Phóng to |
Trung tâm ngoại ngữ Anh - Việt - Úc (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vừa bị Sở GD-ĐT TP.HCM ra quyết định xử phạt vi phạm quy định về sử dụng người lao động - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Giáo viên, nhân viên, học viên lãnh đủ: bị mất việc, nợ lương, “xù” học phí mà không biết kêu ai.
Bỏ của chạy lấy người
Ngày 5-8, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở ngoại ngữ Anh - Việt - Úc (Bình Quới, P.27, Q.Bình Thạnh, thuộc Công ty cổ phần Thuận Lực) vì sử dụng giáo viên không đạt chuẩn theo quy định để đứng lớp giảng dạy.
Đáng nói là cuối năm 2012, trung tâm này từng bị thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM xử phạt vi phạm sử dụng lao động nước ngoài không phép và không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tuy nhiên số tiền phạt 20.100.000 đồng chưa đủ mức răn đe, khiến trung tâm tiếp tục chây ì với những vi phạm nói trên.
Một giáo viên từng làm công tác điều hành tại trung tâm này bức xúc: “Trung tâm nợ lương giáo viên nhiều tháng, học phí thu chi tùy tiện, mời hai giảng viên nước ngoài nhưng không ký hợp đồng lao động. Đặc biệt có giáo viên chuyên môn chưa vững, dạy sai kiến thức cho học sinh. Khi tôi đề nghị ngưng cộng tác với giáo viên dạy yếu kém, chủ đầu tư không chấp nhận nên tôi đã nghỉ việc từ tháng 3-2013”.
D., một học viên trung tâm, cho biết: “Mới đầu lớp được 14 người nhưng giờ chỉ còn bảy người tính luôn cô. Học viên của cả trung tâm cũng rất ít. Giáo viên đổi liên tục và thường nghỉ đột xuất. Tôi đã học hết khóa nhưng muốn lên khóa mới phải chờ vì chưa có giáo viên”.
Trước đó tháng 6-2013, chị Trần Thị Bích Vân, học viên khóa trung cấp 1 của Trung tâm tiếng Anh kỹ năng iEnglish (lầu 7 tòa nhà Nguyễn Kim, Võ Văn Ngân, Thủ Đức), tá hỏa khi đến học thấy trung tâm đã đóng cửa, dọn đi từ bao giờ. Gọi vào số điện thoại mà trung tâm cung cấp thì không ai bắt máy.
Chị bức xúc: “Đăng ký học hết 6 triệu đồng nhưng chỉ mới học được mấy bữa thì nghe tin trung tâm chuyển giám đốc mới, thiếu giáo viên. Hai tháng mà lớp tôi đổi tới tám giáo viên, máy lạnh lúc có lúc không, vào học trễ nhưng tan học sớm so với giờ quy định, nghỉ đột xuất không một lời thông báo”.
Sau khi nhận được phản ảnh của học viên, Sở GD-ĐT TP.HCM đã khá vất vả trong việc liên lạc với ban quản trị trung tâm, bởi các số điện thoại đều tắt máy, trung tâm lại không có hồ sơ đăng ký hoạt động tại Sở GD-ĐT TP.HCM. Phòng giáo dục quận Thủ Đức phải đứng ra tiếp nhận phản ảnh, ghi thông tin của học viên và nhờ các trung tâm Anh ngữ trên địa bàn hỗ trợ học viên hoàn thành khóa học.
Có thể liên hệ sở khi có nghi ngờ Khi chọn trung tâm ngoại ngữ, phụ huynh và học sinh nên tham quan trước cơ sở vật chất. Trung tâm nào quảng cáo quá lố như giảm học phí quá nhiều thì cần phải xem xét lại bởi mức học phí như vậy thì khó đảm bảo chất lượng. Việc ưu đãi quá cao như vậy là không có cơ sở và người học có quyền nghi ngờ về chất lượng. Trong trường hợp có nghi ngờ hoặc gặp các vấn đề trục trặc trong quá trình học, người học có thể liên hệ với phòng giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT TP.HCM để được tư vấn và hỗ trợ. Ông PHẠM ANH BA(trưởng phòng giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT TP.HCM) |
Ba trung tâm ngoại ngữ EL (Công ty cổ phần giáo dục quốc tế Hoàn Hảo) chấm dứt hoạt động ngày 15-5-2013 khi đã thu gần 1 tỉ đồng học phí của học viên và nợ lương giáo viên, nhân viên nhiều tháng ròng. Đáng nói là trung tâm đơn phương chấm dứt hoạt động nhưng mức bồi thường mà trung tâm đề nghị trả cho học viên chỉ 60% học phí.
Trước đó đầu tháng 2-2013, Trung tâm Nhật ngữ Top Globis (quận 7) thông báo chấm dứt hoạt động. Học viên đang học giữa chừng được trả lại phần học phí thời gian chưa học, trong khi nhân viên được chuyển sang làm ở bộ phận... giao nhận của công ty. Bà Nguyễn Thị Ái - kế toán trưởng kiêm trưởng phòng nhân sự - cho biết trung tâm Nhật ngữ hoạt động cả chục năm rồi nhưng năm nào cũng lỗ nên công ty quyết định phá sản trung tâm này.
Giáo viên Lê Thị Thu cho biết trung tâm vẫn còn nợ cô hai tháng lương. Nhiều giáo viên khác cũng nằm trong tình cảnh tương tự với số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Giáo viên và học viên lãnh đủ
Khi các trung tâm âm thầm đóng cửa, mọi thiệt hại đổ lên đầu giáo viên và học viên khi đùng một cái nghe tin bị mất việc, nợ lương, “xù” học phí. Khi phát hiện, các cấp quản lý cũng “bó tay” vì không biết tìm tung tích người đứng đầu trung tâm ở đâu, đa số việc liên lạc, quản lý đều chỉ thông qua... điện thoại và một bộ hồ sơ vô tri vô giác. Không ít trung tâm lân cận phải đứng ra “làm công quả”, nhận những học viên “bơ vơ” giúp hoàn thành khóa học với chế độ giảm hoặc miễn học phí.
Ông Phạm Anh Ba - trưởng phòng giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết toàn TP hiện có hơn 700 trung tâm văn hóa ngoài giờ có đào tạo ngoại ngữ, riêng trung tâm chỉ dạy ngoại ngữ là hơn 400.
“Hiện trung tâm ngoại ngữ ở TP đúng là quá nhiều, việc tuyển sinh thời gian qua cũng khó khăn nên hoạt động của nhiều trung tâm đi xuống. Một số trung tâm có đầu tư vẫn hoạt động tốt nhưng cũng có không ít trung tâm hoạt động cầm chừng. Việc kiểm soát chất lượng cũng như hoạt động của các trung tâm ngoài lực lượng của sở còn có sự tham gia của phòng giáo dục quận huyện và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua cũng có một vài trung tâm đóng cửa và sở phải giải quyết hậu quả bằng cách liên hệ với các trung tâm gần đó để nhận học viên hoặc giảm học phí”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận