08/11/2022 15:55 GMT+7

Nhiều tỉnh, thành Miền Bắc đang trải qua những ngày ô nhiễm không khí ở mức xấu

Q. THẾ
Q. THẾ

TTO - Theo Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) ngày 8-11 nhiều tỉnh, thành phố có chất lượng không khí đo được ở mức xấu.

Nhiều tỉnh, thành Miền Bắc đang trải qua những ngày ô nhiễm không khí ở mức xấu - Ảnh 1.

Chất lượng không khí tại Hà Nội nhiều ngày đo được ở mức xấu (ảnh chụp ngày 8-11 tại một khu chung cư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm) - Ảnh: Q.THẾ

Cơ quan chức năng khuyến cáo chất lượng không khí ở mức xấu có thể ảnh hưởng tới sức khỏe những người bình thường, nhóm nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hơn, tránh hoạt động ngoài trời.

Ghi nhận cho thấy đây là ngày thứ 3 liên tiếp nhiều tỉnh, thành phố xảy ra ô nhiễm không khí ở mức xấu.

Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc cho biết chất lượng không khí đo tại số 556 đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) sáng cùng ngày ở mức xấu, chỉ số PM2.5 (bụi mịn) ở mức 152.

Chất lượng không khí đo được ở mức xấu còn có ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương. Cụ thể, đo tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) chỉ số PM2.5 ở mức 153, thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên) chỉ số PM2.5 ở mức 198 và tại trạm y tế Duy Tân, huyện Kinh Môn (Hải Dương) ở mức 159.

Đáng chú ý đến 14h tại trạm y tế Duy Tân chỉ số PM2.5 không giảm mà đã tăng lên ở mức 173.

Nhiều tỉnh, thành Miền Bắc đang trải qua những ngày ô nhiễm không khí ở mức xấu - Ảnh 2.

Một góc hồ Tây, Hà Nội (ảnh chụp ngày 7-11) - Ảnh: NAM TRẦN

Theo Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc, PM2.5 (bụi mịn) từ 151-200 là mức xấu, PM2.5 từ 201-300 mức rất xấu và PM2.5 từ 301-500 là mức nguy hại.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam - cho biết nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí những ngày qua là do tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa ở miền Bắc. Bên cạnh đó các hoạt động như: giao thông, xây dựng, xả thải ở khu công nghiệp, làng nghề... cũng chính là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí.

Trước đó, tháng 4-2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 1137 về tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Theo UBND TP Hà Nội, ban hành văn bản số 1137 nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.

Trong khi đó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đã nhiều lần khuyến cáo người dân hạn chế đốt rơm rạ, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong để tránh gây ô nhiễm môi trường không khí.

Cuối năm 2021, Trường ĐH Công nghệ (Đại học quốc gia Hà Nội) cùng Trung tâm Sống học tập vì môi trường - cộng đồng đã công bố "hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020".

Theo đó, có đến 10 tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn, trong đó đều ở miền Bắc.

Việt Nam kiên quyết loại bỏ dự án gây ô nhiễm, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế Việt Nam kiên quyết loại bỏ dự án gây ô nhiễm, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế

TTO - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết loại bỏ các dự án gây ô nhiễm và xem môi trường sống, sức khỏe của người dân là ưu tiên hàng đầu khi được hỏi về vụ Formosa gây sự cố môi trường biển năm 2016.

Q. THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên