04/01/2021 08:14 GMT+7

Nhiều lao động nữ thích thú với quy định mới

TUYẾT MAI - THÙY DƯƠNG ghi
TUYẾT MAI - THÙY DƯƠNG ghi

TTO - 'Nhiều quy định rất nhân văn, giúp lao động nữ an tâm khi đang mang thai và nuôi con nhỏ, chị Thu Thảo nhận xét.

Nhiều lao động nữ thích thú với quy định mới - Ảnh 1.

Từ ngày 1-1, Bộ luật lao động có nhiều điểm mới thuận lợi hơn cho người lao động, trong đó có lao động nữ. Trong ảnh: công nhân làm việc tại Công ty TNHH Lập Phúc, quận 7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bộ luật lao động 2019 vừa có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Sau kỳ nghỉ Tết dương lịch, người lao động trở lại làm việc, nhiều người tỏ ra thích thú với những quy định mới, đồng thời kỳ vọng người sử dụng lao động sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định này. 

Trong khi đó, người khám, chữa bệnh cũng thuận lợi hơn với chính sách bảo hiểm thông tuyến.

* Chị Lê Thị Thu Thảo (Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Lao động nữ an tâm khi mang thai, nuôi con nhỏ

Sau thời gian dài học và làm việc ở nước ngoài, tôi mới về làm việc tại Việt Nam. Qua theo dõi thông tin trên báo chí, tôi thấy Bộ luật lao động mới có rất nhiều điểm có lợi cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Cụ thể, tôi ấn tượng với quy định lao động nữ trong ngày "đèn đỏ" được nghỉ mỗi ngày 30 phút mà vẫn được hưởng đủ lương, trợ cấp trong thời gian thai sản, trợ cấp khi con dưới 7 tuổi ốm, sẩy thai...

Và đặc biệt là những quy định có lợi với lao động nữ như khi mang thai từ tháng thứ 7 hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng thì không phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ hoặc đi công tác xa, có thể được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn mà không bị cắt giảm tiền lương. Nếu lao động trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi đang mang thai thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng, hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng. 

Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới. Khi đang nuôi con nhỏ, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc mà vẫn được hưởng đủ tiền lương.

Theo tôi, những quy định này rất nhân văn, giúp lao động nữ an tâm khi đang mang thai và nuôi con nhỏ.

* Chị Nguyễn Thị Thu Huyền (Q.1, TP.HCM):

Chậm trả lương sẽ phải trả thêm lãi suất

Theo quy định của Bộ luật lao động 2019 thì người lao động được trả lương đúng thời hạn, trường hợp đặc biệt có thể trả chậm lương nhưng không được chậm quá 30 ngày. 

Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng. Ngoài ra, người lao động được nghỉ việc không cần báo trước, nếu không được trả lương đúng hạn hoặc trả không đủ.

Theo tôi, đây là quy định hợp lý và bảo vệ quyền lợi tối đa cho người lao động, tránh tình trạng doanh nghiệp chây ì trả lương. Quy định này buộc người sử dụng lao động cần tính toán kỹ các phương án kinh doanh nhằm trả lương cho người lao động đúng hạn để họ có thể chi tiêu cho sinh hoạt cá nhân. Song, người lao động và doanh nghiệp cần có sự thông cảm, chia sẻ với nhau, đặc biệt là trong điều kiện doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 như hiện nay.

* Chị Trần Thị Mỹ Tín (Q.Tân Bình, TP.HCM):

Thêm ngày nghỉ được hưởng nguyên lương

Trong các điểm mới của Bộ luật lao động, vấn đề lương thưởng, ngày nghỉ luôn là vấn đề được người lao động quan tâm. Theo luật mới, trong năm người lao động sẽ được nghỉ 11 ngày lễ, tết và hưởng nguyên lương, gồm Tết dương lịch nghỉ 1 ngày, Tết âm lịch nghỉ 5 ngày, Ngày giải phóng miền Nam 30-4 nghỉ 1 ngày, Ngày quốc tế lao động nghỉ 1 ngày, Ngày quốc khánh nghỉ 2 ngày, Ngày giỗ Tổ Hùng Vương nghỉ 1 ngày. 

Người lao động đi làm trong ngày nghỉ lễ, tết sẽ được trả ít nhất 300% chưa kể lương ngày lễ, tết.

Bên cạnh đó, người lao động làm việc đủ 12 tháng sẽ được nghỉ 12-16 ngày làm việc, được hưởng nguyên lương. Cứ đủ 5 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ này tăng thêm 1 ngày. 

Trường hợp người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động, số ngày nghỉ hằng năm theo tỉ lệ tương ứng với số tháng làm việc. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ. 

Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 2 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 1 lần nghỉ trong năm.

Ngoài ra, Bộ luật lao động còn quy định người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương nếu thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp kết hôn (nghỉ 3 ngày); con đẻ, con nuôi kết hôn (nghỉ 1 ngày); cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; cha mẹ vợ/chồng, con đẻ, con nuôi chết (nghỉ 3 ngày).

Thuận lợi hơn cho bệnh nhân khi bảo hiểm thông tuyến

Từ 1-1-2021, BHYT thực hiện thông tuyến tỉnh nội trú trên toàn quốc. Bệnh nhân tỉnh có BHYT khi điều trị nội trú tại TP.HCM không cần có giấy chuyển tuyến vẫn được chi trả 100% BHYT theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến.

Riêng bệnh nhân tỉnh nhập viện tại những bệnh viện tuyến trung ương ở TP.HCM (Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 175, Viện Răng hàm mặt trung ương, Bệnh viện Thống Nhất) vẫn cần giấy chuyển tuyến, nếu không chỉ được chi trả 40% BHYT.

Ông P.T.Đ. - 60 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận - kể ông đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Q.Phú Nhuận. Lúc mới nghe thông tin BHYT thông tuyến tỉnh, ông cứ tưởng chỉ mở rộng quyền lợi cho những người có BHYT ở tỉnh khi lên điều trị nội trú tại TP.HCM.

Đến khi đọc kỹ thông tin ông mới biết ngay cả những người dân ở TP.HCM tham gia BHYT cũng được lựa chọn bất cứ bệnh viện nào của TP để điều trị nội trú, vì sẽ được BHYT thanh toán 100% theo mức hưởng.

Đối với ông Đ., đây là một tin rất vui vì khi mắc bệnh gì đó cần điều trị nội trú, ông rất mong muốn được một bệnh viện chuyên khoa điều trị. Ví dụ, những năm trước ông bị u tuyến tiền liệt, khi bác sĩ nói phải phẫu thuật ông đã chọn phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân, dù khi đó BHYT chỉ thanh toán cho ông 60% theo mức hưởng.

Tuổi già hay mắc nhiều bệnh, nếu bệnh của ông cần nhập viện điều trị, ông sẽ không lo phải trả nhiều chi phí khi vào các bệnh viện chuyên khoa điều trị.

BHYT thông tuyến tỉnh là một tin vui đối với một người tham gia BHYT như ông, tuy nhiên ông vẫn mong muốn BHYT được thông tuyến tỉnh với cả khi bệnh nhân đến khám ngoại trú.

Quy định về trả lương từ 1-1-2021: Thực hư lương chồng chuyển thẳng vô tài khoản vợ? Quy định về trả lương từ 1-1-2021: Thực hư lương chồng chuyển thẳng vô tài khoản vợ?

TTO - Theo Bộ luật lao động (BLLĐ) 2019, có hiệu lực từ 1-1-2021, việc chi trả lương từ tháng tới có nhiều điểm mới có lợi hơn cho người lao động. Cụ thể như thế nào?

TUYẾT MAI - THÙY DƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên