Ngày 26-2, sáu cơ sở giáo dục đại học gồm Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, Trường đại học Sài Gòn, Trường đại học Tài chính - Marketing, Học viện Ngân hàng và Đại học Thái Nguyên phối hợp cùng Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục tổ chức hội nghị hợp tác kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào đại học (V-SAT).
Trong đó, Trường đại học Cần Thơ, Học viện Ngân hàng và Đại học Thái Nguyên sẽ lần đầu tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng trong năm nay.
Nở rộ các kỳ thi riêng
Như vậy, cùng với nhiều cơ sở giáo dục khác tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, năm nay sẽ có hơn 10 kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào đại học.
Ngoài sáu cơ sở giáo dục đại học này còn có các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Trường đại học Sư phạm TP.HCM, Trường đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội, Trường đại học Việt Đức.
Cách thức tổ chức, phương thức thi, cấu trúc đề thi, số trường sử dụng kết quả các kỳ thi khác nhau.
Xét về sự thuận lợi cho thí sinh, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM có nhiều ưu điểm nhất về địa điểm thi và sử dụng kết quả. Kỳ thi năm 2024 được tổ chức tại 23 tỉnh thành trải dài từ Thừa Thiên Huế đến Bạc Liêu. Thí sinh cũng thuận lợi xét tuyển khi có đến 105 trường đại học, cao đẳng để xét tuyển.
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tại 20 tỉnh thành từ Hà Tĩnh trở ra Bắc. Khoảng 90 trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.
Ngược lại, một số kỳ thi V-SAT lại có số lượng trường sử dụng khá ít. Đến hiện tại chỉ có sáu trường tổ chức thi công nhận và sử dụng kết quả kỳ thi do trường khác tổ chức để xét tuyển.
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường đại học Sư phạm TP.HCM cũng chỉ có vài trường sử dụng xét tuyển. Trong khi đó, các kỳ thi của Trường đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội, Việt Đức chỉ dùng để xét tuyển vào các trường này.
Chỉ tiêu tuyển sinh riêng chưa nhiều
Tại hội nghị hợp tác của sáu trường đại học tổ chức thi V-SAT năm nay, nói về việc lần đầu tổ chức thi đánh giá năng lực đầu vào, ông Mai Thanh Quế - phó giám đốc phụ trách Ban điều hành Học viện Ngân hàng - cho biết trong bối cảnh kỳ thi tốt nghiệp THPT mục đích chủ yếu là để xét tốt nghiệp THPT, các trường đại học nói chung và Học viện Ngân hàng nói riêng cần chủ động sử dụng các phương thức tuyển sinh phù hợp để lựa chọn những người học phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường.
Chính vì vậy, một kỳ thi bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, có tính phân loại cao; đảm bảo tổ chức an toàn, khách quan, công bằng và tiện lợi cho thí sinh là vô cùng cần thiết để đánh giá năng lực của người học, đảm bảo chuẩn đầu vào đại học.
Mặc dù được đánh giá còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được mong đợi về chất lượng nguồn tuyển nhưng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được nhiều trường dành khá nhiều chỉ tiêu. Trong khi đó, chỉ tiêu dành cho phương thức thi riêng khá hạn chế.
Lần đầu tiên tổ chức, Trường đại học Cần Thơ dự kiến dành 20% chỉ tiêu cho phương thức thi đánh giá đầu vào. Năm 2023, Trường đại học Ngân hàng chỉ có 10-15% chỉ tiêu xét tuyển cho kỳ thi riêng.
Ông Nguyễn Danh Nam - trưởng Ban đào tạo và quản lý người học Đại học Thái Nguyên - cho biết đến thời điểm này Đại học Thái Nguyên quyết định tổ chức thi đánh giá đầu vào nhưng chỉ tiêu chưa được xác định cụ thể. Hiện Đại học Thái Nguyên đang trao đổi với các trường thành viên để xây dựng đề án tổ chức thi cũng như xác định chỉ tiêu cụ thể cho phương thức này.
Đối với kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, các trường thành viên đại học này dành khoảng 50% chỉ tiêu để xét tuyển. Một số trường tăng dần chỉ tiêu phương thức xét tuyển này trong vài năm qua. Đại học Bách khoa Hà Nội dành 30% chỉ tiêu cho xét tuyển kết quả đánh giá tư duy.
Với hai trường đại học Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TP.HCM năm 2023, chỉ tiêu xét tuyển thi đánh giá năng lực chiếm tối đa 30% tổng chỉ tiêu. Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội yêu cầu các trường thành viên dành 30% chỉ tiêu xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
Tại sao phải thi đầu vào đại học riêng?
Kết quả thi tốt nghiệp THPT chưa đánh giá đầy đủ năng lực người học là lý do khiến nhiều trường tổ chức thi tuyển sinh riêng. Năm 2023, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM lần đầu tổ chức thi đánh giá đầu vào.
Lý giải về việc tổ chức kỳ thi này, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng từ kết quả tuyển sinh nhiều năm qua cho thấy các phương thức xét tuyển hiện có cơ bản đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh của trường về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế.
Một số ngành học thu hút số lượng đông đảo thí sinh và có tỉ lệ chọi cao, kết quả học tập ở bậc THPT và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa thực hiện được đầy đủ mục tiêu phân loại, phân hóa thí sinh xét tuyển đại học. Điều này khiến chất lượng nguồn tuyển của các ngành học này chưa thực sự đạt yêu cầu như mong đợi.
Các thí sinh vào các ngành học này có điểm chuẩn cao, nhưng năng lực chuyên môn gắn với yêu cầu đào tạo của các ngành học chưa thực sự tương ứng.
Mỗi trường thi một kiểu
Cấu trúc các bài thi đánh giá năng lực, tư duy của Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội gồm kiến thức tổng hợp của nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong khi đó, kỳ thi V.SAT gồm nhiều bài thi cho bảy môn độc lập gồm toán, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Môn văn sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bài thi đánh giá năng lực của hai trường đại học Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TP.HCM khá tương đồng. Dù làm bài trên hệ thống máy tính nhưng cấu trúc bài thi khoảng 60-70% thi trắc nghiệm, còn lại tự luận. Đáng chú ý là môn tiếng Anh kiểm tra 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết của thí sinh chứ không chỉ thi viết như các kỳ thi khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận