21/04/2016 09:02 GMT+7

"Nhìn chiếc bánh chưng khổng lồ tôi thấy nó bi hài lắm"

CÁT KHUÊ ghi
CÁT KHUÊ ghi

TTO - Tiếp tục có nhiều ý kiến xung quanh câu chuyện chiếc bánh chưng khổng lồ nặng 2,5 tấn được dâng cúng trong ngày giỗ Tổ vừa qua, nhiều phân tích cho thấy đã có sự ngộ nhận về giá trị khi thực hiện những chiếc bánh to.

Bánh chưng khủng được nhân viên công viên văn hóa Đầm Sen phân nhỏ và chia cho người dân - Ảnh: H.Lam
Bánh chưng khủng được nhân viên công viên văn hóa Đầm Sen phân nhỏ và chia cho người dân - Ảnh: H.Lam

 

* Biên tập viên Nguyễn Mỹ Linh (VTV):

Lầm tưởng về giá trị

Quả thật không hiểu cái mơ ước được có bánh chưng to, tô hủ tiếu khổng lồ, bánh trung thu mấy trăm cân rộ lên thế này là vì điều gì? Nó không minh chứng cho sự sáng tạo, tài năng hay tiềm lực kinh tế. 

Trong ẩm thực truyền thống Việt Nam, những món ăn dâng vua đều là món thanh tao, tinh tế.

Nhìn chiếc bánh chưng khổng lồ tôi thấy nó bi hài lắm. Nhất là khi nhìn nó được bóc ra, đúng là cười ra nước mắt. Cái sự khổng lồ này nó chứng minh cho trí tưởng tượng, năng lực sáng tạo bé tí, và phần yếu đuối trong chính điều mà bấy lâu nay chúng ta vẫn nói: bản sắc dân tộc. Sao chúng ta không thể nghĩ ra điều gì tinh tế hơn, sáng tạo hơn và nhân văn hơn?

Dân tộc Việt chưa bao giờ là dân tộc sở hữu những công trình khổng lồ. Thế giới có dành điều kính trọng nào cho Việt Nam thì chắc chắn lại càng không phải vì chúng ta to khỏe về hình thức. Vậy điều gì khiến ngày hôm nay chúng ta lầm tưởng về dân tộc mình và cho vào những chiếc bánh khổng lồ đó cái suy nghĩ rằng to lớn là một giá trị?

Đừng để sự thiếu khả năng sáng tạo cũng như tính háo danh giết chết phần tốt đẹp của dân tộc. Thế hệ sau hoặc sẽ nhìn chúng ta như thế nào khi để lại trên lưng họ những món nợ tinh thần lẫn vật chất, hoặc sẽ tiếp tục sa lầy trong những ngộ nhận về sự vĩ đại bằng hình thức, sự lười biếng sáng tạo bằng lấp liếm màu mè và quy mô...

* Đạo diễn Việt Tú (Viet Theatre):

Ít để ý đến sự “to xấu”

Lâu nay chúng ta vẫn thường hay nói về hai chữ “kỷ lục” hoặc “hoành tráng” nhưng đôi khi ẩn sau những kỷ lục và hoành tráng đó lại không thể hiện được thứ vốn vô cùng quan trọng đối với bất kỳ hoạt động nào, đó chính là văn hóa nền tảng và ý nghĩa của hoạt động đó với xã hội.

Đành rằng nhiều người sẽ quan niệm có tiền thích làm gì thì làm, miễn là không làm xấu, làm hại ai, không gây ảnh hưởng hay phiền hà cho xã hội... nhưng nếu có tiền và dùng đồng tiền đó có ích thì vẫn tốt hơn là làm việc vô nghĩa và vô ích.

Chúng ta thường nói “to đẹp” vì chính chúng ta đã quan niệm như thế mà ít để ý đến sự “to xấu”.

Trong lĩnh vực ẩm thực vốn đề cao cái tinh tế đến từng chi tiết, sắc màu, mùi vị, bài trí, thì thông qua hình ảnh những thứ khổng lồ không giống ai như bánh chưng khổng lồ, bánh tét khổng lồ, cơm tấm khổng lồ... để tìm kiếm kỷ lục là chính chúng ta đang tạo ra những giá trị không giống ai, không bình thường, có gì đó còn là sự phản cảm!

Việt Nam có một nền văn hóa ẩm thực tuyệt vời, được biết đến trên thế giới, có thể tự hào mà không cần một con số thống kê kiểu khổng lồ, vĩ đại, hoành tráng nào.

Thiết tưởng, những người hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực phải thấm thía hơn ai hết sự tinh tế ấy thay vì đuổi theo những hào nhoáng như thứ trào lưu thời thượng mang tên kỷ lục đang tràn lan khắp nơi...

* Chuyên gia PR & marketing Nguyễn Đình Thành:

Thiếu nhạy cảm thì dư luận có quyền chỉ trích

Chiến lược cạnh tranh là làm tốt hơn hoặc khác biệt với đối thủ. Nhiều công ty chọn sự khác biệt. Người ta có thể khác biệt về kích cỡ sản phẩm hoặc sự kiện đặc biệt nào đó để thu hút sự chú ý của công chúng và người tiêu dùng.

Nguyên tắc của truyền thông là “No news is a bad news”: không ai nhắc tới bạn nữa là tin xấu. Nên chuyện làm này là bình thường, nằm trong ngân sách quảng cáo.

Tuy nhiên, nên có khác biệt nhưng phải có chọn lọc, không bước vào vùng nhạy cảm. Vùng nhạy cảm ở nhiều nơi là chính trị, tình dục, tôn giáo, tranh cãi về đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục. Việt Nam là nước kinh tế chưa phát triển, nhiều nơi còn không đủ ăn.

Làm những việc liên quan tới đồ ăn và bỏ đi là sự thiếu nhạy cảm, chưa làm chủ được kỹ thuật thì là thiếu chuẩn bị, chọn chủ đề nhạy cảm khi chưa làm chủ được kỹ thuật thì đây là quyết định chưa thực sự hợp lý của chủ doanh nghiệp...

Người ta không lấy tiền ngân sách hay tiền cứu đói ra làm như thế thì về lý không cấm được, không có gì lên án, còn lại thiếu nhạy cảm thì dư luận có quyền chỉ trích.

Nếu phản cảm, du khách đã không xếp hàng dài nhận bánh

Xung quanh chiếc bánh chưng khổng lồ 2,5 tấn dâng cúng trong ngày giỗ Tổ vừa qua, chiều 20-4, ông Vũ Ngọc Sơn - tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên du lịch Phú Thọ, đang quản lý đơn vị trực thuộc là công viên văn hóa Đầm Sen - cho biết:

- Thời gian qua ở địa phương có nhiều ý kiến cho rằng công viên văn hóa Đầm Sen có công sức của bao nhiêu thế hệ xây dựng nên thương hiệu của Đầm Sen mà bây giờ không có sự kiện gì để người dân biết đến, vì vậy chúng tôi đã tiến hành tổ chức sự kiện này. Chúng tôi tổ chức rất tiết kiệm và tận dụng công sức cán bộ công nhân viên, ngay cả lư hương chúng tôi cũng mượn của chùa Giác Viên để dâng cúng.

Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện chiếc bánh to như vậy. Những năm trước chúng tôi vẫn làm nhiều bánh nhỏ dâng cúng rồi chia lại cho bà con. Năm nay chúng tôi nghĩ phải làm cái gì đó từ tấm lòng cán bộ công nhân viên công viên văn hóa Đầm Sen để bà con tỏ lòng thành và có thêm hương hoa, lộc mang về, chứ làm bánh chưng nhỏ mà cắt ra thì không có gì đặc biệt và du khách cũng có thể mua và ăn ở ngoài.

Bánh chưng lớn quá không thể thành khuôn mẫu như bình thường: có nhân, thịt, nếp, cắt ra vuông vức được... nên phải chấp nhận nhìn không ra cái bánh mà chỉ là một phần của cái bánh khổng lồ. Nếu du khách thấy gớm, không trang trọng, người ta đã bỏ đi chứ không xếp hàng ngay ngắn trong suốt thời gian từ 9g-12g để chờ đến lượt mình nhận, thùng rác đã đầy bánh vứt đi. Cũng phải thừa nhận ngon thì không thể ngon bằng cái bánh nhỏ nhưng gần cả chục ngàn người ăn bánh mà không có ai bị ngộ độc thực phẩm là một nỗ lực của chúng tôi.

Không phải cái gì cũng làm khổng lồ được hết mà có thể làm lớn hơn bình thường. Chẳng hạn bình thường bánh trung thu có thể đến 1kg thì chúng tôi có thể làm 2-3kg để dâng lên cúng và du khách nhìn từ xa có thể thấy bánh trung thu. Qua thông tin của dư luận nếu không hợp tình hợp lý, chúng tôi sẽ tính toán lại, làm hình thức khác.

LÊ NAM ghi

Tôi thấy bánh chưng có vị chua

Ngày nhân viên công viên văn hóa Đầm Sen cắt bánh chưng kỷ lục phát cho mọi người, tôi cũng có mặt và nhận được phần bánh. Giống như nhiều người khác, tôi cũng xếp hàng chờ để được phát bánh. Trong lúc chờ, tôi thấy nhân viên xắn bánh khủng ra mâm, rồi các nhân viên khác lấy bỏ từng phần vào hộp xốp (loại đựng bánh bao) phân phát lại cho mọi người. Xếp hàng chừng 30 phút, tôi được nhân viên phát hộp bánh và mở ra dùng liền thì thấy bánh có vị chua chua nên không dùng nữa. Tưởng mình bị lạt miệng nhưng khoảng hai giờ sau tôi về nhà, người nhà lấy bánh nếm thử thì bảo bánh bị nhão, chảy nhớt và vị chua nên đem bỏ thùng rác. Tôi có nghe nói bánh chưng này quá to nên phải nấu trong vài chục giờ, rồi sau đó cúng giỗ một thời gian, trong điều kiện thời tiết nắng nóng bánh bị ngậm nước nên có thể nhanh hư hỏng.

Một hội viên hội dưỡng sinh Q.10, TP.HCM

Q.KHẢI ghi

*Dở khóc dở cười với kỷ lục món ăn to tại Việt Nam

CÁT KHUÊ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên