Bác sĩ khám cho bé Lê Xuân Hiếu sau khi được phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: T.Dương |
Thế nhưng, nhiều trẻ mắc bệnh lý này lại không được phát hiện sớm.
Suốt nửa tháng trời, thấy con vẫn không đi ngoài được, bụng trướng to và cứng, ăn vào lại ói ra, chị Cán Thị Thúy, 27 tuổi ở Lâm Đồng mới đưa con trai - bé Lê Xuân Hiếu - 7 tuổi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng khám và được chẩn đoán bé bị phình đại tràng bẩm sinh, nên chuyển bé lên Bệnh viện Nhi Đồng 1-TP.HCM phẫu thuật.
Phẫu thuật 150-200 ca/năm
Đang chăm con sau khi được phẫu thuật tại khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 1, chị Thúy kể: Ngày chào đời, bé Hiếu không đi được phân su như bao trẻ bình thường khác. Đến ngày thứ hai, bé tiếp tục không đi được. Trung tâm Y tế H.Đạ Huoai (Lâm Đồng), nơi bé được sinh ra, đã chuyển bé lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng khám.
Sau năm ngày nằm theo dõi tại đây, các bác sĩ không tìm được nguyên nhân. Nóng lòng, gia đình đã xin chuyển bé lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Sau hơn 20 ngày nằm điều trị tại khu chuyên sâu sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé cũng chỉ được chẩn đoán đại tràng dài và cho xuất viện. Về nhà, bé tiếp tục đi ngoài khó. Cứ 2-3 ngày, gia đình phải bơm cho bé đi ngoài nếu không bụng lại trướng lên.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết bé Hiếu được chẩn đoán mắc bệnh phình đại tràng bẩm sinh do nguyên vô hạch.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã cắt đi đoạn ruột vô hạch cho bé, giúp bé có thể đi cầu dễ dàng. Bệnh phình đại tràng bẩm sinh do nguyên vô hạch chiếm vị trí hàng đầu trong hội chứng tắc ruột ở trẻ sơ sinh. Đây là bệnh khá thường gặp tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng 1 phẫu thuật từ 150-200 trẻ mắc bệnh lý này.
Mới chào đời, trẻ mắc bệnh phình đại tràng bẩm sinh do nguyên vô hạch sẽ không đi tiêu phân su trong ngày đầu tiên, trong khi trẻ bình thường sẽ đi được. Những ngày sau đó, bé vẫn tiếp tục táo bón và người nhà phải dùng thuốc bơm vào hậu môn cho bé.
Lúc đó, một số bé sẽ đi ngoài được, còn một số bé vẫn không thể. Những bé không đi ngoài được, người nhà sẽ đưa bé đến bệnh viện, sau đó bệnh viện phải đặt ống thông vào hậu môn, bơm nước muối sinh lý (thụt tháo) để giúp bé đi ngoài.
Theo bác sĩ Tạ Huy Cần, khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết không phải trẻ nào mắc bệnh này cũng có thể phát hiện trong giai đoạn sơ sinh. Do vậy, khi xuất viện, bác sĩ hẹn tái khám thì người nhà bệnh nhi nên tuân thủ.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu cũng nhấn mạnh tình trạng bệnh nặng hay nhẹ, phát hiện sớm hay trễ tùy thuộc nhiều vào đoạn ruột vô hạch (không có hạch thần kinh trong thành ruột) dài hay ngắn.
Trẻ có đoạn ruột vô hạch ngắn, bụng sẽ trướng lên, không đi cầu được nhưng chỉ cần mua ống thuốc bơm vào hậu môn sẽ giúp trẻ đi tiêu.
Vì vậy, nhiều gia đình thường chấp nhận giải pháp này và không đưa trẻ đến bệnh viện khám lại. Tình trạng táo bón sẽ kéo dài trong nhiều năm.
Nhưng trẻ có đoạn ruột vô hạch dài thì dù có bơm thuốc vẫn không giúp trẻ đi tiêu bình thường nên thường phải đưa trẻ đến bệnh viện thụt tháo.
Nhiều trẻ sơ sinh với đoạn ruột vô hạch dài có thể gây tắc ruột ngay những ngày đầu sau sinh nên được phát hiện sớm, phẫu thuật cấp cứu.
Mổ càng sớm càng tốt
Để điều trị, cách duy nhất là phẫu thuật để cắt đoạn ruột vô hạch đó. Trước đây, trẻ phải đợi đến khi được 13 kg mới được mổ. Đến nay, do kỹ thuật mổ và gây mê hồi sức tốt nên có thể phẫu thuật ngay trong giai đoạn sơ sinh. Với trẻ mắc bệnh lý này, bác sĩ Hiếu cho rằng càng được mổ sớm càng tốt.
Trẻ được mổ sớm có hiệu quả rất nhiều lần so với khi trẻ đã lớn. Mổ càng sớm, ruột của trẻ sơ sinh ít viêm dính, đặc biệt chức năng đi tiêu sau mổ được hoàn thiện tốt hơn. Phẫu thuật muộn, khi trẻ càng lớn, tình trạng ứ đọng phân càng kéo dài, dẫn đến trẻ chậm phát triển thể chất, nguy cơ bị viêm ruột trước và sau mổ càng cao, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong. Ngày nay, phẫu thuật nội soi đã hỗ trợ nhiều cho việc điều trị bệnh, ít biến chứng và mang tính thẩm mỹ cao.
Bác sĩ Hiếu khuyên những trường hợp bị táo bón từ sơ sinh đến nhũ nhi (2-12 tháng tuổi), bụng trướng lên đều phải đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để các bác sĩ xác định bệnh và điều trị kịp thời.
Không nhận được “tín hiệu” Giải thích về đoạn ruột vô hạch, bác sĩ Đào Trung Hiếu cho biết theo cơ chế bình thường, thần kinh trong thành ruột tiếp nhận “chỉ đạo” thần kinh từ trên não. Khi có một lượng phân vừa đủ trong trực tràng, não bộ sẽ điều khiển thần kinh tủy, phát tín hiệu cho hạch thần kinh trong thành ruột làm đoạn ruột co bóp và hệ thống cơ vòng mở ra, đẩy phân ra ngoài. Thế nhưng trong bệnh lý này, có một đoạn ruột không có tế bào hạch thần kinh (vô hạch). Khi ruột đầy phân, xung động thần kinh trên não vẫn có nhưng không có nơi nhận nên không chuyển được tín hiệu xuống, ruột không biết khi nào cần bóp, còn cơ vòng không biết khi nào cần mở, nên sẽ dẫn đến tình trạng ứ đọng liên tục. Lâu ngày đoạn ruột vô hạch này không hoạt động sẽ bị teo nhỏ và đại tràng nằm ở phía trên bị phình ra. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận