Cổng tuyển sinh của Bộ GD-ĐT không có dữ liệu đề án tuyển sinh các trường như năm 2019 - Ảnh chụp màn hình
Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản về công tác tuyển sinh để các trường thống nhất thực hiện nhưng vẫn phải đảm bảo quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Trong thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, nếu phát hiện trường nào không tuân thủ các quy định làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, bộ sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý theo quy định hiện hành.
Ông Phạm Như Nghệ (phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT)
Theo quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh các trường phải cung cấp đầy đủ các thông tin về tuyển sinh trình độ ĐH, trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non và các điều kiện đảm bảo chất lượng. Tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh các hình thức đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển.
Thiếu nhiều thông tin quan trọng
Quy chế là vậy nhưng thực tế nhiều trường không thực hiện đúng quy định này. Những nội dung quan trọng của đề án như các điều kiện đảm bảo chất lượng, học phí chưa được công khai chi tiết. Đến ngày 1-6, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch mới công bố đề án tuyển sinh. Trong đề án này, trường lưu ý "nội dung đề án có thể thay đổi một số chi tiết theo sự phê duyệt của UBND TP.HCM. Nếu có thay đổi, trường sẽ sớm công bố trên trang thông tin điện tử của trường".
Đến ngày 15-7, tức sau gần nửa tháng thí sinh kết thúc đăng ký dự thi, trang web của trường chưa cập nhật thông tin khác. Trong trường hợp đề án có sự thay đổi khi thí sinh đã hoàn tất việc đăng ký dự thi sẽ rất phiền phức cho thí sinh. Trong đề án, mục danh sách giảng viên cơ hữu chỉ có số liệu chung bao nhiêu giảng viên, không có danh sách cụ thể theo quy định.
Với các trường tự chủ, học phí là điều thí sinh rất quan tâm nên việc không công bố đề án chi tiết, bao gồm học phí để thí sinh cân nhắc có thể gây khó khăn cho thí sinh sau này. Được biết, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là trường tự chủ tài chính, mức học phí hiện nay cao nhất của trường là 13 triệu đồng/năm. Trường đang đề xuất mức thu ngành cao nhất lên 32 triệu đồng/năm. PGS.TS Ngô Minh Xuân - hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết trường đang đề xuất mức học phí mới nhưng chưa được UBND TP.HCM phê duyệt nên chưa đưa vào đề án tuyển sinh.
Tương tự, trang tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng không có đề án tuyển sinh chi tiết ngoài thông tin về ngành nghề, các phương thức tuyển sinh, các chương trình đào tạo. Ngoại trừ Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Khoa Y, các trường thành viên khác của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng không công khai đề án tuyển sinh chi tiết. Ở trang web của ĐH này, mục tuyển sinh cũng chỉ có thông tin xét tuyển của các trường.
"Thông tin cá nhân"
Theo giải thích của nhiều trường, đề án tuyển sinh đầy đủ đã được trường gửi cho Bộ GD-ĐT và cập nhật vào cổng tuyển sinh của bộ nên trường chỉ công khai đề án rút gọn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cổng tuyển sinh của bộ hoàn toàn không có đề án tuyển sinh của trường nào. Một số trường chỉ có thông tin địa chỉ đào tạo và số điện thoại người phụ trách tuyển sinh của trường. Những năm trước cổng này đăng đầy đủ đề án của các trường. Nhờ điều này mà năm 2019, hàng loạt trường kê khai trùng giảng viên đã được báo chí phát hiện và phản ánh, bộ đã yêu cầu nhiều trường rút đề án để chỉnh sửa.
TS Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho biết đề án tuyển sinh chi tiết của trường dài đến 500 trang và đã được gửi cho Bộ GD-ĐT. Năm trước bộ đăng đề án các trường lên cổng tuyển sinh nên trường chỉ đăng bản thu gọn trên trang web trường. Năm nay nếu bộ không đưa lên cổng tuyển sinh của bộ, trường sẽ đăng bản đầy đủ lên web.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - xác nhận các thông tin tuyển sinh của trường được công bố nhưng danh sách giảng viên cơ hữu không được công khai. "Toàn bộ đề án, trong đó có danh sách giảng viên cơ hữu được gửi cho Bộ GD-ĐT. Danh sách này có nhiều thông tin cá nhân nên tôi cho rằng nó có tính riêng tư nên không công khai" - ông Thắng cho biết.
Theo ông Phạm Như Nghệ - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, điểm b khoản 1 điều 34 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH năm 2018 quy định: Cơ sở giáo dục ĐH tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh; công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, tỉ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp; bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đã công bố.
Khoản 3 điều 29 của quy chế tuyển sinh ghi rõ hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định nếu vi phạm một trong các lỗi: không kịp thời báo cáo, công khai đề án tuyển sinh theo quy định; tổ chức tuyển sinh không đúng với các quy định trong đề án tuyển sinh đã công bố; thực hiện quy trình tuyển sinh không đúng trình tự theo quy định của quy chế tuyển sinh và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Nhiều trường thiếu thông tin
Hàng loạt trường ĐH khác cũng chỉ công bố thông tin tuyển sinh, không có các thông tin quan trọng khác của đề án như Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Nông lâm TP.HCM, Y Hà Nội, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Học viện Nông nghiệp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM...
Một trong những nội dung quan trọng của đề án là danh sách giảng viên cơ hữu không được nhiều trường kê khai chi tiết như Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, Trường ĐH Ngoại thương, Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận