Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Ảnh: Việt Dũng |
Tuy nhiên, theo bộ trưởng, nhiều vấn đề trong số này chưa tìm được giải pháp căn cơ, tận gốc.
Trả lời đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) và nhiều đại biểu khác về việc giá thuốc cao và dường như không quản lý được, khi cùng địa bàn, cùng hàm lượng, cùng hoạt chất nhưng giá thuốc chênh lệch nhau nhiều, bà Tiến dẫn ra hàng loạt văn bản đã ban hành từ đầu năm đến nay như thông tư liên tịch Bộ Y tế - Bộ Tài chính về quản lý giá thuốc, thông tư hướng dẫn đầu thuốc, hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu… và cho rằng nhờ những văn bản này, việc nâng giá thuốc kiếm lời cao là khó.
Tuy nhiên, giải pháp trị tận gốc căn bệnh nâng giá thuốc do có quá nhiều tầng nấc trung gian tham gia mua bán thuốc, Bộ trưởng Tiến cho biết việc này đang còn tiếp tục phải chờ Bộ Y tế xây dựng xong quy chế thí điểm giá bán thuốc toàn chặng.
Về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh chưa đổi mới nhiều trong khi giá dịch vụ đã cao, triển khai thực hiện mức giá mới còn trục trặc, Bộ trưởng Tiến cho biết ba nhiệm kỳ bộ trưởng gần đây đã trình đề nghị điều chỉnh giá dịch vụ y tế 8 lần và lần này mới được chấp thuận. Trong khi ngân sách rất hạn hẹp, một giường bệnh được cấp 40-50 triệu đồng/năm, nhưng chi thì mất 60 triệu đồng, giám đốc bệnh viện nhiều khi kêu “đã tự ăn thịt mình”.
Tuy nhiên về việc chất lượng dịch vụ còn chưa thay đổi, bà Tiến cho biết giá mới thay đổi, bệnh viện bắt đầu trang bị cho cơ sở vật chất, chất lượng không thể cải thiện trong ngày một ngày hai.
Dịch vụ khám chữa bệnh tư nhân khó quản lý giá, ngành y tế cấp phép xong là… bỏ đấy, thỉnh thoảng mới kiểm tra và chất lượng thuốc y học cổ truyền đáng báo động cũng là vấn đề được đại biểu quan tâm. Tuy nhiên theo Bộ trưởng Tiến, vấn đề quản lý thuốc cổ truyền còn là vấn đề ngành y tế khó quản, do lực lượng mỏng, có tỉnh chỉ 5-6 thanh tra mà làm đủ thứ việc.
Nhân sự cũng là lý do khiến bộ trưởng cho rằng khó xác minh được chất lượng phiên dịch cho thầy thuốc nước ngoài (bên cạnh vấn đề bằng cấp của thầy thuốc nước ngoài khó “phiên” ra bằng cấp VN do thầy thuốc Trung Quốc chỉ học và thực hành tổng cộng 5 năm là được nhận bằng bác sĩ, trong khi VN phải học 6 năm).
Trong phiên chất vấn 13-11, nhiều đại biểu chú ý vấn đề y đức. Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng bộ trưởng trả lời chưa trúng khi cho rằng vấn đề y đức xuống cấp là do khách quan, mà không đánh giá vai trò của ngành, của nghề nghiệp…
Tất cả những câu hỏi này, Bộ trưởng Tiến sẽ trả lời trong thời gian đầu giờ sáng mai 14-11.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận