21/01/2019 09:32 GMT+7

Nhiều hi vọng cho nam vô tinh

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Nhiều bệnh nhân nam choáng váng trước kết luận tinh dịch không có tinh trùng. Sau đó là chuỗi ngày tự ti, lo lắng, hi vọng rồi lại tuyệt vọng.

Nhiều hi vọng cho nam vô tinh - Ảnh 1.

Anh N.V.Th. đã nhờ kỹ thuật điều trị vô sinh tiên tiến, hiện nay có hai con kháu khỉnh qua thụ thai tự nhiên - Ảnh: NVCC

Thế nhưng, với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng với kỹ thuật hiện đại, ngày nay nhiều gia đình đã có được những đứa con "chính chủ".

Là người trực tiếp thăm khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân nam vô tinh, ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng - trưởng khoa nam học Bệnh viện Bình Dân - cho biết trong năm 2018, khoa nam học đã điều trị gần 450 người nam vô tinh. Tỉ lệ có tinh trùng trở lại trong vòng 3-6 tháng trung bình khoảng 45%.

Nhiều bệnh nhân tâm sự vô sinh như một sát thủ thầm lặng vì nó không gây ra bất kỳ đau nhức nào trên thân thể nhưng lại phá vỡ hạnh phúc gia đình. Thậm chí có bệnh nhân cố gắng xây dựng hình ảnh người chồng xấu xí bằng cách nhậu nhẹt, cờ bạc, phát biểu lung tung để vợ chán và chấp nhận ly dị.

BS Tiến Dũng

Đã nhiều lần bỏ cuộc

Cũng như những cặp vợ chồng khác, sau thời gian tìm hiểu và yêu nhau, anh N.V.Th. (35 tuổi) và chị H.C.N.L. (28 tuổi), cùng ngụ tỉnh Sóc Trăng, đã có một đám cưới viên mãn vào giữa năm 2012. 

Oái oăm thay, kể từ 6 tháng sau cưới, vợ chồng anh Th. vẫn chưa có tin vui. Đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Triều An (TP.HCM), anh Th. như muốn ngã khuỵu khi bác sĩ kết luận tinh trùng bị yếu. 

Từ đó, vợ chồng anh Th. bắt đầu hành trình cứu chữa, ai mách đâu đi đó, khuyên gì uống đó, khiến chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng kết quả chỉ là con số không.

Không bỏ cuộc, vợ chồng anh Th. dành nhiều thời gian tìm hiểu kiến thức vô sinh ở nam giới và biết được khoa nam học Bệnh viện Bình Dân đang chữa trị bệnh này. Sau 4 năm phẫu thuật kết hợp uống thuốc tại bệnh viện này, nay gia đình anh Th. đã có tin vui.

"Trong lúc tuyệt vọng nhất, điều kỳ diệu đã đến. Đó là vợ chồng tôi đã có thai tự nhiên do một tay các bác sĩ khoa nam học Bệnh viện Bình Dân "tạo nên". Lúc đó, tôi chỉ biết khóc vì quá hạnh phúc, ngay cả tiếng khóc con tôi cũng thấy ấm áp" - chị L. nghẹn ngào nhớ lại.

Anh Tr.T.T. (33 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) lập gia đình vào năm 2013. Sau hai năm cưới nhau, ngóng chờ mãi chẳng có tin vui, anh T. đến khoa nam học Bệnh viện Bình Dân thăm khám. Tại đây, bác sĩ kết luận anh T. bị yếu tinh trùng, cần thời gian điều trị lâu dài. Sau 5 năm điều trị, tỉ lệ tinh trùng sống đã tăng lên 27%.

"Trong quá trình chữa bệnh, tôi thấy tâm lý rất quan trọng. Sau 1 tháng phẫu thuật kết hợp uống thuốc nhưng tỉ lệ tinh trùng vẫn 0%. Tôi từng rất nản rồi tự ý thay đổi phương pháp điều trị, thậm chí bỏ cuộc. Sau đó mới từng bước cố gắng hơn, phải kiên nhẫn…" - anh T. chia sẻ.

Kỹ thuật điều trị có nhiều bước tiến

BS Tiến Dũng cho biết tinh hoàn của nam giới có hai chức năng chính, đó là sản xuất tinh trùng và tiết ra nội tiết tố nam testosterone. Quá trình sản xuất này bắt đầu từ khi dậy thì đến kết thúc cuộc đời.

Một trong những bệnh lý gây vô sinh ở nam giới là trường hợp vô tinh. Thực tế có rất nhiều cặp vợ chồng dù không áp dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào nhưng cũng không có con sau nhiều năm chung sống.

Xét riêng nam giới thì có hai nhóm nguyên nhân chính gây vô tinh. Thứ nhất, do tinh hoàn không sản xuất tinh trùng như tinh hoàn ẩn, teo tinh hoàn sau quai bị, giãn tĩnh mạch tinh... Thứ hai, do tắc đường dẫn tinh như đình sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chấn thương sau phẫu thuật vùng chậu…

Bàn về phương pháp và kỹ thuật can thiệp, BS Tiến Dũng nói: "Chúng tôi phải làm sao cho bệnh nhân vẫn có khả năng sản xuất tinh trùng. Đồng thời "dập tắt" suy nghĩ vô sinh nam là vô vọng, hướng đến hiệu quả điều trị tích cực".

BS Tiến Dũng cho hay với nguyên nhân vô tinh của từng người, từng trường hợp sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Thông thường, sau 1-2 ngày phẫu thuật và điều trị, bệnh nhân phải đợi thêm 90-180 ngày thì tinh trùng mới có để thụ thai tự nhiên hoặc thụ tinh trong ống nghiệm. Chi phí phẫu thuật, điều trị có tinh trùng hiện nay khoảng 15 triệu đồng/lần.

Nếu sau phẫu thuật một năm vẫn không có tinh trùng, bệnh nhân có thể áp dụng kỹ thuật Micro TESE - kỹ thuật vi phẫu phân lập từng tinh trùng trong mô tinh hoàn. 

Cụ thể, các bác sĩ sẽ lựa chọn những vùng có khả năng có tinh trùng trong tinh hoàn và sinh thiết. Các mẫu sinh thiết sẽ được soi dưới kính vi phẫu để tìm tinh trùng. Hiện Bệnh viện Bình Dân đã phân lập tinh trùng cho 18 bệnh nhân, tỉ lệ có tinh trùng khoảng 30%.

Tuy nhiên, vì số lượng phân lập tinh trùng trong tinh hoàn rất thấp nên đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa bác sĩ nam học (được đào tạo và có kinh nghiệm về vi phẫu) với các bác sĩ hiếm muộn. Song song đó, bệnh viện phải có trang thiết bị vi phẫu chuyên dụng, trong đó kể đến đầu tiên là kính hiển vi với độ phóng đại từ 16-22 lần.

"Chỉ cần bệnh nhân thực hiện 2 điều"

BS Mai Bá Tiến Dũng cho biết những bệnh nhân điều trị vô tinh chỉ cần thực hiện đúng hai điều: cần khám đúng hẹn và tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Thế nhưng, vì áp lực có con quá lớn nên nhiều bệnh nhân chạy chữa khắp nơi, điều này khiến quá trình điều trị không xuyên suốt, kết quả không như mong đợi.

Tìm tinh trùng mắc kẹt, giúp chữa vô sinh Tìm tinh trùng mắc kẹt, giúp chữa vô sinh

TTO - Bệnh viện ở Anh dùng kính hiển vi chuyên dụng phóng đại các ống bên trong tinh hoàn lên tới 20 lần, giúp các bác sĩ phẫu thuật tìm tinh trùng mắc kẹt bên trong. Tỉ lệ chữa vô sinh ở nam thành công lến đến 25%.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên