Phóng to |
Tổ ấm trong căn nhà bé nhỏ của vợ chồng Nguyễn Bá Kỳ - Ảnh: V.Toàn |
Kỳ sinh ra bình thường nhưng năm 2 tuổi hễ bước đi là thấy đau. Sau khi cha mẹ đưa đi chữa bệnh nhiều nơi, Kỳ hết đau nhưng năm lên 10 tuổi, đang học lớp 5 thì bệnh cũ tái phát khiến Kỳ không nhấc nổi đôi chân.
Những năm tháng bất động
Đau nhưng Kỳ vẫn gắng học hết hoc kỳ I của lớp 6 thì phải xin nhập viện. Từ Bệnh viện Đa khoa Nghệ An sang Bệnh viện Lao Nghệ An rồi ra Bệnh viện Lao phổi T.Ư, Kỳ vẫn thất vọng vì mỗi bệnh viện chẩn đoán khác nhau: viêm đa khớp, rạn dây chằng, ung thư máu, ung thư xương hoặc bệnh lao. Trong lúc đó một chân của Kỳ bị co rút, xương chậu và hai chân đều đau. Cuối cùng Kỳ phải bó bột để duỗi chân cho thẳng trong tình trạng toàn cơ thể không cử động được. Lúc Kỳ đang chờ tháo bột thì nghe tin bố mất. Từ đó “tôi về nhà nằm bất động vì mẹ không còn tiền chạy chữa, tinh thần bị suy sụp hẳn”, Kỳ nhớ lại.
Năm 2009 Kỳ 19 tuổi. Nằm trên giường, biết mẹ sáng nắng chiều mưa lặn lội trên đồng, đêm về tranh thủ làm giấy dó kiếm ăn qua ngày, Kỳ thấy mình bất lực trong cảnh tàn phế nên nhiều lần nghĩ đến cái chết. Nhưng một lần xem tivi biết đến cuộc đời và nghị lực của hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, Kỳ reo lên: “Anh Hùng ở xã Nghi Diên cùng huyện với mình. Mức độ tàn tật của anh còn thê thảm gấp bội mình, người chỉ nặng 12 ký nhưng anh lại trở thành hiệp sĩ công nghệ thông tin, kết nối với hàng ngàn bạn trẻ khuyết tật trên thế giới. Từ đó, tôi mơ có được chiếc máy vi tính”... Ước mơ của Kỳ nhanh chóng lan tỏa trên nhiều tờ báo. Một chiều, Kỳ mừng rỡ khi thấy bà Đinh Thị Liễu (vợ ông Phan Đình Trạc, khi đó ông Trạc đang là chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nay là ủy viên Trung ương Đảng - phó Ban Nội chính T.Ư kiêm bí thư Tỉnh ủy Nghệ An) mang bộ máy vi tính đến tặng và động viên Kỳ thực hiện ý nguyện.
Sức mạnh của tình yêu
Có máy vi tính nhưng Kỳ cũng mới chỉ biết tắt, mở máy. Ước mơ nối mạng với cộng đồng khuyết tật đã giúp Kỳ tìm tòi học hỏi. Năm 2010, khi đã thành thạo Internet, Kỳ kết nối với nhiều cảnh đời khuyết tật và khó khăn như mình. Đây là lý do Kỳ lập trang web Caunoinguoikhuyettat. Chỉ hai hôm sau có nhiều người khuyết tật gọi điện đến chia sẻ với Kỳ. Kỳ nhớ lại: “May mắn thay, trong số bạn trẻ đó có một người con gái đã mang hạnh phúc đến cho tôi”.
Kỳ nói đến đó thì người vợ Phan Thị Nga đang bế đứa con đầu lòng ngồi cạnh đưa mắt nhìn chồng tiếp lời: “Tôi cùng tuổi với anh Kỳ. Hồi gặp anh Kỳ trên mạng tôi vừa tốt nghiệp kế toán. Cùng hoàn cảnh giống anh Kỳ nên tôi năng gọi điện thoại chia sẻ. Không ngờ những cuộc điện thoại, những lần nhắn tin, số phận đã đưa chúng tôi đến với nhau sau hơn một năm trời”.
Đứa bé ngồi ngoan trong cánh tay trái teo tóp của Nga như đang nghe lời mẹ kể: “Quê tôi ở làng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tôi bị ngã năm 2 tuổi. Tay bị gãy không phát triển bình thường được. Ngày biết tôi yêu và có ý định xây dựng với anh Kỳ cả nhà phản đối gay gắt. Nhưng tình yêu có sức mạnh diệu kỳ của riêng nó. Hôm cưới, anh Kỳ không đi rước dâu được nhưng bên ngoại có hàng chục người đưa dâu”.
Lúc này Kỳ ngước nhìn vợ không giấu được niềm vui: “Ngày vợ sinh bé Nguyễn Bảo Yến, nhiều người thân bên ngoại sang thăm. Người thì vui, người thì khóc. Riêng bố vợ nói: Nhìn cháu ngoại bố sướng quá. Trước bố không gả giờ bố gả cho con”.
Vừa kể chuyện, bàn tay trái chỉ còn ba ngón của Kỳ vừa điều khiển máy tính. Kỳ cho biết: “Tháng 5-2012 tôi được một công ty thiết kế web nhận vào làm việc. Hiện tôi lập thêm trang web để cung cấp những tin tức thời sự, giải trí tổng hợp của tỉnh nhà. Cuộc sống đang nhiều khó khăn nhưng mỗi lần nhìn thấy con tôi không nén được hạnh phúc”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận