước, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh Việt Nam, việc nâng chuẩn PGS, GS được chuyển từ thái cực này sang thái cực khác khiến xã hội có nhiều ý kiến trái chiều, mà phần lớn không đồng tình, cho rằng yêu cầu đó là không phù hợp, quá cao và có phần bất khả thi.
Thực tế là năm 2017, trước khi quyết định số 37/2018/QĐ-TTg được ban hành, một con số "kỷ lục" các ứng viên đã được công nhận đạt chuẩn PGS, GS. Hậu quả là năm 2018, đối mặt với các luồng ý kiến khác nhau, việc xét công nhận chức danh GS, PGS buộc phải tạm dừng, không được thực hiện.
Số ứng viên giảm dần
Quy định mới khiến nhiều ứng viên không thể đáp ứng được các tiêu chí. Kể từ năm 2018 đến nay, số lượng hồ sơ của ứng viên đăng ký tham gia xét chuẩn chức danh GS và PGS (trong lĩnh vực KHXH&NV) cứ giảm dần.
Nếu trước đây mỗi năm, kể cả các ứng viên bên ngoài đăng ký, tổng số hồ sơ đăng ký tại hội đồng chức danh GS cơ sở của Trường ĐH KHXH&NV thường dao động từ 15-20 hồ sơ, nhưng từ năm 2018 trở lại đây số hồ sơ đăng ký chỉ là 4-5, thậm chí trong năm 2020 hội đồng chức danh GS cơ sở của Trường ĐH KHXH&NV sau khi sơ loại chỉ còn 2 hồ sơ đạt chuẩn (1 của ngành văn học và 1 của ngành nhân học).
Ứng viên ngành nhân học thuộc Hội đồng liên ngành lịch sử - khảo cổ học - dân tộc học/nhân học của Trường ĐH KHXH&NV cũng là ứng viên duy nhất của cả nước nộp đơn xét chức danh PGS trong năm 2020.
Tôi nghĩ rằng số lượng hồ sơ các ngành KHXH&NV không nhiều là một thực tế khách quan mà chúng ta phải chấp nhận, xem đó như một "thời kỳ quá độ" của KHXH&NV. Nhưng tôi cũng hi vọng trong thời gian tới sẽ có một thế hệ các nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
Trường ĐH được phong GS, PGS?
Đây là chủ đề gây tranh cãi trong nhiều năm qua. Đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
* Dù kỹ lưỡng, hằng năm vẫn có một số trường hợp ứng viên "chạy chọt" nhiều nơi để đủ tiêu chuẩn xét GS, PGS. Cần coi trọng hơn việc ứng viên GS thật sự phải đang làm việc trong trường ĐH mới có nhiều ý nghĩa về học thuật, nghiên cứu.
Theo tôi, chúng ta có thể tính đến việc cho các trường ĐH xét GS, PGS như ở Mỹ hay Nhật. Nếu đủ tiêu chuẩn và phù hợp nhu cầu của trường, ứng viên sẽ được phong là GS. Các ĐH này thường làm rất kỹ, một bộ môn thường chỉ có một GS và nhiều PGS. Theo cách này, các trường nhỏ sẽ có cơ hội có GS để lãnh đạo các ngành học.
GS.TS Võ Tòng Xuân (hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ)
* Cần thừa nhận rằng nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý, học thuật, nghiên cứu trong giáo dục ĐH vẫn chưa thống nhất và theo thế giới.
Do đó, nếu nhanh chóng để các trường xét GS, PGS rất dễ gây hiện tượng "trăm hoa đua nở" mà không thể đảm bảo chất lượng. Trong tình hình thực tế của giáo dục Việt Nam hiện tại, Hội đồng chức danh GS nhà nước vẫn có vai trò quan trọng giữ chất lượng của những người được phong GS, PGS.
Việc cho các trường xét GS, PGS cần thêm thời gian, ít nhất cho tới khi nhiều quy chuẩn về giáo dục ĐH được thống nhất.
TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT)
* Năng lực đội ngũ GS theo từng ngành của các trường ĐH chưa đủ để tự xét phong GS, PGS. Đơn cử ĐH Quốc gia Hà Nội có 73 GS, chia cho hơn 100 ngành, tính trung bình mỗi ngành chưa có được 1 GS thì làm sao đủ điều kiện từng ngành tự xét GS được.
Tôi nghĩ với điều kiện của Việt Nam hiện nay, Hội đồng chức danh GS nhà nước và hội đồng ngành là vẫn cần thiết. Một số quốc gia như Nga, Pháp... họ vẫn giữ hội đồng quốc gia.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (trưởng ban đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia Hà Nội)
NGỌC DIỆP - TRỌNG NHÂN ghi
Trả tiền để được đăng bài
Những năm gần đây, nắm bắt được "cơn khát" có bài báo công bố quốc tế của các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, một số tập đoàn/nhà xuất bản nước ngoài đã quảng cáo nhiều tạp chí "dỏm", phần lớn xuất bản online và chào mời rất nhiệt tình các nhà khoa học với điều kiện chỉ cần trả tiền để được đăng bài.
Nhiều người vì không có thông tin, vì bệnh thành tích, vì muốn "ăn xổi" và vì áp lực phải công bố (ví dụ như để hoàn thành nhiệm vụ, để nghiệm thu đề tài, để bảo vệ luận án) đã vội vàng không phân biệt thế nào là một tạp chí khoa học uy tín (thuộc danh mục ISI, Scopus) nên đã gửi bài đăng ở những tạp chí thiếu uy tín, kém chất lượng.
Hậu quả là "tiền mất tật mang", mất tiền mà các bài báo đó không được các hội đồng chức danh GS công nhận. Tai hại hơn, những công bố đó không hề có đóng góp cho nền học thuật trong nước và quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận