Trước thông tin này, trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho biết “vấn đề này Tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại tố cáo sẽ báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định”.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ ngày 23-5, tổng thư ký Quốc hội, chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết:
“Có một số nơi sau khi kiểm phiếu bầu đại biểu HĐND, đến sáng nay 23-5 mới bắt đầu kiểm phiếu bầu đại biểu Quốc hội.
Trong ngày hôm nay văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia chủ yếu nắm thông tin qua trao đổi điện thoại, phần lớn các ủy ban bầu cử chưa báo cáo bằng văn bản chính thức”.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích nếu xảy ra việc bầu thiếu đại biểu ở đơn vị bầu cử nào thì Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ quyết định có hay không cho phép đơn vị đó bầu thêm.
“Điều 79 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định: Trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng cử đại biểu Quốc hội chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho ủy ban bầu cử ở tỉnh để đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định việc bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó.
Trong trường hợp bầu cử thêm thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên.
Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên nhưng không trúng cử. Người trúng cử là người được quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ và có số phiếu bầu cao hơn” - ông cho hay.
Cũng trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về nội dung này, ông Trần Văn Túy cho biết trong những ngày tới, khi nhận được báo cáo chính thức của ủy ban bầu cử các địa phương, Tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ họp và có ý kiến chính thức, trình Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định.
Phân tích tình huống này, một chuyên gia về bầu cử nhận định: “Thẩm quyền quyết định thuộc về Hội đồng bầu cử quốc gia và họ sẽ căn cứ vào tình hình tổng thể của Quốc hội cũng như tình hình cụ thể của đơn vị bầu cử xảy ra việc bầu thiếu đó.
Ví dụ, luật quy định Quốc hội có 500 đại biểu, nếu bầu thiếu số lượng ít, chỉ vài người thì không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động chung của Quốc hội.
Nhưng nếu việc bầu thiếu xảy ra ở những đơn vị bầu cử chỉ được ấn định hai đại biểu, mà một người trúng cử duy nhất lại đảm nhiệm cương vị trọng yếu, thì có thể ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của tổ đại biểu đó, tức là ảnh hưởng đến tính đại diện cho cử tri thuộc khu vực bầu cử chỉ có một đại biểu hoạt động, Hội đồng bầu cử có thể phải xem xét việc bầu thêm”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận