Các đại biểu tham quan triển lãm - Ảnh: V.V.TUÂN
Triển lãm chào mừng kỷ niệm 45 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (tháng 12 -1972).
Ông Trần Việt Anh - giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - khẳng định triển lãm nhằm ôn lại truyền thống lịch sử đầy tự hào của quân và dân thủ đô Hà Nội, đồng thời nhấn mạnh vai trò của hầm chỉ huy tác chiến T1, cũng như những nhân chứng lịch sử từng làm việc, cống hiến, góp phần làm nên kỳ tích chiến thắng Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972.
Từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972, Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc phải đối đầu với cuộc tập kích đường không chiến lược bằng pháo đài bay B-52 của quân Mỹ.
Trong 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, lưới lửa phòng không Hà Nội và trên toàn miền Bắc đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, trong đó có hàng chục chiếc B-52, đập tan âm mưu dùng sức mạnh hủy diệt của bom đạn để khuất phục nhân dân ta.
"Triển lãm được trưng bày trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long sẽ góp phần tôn vinh những giá trị lịch sử trường tồn của Thăng Long - Hà Nội, và tiếp nối truyền thống cách mạng hào hùng của thời đại Hồ Chí Minh, trân trọng, tri ân các thế hệ cha anh đã anh dũng hi sinh để bảo vệ độc lập dân tộc", ông Trần Việt Anh nói.
Bà Đoàn Thị Hợp, tiêu đồ viên tại hầm sở chỉ huy tác chiến cuối năm 1972, kể lại: "Tôi cũng như các đồng chí khác đứng ở phía cửa hầm để nhìn về bảng tiêu đồ có hình bản đồ Việt Nam.
Khi nhìn vào đó, tôi thấy các tốp máy bay B-52 của Mỹ đi từ phía Thái Lan sang và đi từ phía hạm đội, lúc đó gọi là hạm đội 7, ở biển vào nhiều lắm.
Bình thường chúng tôi đi (vẽ) thì chỉ có vài đường bay thôi, nhưng mà hôm đó rất nhiều, chi chít ở hai bên cánh của bản đồ đi lên, không những nhiều tốp B-52 mà còn rất nhiều tốp máy bay F của Mỹ bay vào".
Còn tiêu đồ viên Nguyễn Đức Khách lại không quên được những mất mát, hi sinh của quân dân ta thời đó: "Chúng tôi biết có những trận địa của ta bị máy bay địch san phẳng, nhiều đồng chí, đồng bào của mình hi sinh.
Làm việc dưới hầm, chúng tôi thấy các đơn vị, địa phương báo cáo về thiệt hại thì chết lặng, nhưng không thể rời cây bút được vì vẫn phải theo, và dồn tất cả trí tuệ và hiểu biết để bắt tín hiệu từ các trung đoàn rađa phát về.
Mọi nỗi đau xót về thiệt hại của quân dân ta, và niềm vui khi quân ta bắn rơi được máy bay đều được chúng tôi chôn chặt trong gan ruột, để tập trung phục vụ chiến đấu".
Tài liệu viết tay tổng hợp tài liệu quyển 3 đánh thắng chiến lược chiến tranh Việt Nam hóa, theo Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập 2 - Ảnh: V.V.TUÂN
Triển lãm giới thiệu đến công chúng hơn 200 tư liệu, hiện vật với hai chủ đề chính: vai trò của hầm chỉ huy tác chiến T1 và trận Điện Biên Phủ trên không. Nhiều hiện vật của các nhân chứng lịch sử thời kỳ đó lần đầu tiên được trưng bày.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên cục phó Cục Tác chiến, kể lại những giây phút xúc động trong hầm chỉ huy tác chiến khi nhận được tin quân ta bắn rơi máy bay B-52 - Video: V.V.TUÂN
Trong thời gian diễn ra triển lãm, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ chiếu phim tư liệu và mời các nhà sử học quân sự, nhân chứng từng làm việc trực tiếp tại hầm chỉ huy tác chiến T1 và tham gia cuộc chiến 12 ngày đêm năm 1972 đến giao lưu, ôn lại ký ức.
Hầm sở chỉ huy tác chiến T1 của Bộ tổng tham mưu thuộc cơ quan Tổng hành dinh Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Căn hầm này được xây dựng vào năm 1964, là nơi tiếp nhận những báo cáo cũng như trực tiếp truyền đi các mệnh lệnh chỉ đạo của Bộ tổng tư lệnh đến khắp các chiến trường trên cả nước.
Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, tại hầm T1 đã phát ra những hồi còi đầu tiên báo động phòng không toàn thành phố Hà Nội.
Di tích hầm chỉ huy tác chiến T1 đã được khôi phục, trưng bày và mở cửa đón du khách từ tháng 12-2012.
Xắc cốt của ông Nguyễn Đức Khách, tiêu đồ viên tại hầm sở chi huy tác chiến T1 trong 12 ngày đêm năm 1972 - Ảnh: V.V.TUÂN
Bìa tập bản đồ Tây Nam Bộ của đồng chí Trần Độ, nguyên trực ban trưởng tại hầm chỉ huy tác chiến T1 trong 12 ngày đêm - Ảnh: V.V.TUÂN
Sổ lưu bút của đồng chí Phạm Thị Thanh - tiêu đồ viên - Ảnh: V.V.TUÂN
Khóa đảo mạch của tổng đài 100 số - Ảnh: V.V.TUÂN
Đồng chí Đào Đình Luyện - tư lệnh binh chủng phòng không - không quân - báo cáo Bộ tổng tham mưu kế hoạch chiến đấu bảo vệ vùng trời Hà Nội, năm 1972 - Ảnh: V.V.TUÂN chụp lại
Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh máy bay B52 của Bộ tư lệnh phòng không - không quân năm 1972 - Ảnh: V.V.TUÂN chụp lại
Tại sở chỉ huy tác chiến, Bộ tổng tham mưu, tổ tiêu đồ đang đánh dấu mục tiêu - Ảnh: V.V.TUÂN chụp lại
Triển lãm giới thiệu nhiều hiện vật của các nhân chứng tham gia trận chiến Điện Biên Phủ trên không - Ảnh: V.V.TUÂN
Xác máy bay B52 bị bắn rơi tại phố Hoàng Hoa Thám lúc 23h ngày 27-12-1972 - Ảnh: V.V.TUÂN chụp lại
Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đứng trước một trong những xác máy bay B-52 của giặc Mỹ bị quân dân Hà Nội bắn rơi trong 12 ngày đêm - Ảnh: V.V.TUÂN chụp lại
Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng nhân dân Hà Nội đón cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh vừa hoàn thành thắng lợi từ Paris về tới Hà Nội, ngày 3-2-1973 - Ảnh: V.V.TUÂN chụp lại
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận