18/11/2017 20:52 GMT+7

Nhiều nam giới hiện nay lại thấy xấu hổ khi đứng trước áo dài

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Chiều 18-11, tại Hà Nội, Ban quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức toạ đàm Áo dài nam truyền thống và tính ứng dụng trong đời sống đương đại.

Nhiều nam giới hiện nay lại thấy xấu hổ khi đứng trước áo dài  - Ảnh 1.

Những trang phục áo dài nam truyền thống được giới thiệu tại toạ đàm - Ảnh: V.V.TUÂN

Tôi nghĩ rằng hiện nay chưa có bộ trang phục nào đại diện cho đàn ông Việt Nam như áo dài nam giới.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức

Nhiều nam giới xấu hổ không dám mặc áo dài

Bà Trần Thị Thuý Lan, phó trưởng ban quản lý phố cổ Hà Nội đặt vấn đề, lâu nay nói đến áo dài của người Việt, nhiều người chỉ biết đến áo dài nữ nhiều hơn mà chưa nói nhiều đến áo dài nam. 

Vì vậy, buổi toạ đàm và chương trình trình diễn áo dài nam trước đó nhằm quảng bá cho áo dài truyền thống của nam giới Việt Nam.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo nhớ lại, áo dài nam truyền thống đã có từ lâu. Thời phong kiến đến trước giai đoạn người Pháp sang thì áo dài nam vẫn thông dụng ở nhiều tầng lớp trong xã hội Việt Nam.

Nhưng khi người Pháp sang mang theo luồng văn hoá phương Tây, làm thay đổi mọi mặt đời sống của người Việt. Áo dài nam cũng không nằm ngoài số phận đó.  

Áo dài bị lấn át bởi áo sơ mi, quần tây, giầy da, comple... Trên đường phố thời Pháp thuộc là những hình ảnh xen lẫn giữa áo dài và âu phục.

Cái thời mà ông mặc khăn xếp, bà mặc áo tứ thân thì có người con đã mặc comple, đội mũ phớt, cháu thì mặc váy đầm... Áo dài nam mất dần, mất dần... Đến sau giải phóng thủ đô, hình như hãn hữu lắm mới thấy trên đường phố còn người mặc áo the, khăn xếp. Rồi chiến tranh nên trang phục của chúng ta phải đơn giản hoá tối đa. Áo dài nam gần như bị triệt tiêu, chỉ còn sót lại rất ít trong những cuộc biểu diễn...

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo nhớ lại.

Nhiều nam giới hiện nay lại thấy xấu hổ khi đứng trước áo dài  - Ảnh 4.

Một thành viên nhóm Đình làng Việt mặc trang phục áo dài nam truyền thống - Ảnh: V.V.TUÂN

Còn hiện nay, ông Bảo cho rằng không nên áp đặt một cách khiên cưỡng áo dài nam phải như ngày xưa. Hơn nữa áo dài cũng khó phù hợp với nam giới trong công việc, cuộc sống thường ngày.

Nhưng dịp lễ hội, ngày tết, cưới hỏi... là những dịp rất tốt để mặc áo dài, giúp lan toả thói quan dùng trang phục truyền thống này.  

Hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức khẳng định, áo dài nam và nữ của người Việt đều là sự tinh giản tối đa. Phong cách ấy phản ánh tính cách phóng khoáng, tự tại với thiên nhiên cũng như sự khiêm cung của con người Việt Nam.

Áo dài nam là sự tối giản đến mức gần như khó thay đổi, khiến các hoạ sĩ phải suy nghĩ rất nhiều. Trong khi áo dài nữ song hành cùng lịch sử và giữ vị trí quan trọng trong đời sống thì cần phải có những cuộc vận động từ các nhà thiết kế, hoạ sĩ, nhà làm phim... quan tâm để áo dài nam có thể tương xứng với áo dài nữ trong các sự kiện quan trọng của đất nước cũng như đối ngoại quốc tế.

Hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức trăn trở.

Ông nghĩ rằng, hiện nay nam giới có thể có nhiều âu phục, nhưng: "mỗi đàn ông Việt tối thiểu cũng nên có một bộ trang phục áo dài để trở về với ông bà, tổ tiên và giữ được nền nếp xưa. 

Điều này không phải quá khó khăn. Đáng tiếc và đáng buồn hiện nay là nhiều nam giới hiện nay lại thấy xấu hổ khi đứng trước áo dài và không dám mặc áo dài khi ra ngoài đường".

Ông Nguyễn Đức Bình, người sáng lập nhóm Đình làng Việt kể câu chuyện: 

"Tôi gặp nhiều người mỗi khi nhìn thấy áo dài nam truyền thống thì lại nói đây là phong kiến, cường hào, ác bá. 

Nhiều người lại nói rằng mặc áo dài nam thì giống Tổng thống Việt Nam cộng hoà Ngô Đình Diệm từng mặc hay sao? 

Những định kiến này làm cho áo dài nam ngày càng rời xa cuộc sống hiện đại".

Nhiều nam giới hiện nay lại thấy xấu hổ khi đứng trước áo dài  - Ảnh 6.

Các diễn giả tham dự toạ đàm đều đề xuất nhà nước công nhận áo dài nam và nữ là quốc phục - Ảnh: V.V.TUAAN

Nên công nhận áo dài nam là quốc phục

Hầu hết các ý kiến tại toạ đàm đều thống nhất đề xuất nhà nước nên công nhận áo dài nam truyền thống là quốc phục cùng áo dài nữ. 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo nói rõ hơn, trong những sự kiện mang tính tâm linh của đất nước như dâng hương các vua Hùng ngày 10-3 âm lịch, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước nên mặc trang phục áo dài nam truyền thống.

"Các nguyên thủ Việt Nam cộng hoà coi mặc áo dài là chuyện rất bình thường. Điều này đã trở thành nghi lễ. Còn thời chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà, cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng mặc áo dài", ông Bảo phân tích.

Hoạ sĩ Mạnh Đức đề xuất thêm, nếu công nhận quốc phục thì cần đi đến bộ trang phục chuẩn mực, đại diện cho tinh hoa của nền văn hoá dân tộc chứ không nên dùng những trang phục thể hiện sự "sáng tạo" hôm nay. 

Còn ông Nguyễn Đức Bình nói, áo dài nam đã được cha ông mặc và đã là biểu tượng văn hoá của Việt Nam rồi. Chỉ có điều nhà nước có công nhận bộ trang phục này là quốc phục hay không thôi.

"Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã từng đề xuất làm lễ phục nhà nước với áo dài. Nhưng khi tổ chức may thì hầu hết các mẫu thiết kế của các nhà may nổi tiếng của VN đều không được chấp nhận. 

Nên chuyện này đang bị dừng lại. Nhưng trang phục truyền thống áo dài nam thì vẫn có chỗ đứng và có thể là lễ phục để các nguyên thủ tham gia đối ngoại hoặc các sự kiện trọng đại của đất nước", ông Bình chia sẻ.

Nhiều nam giới hiện nay lại thấy xấu hổ khi đứng trước áo dài  - Ảnh 7.

Nam giới tham dự toạ đàm đang giúp nhau vấn khăn cùng trang phục áo dài - Ảnh: V.V.TUÂN

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên