Mỹ phẩm trôi nổi được bày bán dưới đất tại chợ Vườn Chuối, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung |
Giới kinh doanh ước tính mỹ phẩm được tiêu thụ ở VN qua đường xách tay là cực lớn. Nhu cầu làm đẹp ngày càng cao cộng với sự phát triển của mạng xã hội, website bán hàng trực tuyến khiến thị trường hàng xách tay mỹ phẩm sôi động nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro.
Hàng xách tay giá rẻ
Chỉ cần dạo qua một vòng các chợ, sạp kinh doanh mỹ phẩm ở TP.HCM, người mua dễ bị hoa mắt vì sự đa dạng của các loại mỹ phẩm, đặc biệt là dòng trang điểm và dưỡng da.
Ngay bên hông chợ Tân Định (Q.1), các sạp kinh doanh mỹ phẩm trưng bày la liệt các loại phấn kẻ mắt, phấn má hồng, son môi cho đến sữa dưỡng da, sữa tắm...
Khi thấy người mua bị bối rối vì nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm, một chủ sạp nhanh nhảu tư vấn: “Phấn Nhật nội địa 65.000 đồng, phấn Mỹ giá hơn 100.000 đồng. Thích thì mua loại hàng giá thấp nhưng bảo đảm xịn”.
Vừa nói, chị tiểu thương vừa nhanh tay cầm từng hộp phấn và chỉ người mua chiếc tem dán ngoài hộp phấn chỉ toàn tiếng Nhật.
Trước câu hỏi “Hàng nhập sao giá thấp vậy?”, tiểu thương ở đây cho biết do “xách tay”, còn hạn sử dụng thì “không lo, mỹ phẩm sử dụng được từ 3 năm trở lên trong khi xài vài tháng là hết”.
Tương tự, tại một sạp nằm trong khu vực chợ Vườn Chuối (Q.3), chủ cửa hàng cho biết tất cả hàng chị bán đều là hàng nhập hoặc hàng ký gửi, nên dù giá thấp hơn hàng chính hãng nhưng đảm bảo không giả.
Chẳng hạn như kem dưỡng da S. giá 550.000 đồng/hộp trong khi hàng chính hãng gần 1 triệu đồng!
Trăm nẻo đường mỹ phẩm xách tay
“Hàng xách tay hiện nay về VN đủ kiểu, xách tay qua khách du lịch, nhập thông qua các đơn vị vận chuyển, thậm chí tổ chức những đợt đi mua hàng trực tiếp tại nước ngoài” - Quỳnh Chi, chủ một shop mỹ phẩm trên mạng xã hội, chia sẻ.
Theo Quỳnh Chi, hiện nay hàng mỹ phẩm về VN nhiều nhất là từ Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Tất cả những mặt hàng này được chủ shop đặt thông qua các đầu mối tại nước ngoài, hàng về VN sau đó 2-3 tuần.
“Thông thường, các shop sẽ nhắm vào các đợt khuyến mãi lớn để gom về VN bán kiếm lời” - Chi cho biết.
Đối với mỹ phẩm từ Mỹ, việc nhập khẩu thậm chí còn dễ dàng hơn khi các trang web bán hàng trực tuyến đều hỗ trợ thanh toán đối với thẻ ngân hàng từ VN.
Tại Mỹ, Anh hiện cũng có nhiều công ty chuyên về vận chuyển lo các thủ tục nhập khẩu hàng hóa đầy đủ cho các shop để đảm bảo hàng về đến tận nơi.
Tuy nhiên theo nhiều chủ shop, với hàng xách tay quá đa dạng cũng khiến khách hàng rơi vào tình trạng “không biết đâu mà lần”.
Theo Quỳnh Chi, “mình từng ở bên Nhật một thời gian nên cũng không lạ gì thị trường mỹ phẩm tại đây, cũng có hàng giả, hàng nhái, hàng loại 1, 2, 3 khác nhau. Về chất lượng thì không thể khẳng định được ngay, nhưng chắc chắn không thể như hàng chính hãng”.
Không nên tin vào nhãn toàn tiếng Nhật
Ông Thanh Thịnh, giám đốc một doanh nghiệp chuyên phân phối hàng tiêu dùng nhập khẩu tại Q.Tân Bình, cho biết để tạo sự tin tưởng cho người Việt khi mua, các mỹ phẩm được quảng bá là hàng xách tay thường in hoàn toàn bằng tiếng bản ngữ.
Tuy nhiên, việc đặt niềm tin vào nhãn, dù ghi toàn chữ Nhật, theo ông Thịnh, là hoàn toàn sai lầm. Vì hiện nay mỹ phẩm giả, nhái rất tinh vi, riêng nhãn mác sản xuất giả rất tinh xảo, khó lòng nhận biết.
Ông Thịnh còn khuyến cáo tâm lý chuộng hàng ngoại đang khiến nhiều cửa hàng nâng giá vô tội vạ, nếu không tìm hiểu kỹ, người mua sẽ bị thiệt.
Đánh giá hàng xách tay sống được nhờ giá thấp hơn so với hàng chính hãng, ông Thịnh nhắc lại quy luật cũ: giá rẻ sẽ kèm rủi ro nhiều cho người mua. Trong đó phổ biến nhất sẽ là mua phải hàng kém chất lượng.
Thực tế, ông Thịnh nêu những sản phẩm giá càng bình dân thì càng dễ bị trà trộn đưa về VN tiêu thụ, trục lợi. Những hàng kém chất lượng này rất khó nhận biết, chỉ người có chuyên môn mới giám định được.
Các chuyên gia cảnh báo mua mỹ phẩm xách tay còn nhiều rủi ro khác. Như khách đặt mua hàng xách tay từ các shop thì việc đổi trả hàng đối với mặt hàng này là gần như không thể.
Hầu hết các website bán hàng tại nước ngoài cho phép đổi trả, tuy nhiên các shop ở VN thường từ chối việc này hoặc đòi hỏi phí rất cao với lý do hàng phải vận chuyển trả lại, rất mất thời gian mà đôi khi không thể đổi hoặc trả được hàng.
Chưa kể hàng đặt có thể sai sót về kích cỡ, màu sắc thực tế, những trường hợp này người tiêu dùng cũng thường phải chịu.
Mỹ phẩm Nhật muốn hiện diện chính thức tại VN Theo các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm Nhật Bản, VN là một trong những thị trường tiềm năng cho tiêu thụ mỹ phẩm Nhật Bản với cơ cấu dân số trẻ, thu nhập tăng nhanh. Hiện nay, nhiều thương hiệu mỹ phẩm hàng đầu Nhật Bản như Kosé, Kanebo, Menrad... đang tìm cách tăng sự hiện diện chính thức tại thị trường VN, giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận với sản phẩm chính hãng, chất lượng và được chăm sóc hậu mãi tốt hơn. Vào ngày 18-11 tại GEM Center (Q.1, TP.HCM), khoảng 10 thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng từ Nhật Bản sẽ tham dự hội thảo “Mỹ phẩm Nhật Bản - tôn vinh vẻ đẹp VN” nhằm tìm đối tác chính thức để mở rộng kinh doanh tại VN. Sự kiện do báo Tuổi Trẻ và báo Mainichi, Nhật Bản cùng đồng hành tổ chức. Doanh nghiệp cần đăng ký trước để tham gia: chị Vân Trang: 0973 390 317, chị Lưu Đa: 0977 953 942 hoặc email về địa chỉ: tranph@tuoitre.com.vn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận