10/10/2018 14:46 GMT+7

Nhiều trẻ nhiễm virút EV71 nguy hiểm

THÙY DƯƠNG - XUÂN MAI
THÙY DƯƠNG - XUÂN MAI

TTO - Mùa dịch tay chân miệng năm nay đã bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng EV71. Đây là chủng virút gây ra dịch tay chân miệng khiến gần 150 trẻ tử vong năm 2011.

Nhiều trẻ nhiễm virút EV71 nguy hiểm - Ảnh 1.

Một ca bệnh tay chân miệng được cấp cứu tại phòng cấp cứu khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngày 9-10 - Ảnh: THÙY DƯƠNG

Mùa dịch tay chân miệng năm nay đã bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng EV71. Đây là chủng virút gây ra dịch tay chân miệng khiến gần 150 trẻ tử vong năm 2011.

BS NGUYỄN TRẦN NAM (trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng thành phố)

Sáng 9-10, tại hành lang khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, chị P.T.K.A. (32 tuổi, ngụ ở Hóc Môn, TP.HCM) đang mang bầu hai tháng đứng ngồi không yên vì bé T.T.N.N., 2 tuổi, con gái chị, mắc bệnh tay chân miệng đang nằm trong phòng cấp cứu.

Chị A. kể trước đó con gái chị còn chơi đùa vui vẻ, giờ đã phải thở ôxy. Độ nặng của bệnh cứ chuyển liên tục từ 2A sang 2B, giờ đã sang độ 3. Chị lo cho con khóc suốt...

Trẻ em lây bệnh từ trường học

Sáng thứ bảy (ngày 6-10), cô giáo của lớp con chị A. gọi chị đến đón bé vì nghi ngờ con chị mắc bệnh tay chân miệng.

Trước đó, chị cũng phát hiện bé có 1-2 hạt bóng nước ở trong miệng, chị lại tưởng con nóng nổi mụn.

Chiều thứ bảy, chị thấy con bắt đầu sốt nên đưa con đến một phòng mạch bác sĩ tư gần nhà. Bác sĩ này nói con chị mắc bệnh tay chân miệng nhẹ nên bác sĩ cho thuốc và chị mua cho con uống. Đêm hôm đó bé sốt cao, người nóng nhưng tay chân lạnh...

Chủ nhật chị đến bác sĩ tư này khám tiếp nhưng triệu chứng của con vẫn không bớt. Sáng thứ hai, bé có triệu chứng co giật, chị đưa bé đến Bệnh viện Q.Tân Bình khám - nơi đăng ký khám BHYT.

Tại đây, bệnh viện chẩn đoán con chị mắc bệnh tay chân miệng nặng độ 2A nên đã chuyển bé lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị.

Chị A. cho biết con chị bị lây bệnh từ trường học vì trước đó trong lớp của bé đã có một số bạn mắc bệnh tay chân miệng.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy, phó khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết ngày 9-10 tại khoa này có khoảng 130 trẻ mắc bệnh tay chân miệng nằm điều trị, trong đó có 11 ca nặng.

Phần lớn trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở độ tuổi từ 1-3 tuổi, tuy nhiên cũng có những cháu 12 tuổi vẫn mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị.

Hiện số trẻ ở tỉnh chiếm 2/3 số trẻ tay chân miệng nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Số trẻ mới mắc bệnh tay chân miệng nhập viện mỗi ngày vẫn ở mức cao.

Ngày 8-10, tại khoa có 87 trẻ mắc bệnh tay chân miệng mới nhập viện. Đây vẫn chưa phải con số cao nhất trong đợt này vì có ngày có tới 100 trẻ mắc bệnh tay chân miệng mới nhập viện.

Khoa phải kê thêm giường liên tục để trẻ mắc bệnh có chỗ nằm điều trị. Phòng cấp cứu của khoa vẫn có trẻ phải nằm ghép 2 trẻ/giường.

Chủng virút EV71 gây bệnh nặng

Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng TP tăng rất nhanh, đặc biệt là trong 2-3 tuần qua. Trong đó, có ca biến chứng nặng với sự xuất hiện chủng EV71 cần điều trị đặc biệt. Bác sĩ Nguyễn Trần Nam - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng TP - nhận định đây là một sự thay đổi đột biến.

BS Nam cho biết bệnh tay chân miệng gây ra bởi một nhóm virút trong đường ruột có tên là Enterovirus (EV), nhóm này có nhiều chủng nhỏ khác nhau như CA16, EV71... Trong đó, CA16 là bệnh ở thể nhẹ, có thể phục hồi sau 7-10 ngày mắc bệnh.

Còn chủng virút EV71 có đặc tính lây lan rất nhanh và gây ra nhiều biến chứng nặng cho thần kinh, gây viêm màng não và viêm não. Trong một số trường hợp có thể gây các biến chứng nghiêm trọng khác như viêm cơ tim, phổi cấp. Nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, có thể gây tử vong.

Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong 4 tuần qua, số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng trong TP luôn tăng theo hằng tuần. Từ 7-9 đến 13-9, TP chỉ có 212 ca tay chân miệng thì các tuần sau đó lần lượt là 286 ca, 349 ca và tuần mới nhất trong đầu tháng 10 là 397 ca.

Lưu ý các triệu chứng ban đầu

Theo các chuyên gia y tế, một trong những dấu hiệu nhận biết đầu tiên bệnh tay chân miệng là sốt cao từ 1 đến 2 ngày kèm theo đau họng, ăn kém, khó ngủ hoặc ngủ li bì. Kể từ 1-2 ngày sau khi xuất hiện các nốt mụn lở gây đau rát ở miệng, người nổi hồng ban, bàn tay và chân xuất hiện bóng nước.

Khi trẻ có biến chứng thần kinh do chủng virút EV71 gây ra thường có những triệu chứng rất khó nhận biết như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay bắt đầu thiu thiu ngủ. Đồng thời trẻ có thể hoảng hốt, nói lảm nhảm, chới với, run chân tay, người co giật.

Bệnh tay chân miệng chủ yếu lây từ người sang người qua đường tiêu hóa như tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết từ mũi họng, dịch từ các bọng nước vỡ ra của người bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua đồ chơi, dụng cụ ăn uống, quần áo... của người mắc bệnh.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có thuốc chủng ngừa. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ.

"Hãy rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hằng ngày, khử khuẩn hằng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ..." - bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, khuyến cáo.

Vì sao mùa bệnh năm nay trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhiều, số ca bệnh nặng cũng nhiều hơn?

Bác sĩ Quy cho rằng có thể do năm nay tác nhân gây bệnh tay chân miệng là Enterovirus chiếm tỉ lệ cao nên dễ gây thành dịch và có nhiều ca bệnh nặng.

Vừa rồi, khoa nhiễm - thần kinh có gửi 24 mẫu bệnh nặng tay chân miệng sang Viện Pasteur TP.HCM để phân tích, có đến 18 ca là Enterovirus71 (EV71).

THÙY DƯƠNG - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên