Sau phản ảnh của Tuổi Trẻ Online về những vạch xương cá trên đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức (TP.HCM) khiến tài xế lúng túng, rất nhiều bạn đọc cho biết tại nhiều nơi, vạch xương cá này khiến người lái xe "rối não".
"Hóc xương cá" mà không biết vì sao
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online ngày 13-8, có nhiều tuyến đường được kẻ vạch xương cá khiến tài xế lúng túng, như đường Điện Biên Phủ, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hữu Cảnh...
Đa số những vạch xương cá được kẻ ở làn rẽ trái hoặc rẽ phải.
Anh Lê Hoàng Đức (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết rất lúng túng với vạch xương cá trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, đoạn trước chung cư The Manor, quận Bình Thạnh.
Mỗi khi xe đi trên đường Nguyễn Hữu Cảnh hướng từ Điện Biên Phủ vào, vì sắp rẽ trái nên anh chủ động đi làn bên trái sát dải phân cách.
Nhưng khi cách giao lộ vài mét thì bất ngờ gặp vạch xương cá nên phải chuyển vào làn giữa, đi lách qua vạch xương cá rồi chuyển ra lại để rẽ trái.
Anh Đức nói tình huống như vậy khiến tài xế dễ bị phạt nguội khi đè vạch xương cá ngay đoạn này.
Tương tự trên đường Điện Biên Phủ hướng từ ngã tư Hàng Xanh lên cầu Sài Gòn, vừa qua cầu Văn Thánh sẽ có làn bên trái dành cho các xe quay đầu.
Tuy nhiên khi xe đang bon bon tốc độ cao thì các tài xế bất ngờ gặp phải vạch xương cá.
Ai xử lý nhanh thì đạp thắng, xoay vô lăng chuyển ra làn giữa. Ai không thấy hoặc xử lý chậm thì đè vạch đi qua luôn.
Còn trên đường Võ Văn Kiệt (quận 5), hướng từ quận 1 đi quận 5 gần đến cầu Chữ Y, trong làn hỗn hợp cũng có một vạch xương cá.
Người dân cho biết giờ cao điểm sáng - chiều, phần đường có hai làn rất đông xe cộ, trong đó chủ yếu là xe máy và một số xe con.
Gần tới giao lộ thì làn bên trái có vạch xương cá nên khi chạy tới đây, các ô tô thường giảm tốc độ, chuyển làn qua phải.
Chính vì việc chuyển qua chuyển lại như vậy khiến xe cộ thường "dồn cục", ùn tắc.
Với nhiều người đi xe máy thường ít quan tâm hoặc không biết vạch này để làm gì, miễn sao họ đi đúng làn xe máy.
Còn trên đường Mai Chí Thọ, ngoài vạch xương cá "khó hiểu" ở làn rẽ phải tại giao lộ Mai Chí Thọ - Tố Hữu (hướng vào hầm vượt sông Sài Gòn) như Tuổi Trẻ Online phản ánh, các tài xế cũng cho biết có vạch xương cá ở làn rẽ trái tại giao lộ Mai Chí Thọ - Trần Não (hướng hầm vượt đi ra).
Anh Phùng Phi Tùng chia sẻ, các tài xế phản ảnh vạch xương cá này rất nhiều vì chưa hợp lý. Cách đây khoảng nửa tháng, thấy có nhân viên của đơn vị chức năng kẻ lại một vạch xương cá khác nhỏ hơn.
"Hiện nay đoạn này vạch nhỏ đè vạch lớn, nét mới đè nét cũ nhìn rất rối, chẳng biết đường nào mà lần" - anh Tùng bày tỏ.
Tăng cường camera phạt nguội thay vạch xương cá được không?
Theo anh Võ Anh Sơn (ngụ Bình Dương), vạch xương cá trên đường góp phần làm tăng tình trạng kẹt xe và các vụ va chạm vì các ô tô cứ lách ra lách vào để tránh vạch xương cá.
Theo anh Sơn, nếu muốn phân làn, chỉ hướng lưu thông, cơ quan chức năng nên kẻ vạch chỉ hướng ở cách giao lộ từ 100 - 200m. Khi tới đây các tài xế quan sát được sẽ tự động chuyển vào làn đường phù hợp với hướng lưu thông của mình.
Còn anh Lê Minh Tùng (ngụ quận 1) cho rằng theo thói quen, các tài xế thường đi vào làn theo hướng của mình.
Anh Tùng ví dụ nếu xe sắp rẽ trái thì họ chọn cách đi làn bên trái, sắp rẽ phải thì đi làn phải, xe đi thẳng thường chạy làn giữa. Chỉ khi đông xe, nhiều người không chịu xếp hàng mà chuyển qua các làn khác để vượt lên.
Với những trường hợp này thì nên lắp camera phạt nguội. Còn kẻ vạch xương cá ở những nơi không phù hợp sẽ gây khó khăn cho cả những người muốn rẽ trái hoặc rẽ phải.
Theo bạn đọc Trần Bừa: "Thay vì kẻ vạch xương cá, sao không kẻ mắt lưới màu vàng cho phép rẽ phải hoặc rẽ trái. Xe nào đi thẳng mà đè lên vạch mắt lưới màu vàng mới bị phạt".
"Trang bị camera phạt nguội, chứ không nên duy trì vạch xương cá ở những nơi không phù hợp, gây nguy hiểm khi dòng xe đi chậm đột ngột để tránh chạm vạch" - độc giả Hoàng Tuấn Anh đề xuất.
Trung tâm Quản lý giao thông đô thị TP.HCM cho biết vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V (thường gọi là vạch xương cá) được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2019/BGTVT): Phụ lục G, khoản G1.4. Nhóm vạch kênh hóa dòng xe, điểm b. Vạch 4.2: Vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V.
Vạch chữ V được sử dụng để giới hạn các phần mặt đường không sử dụng cho xe chạy, mà sử dụng để kênh hóa các dòng giao thông trên đường. Khi vạch 4.2 được sử dụng, các xe cộ phải đi theo tuyến đường quy định, không được lấn vạch hoặc cắt qua vạch, trừ những trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận