08/05/2019 13:27 GMT+7

Nhiều doanh nhân Nga muốn chuyển nhà máy dệt may từ Trung Quốc sang VN

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Từng là thị trường truyền thống, lại có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu, nhưng tỉ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực các nước Đông Âu vẫn còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có do còn nhiều vướng mắc.

Nhiều doanh nhân Nga muốn chuyển nhà máy dệt may từ Trung Quốc sang VN - Ảnh 1.

Các diễn giải chia sẻ kinh nghiệm hoạt động giao thương với thị trường khu vực Đông Âu tại diễn đàn - Ảnh:T.V.N

Đa dạng thị hiếu xu hướng ở thị trường Nga

Tại Diễn đàn thương mại Việt Nam – Đông Âu, do Bộ Công thương tổ chức ngày 8-5 tại TP.HCM, ông D.Makarov, đại diện cơ quan Thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, cho biết thời gian gần đây càng nhiều công ty Việt Nam bắt tay vào việc hợp tác với các đối tác Nga.

Nếu trong năm 2017 chỉ có 2.200 сông ty Việt Nam đã có giao dịch xuất nhập khẩu với những công ty Nga thì trong năm 2018 số lượng này tăng lên 3.500. Riêng năm 2018, Việt Nam giữ vị trí thứ 23 trong thương mại quốc tế của nước Nga, tăng dần so các năm trước đó.

Đặc biệt, khi đề cập về xu hướng tiêu dùng của người Nga, theo ông Makarov, nếu trước đây người tiêu thụ Nga cố gắng mua hàng tốt nhất, với thương hiệu nổi tiếng (nhất là đối với hàng may mặc và da giày) thì bây giờ người Nga không còn muốn trả tiền thừa vì thương hiệu nổi tiếng. Họ cũng không muốn mua hàng "no name" vì không nghèo đến nỗi mua hàng xấu, nhưng người tiêu thụ Nga bây giờ thích từ chối hàng đó, "mà tiết kiệm tiền để mua hàng tốt sau".  

Thậm chí, trước khi đi mua hàng, người Nga hiện nay xem qua quảng cáo trong Internet rồi tìm hiểu về chất lượng hàng hóa mới đi mua hàng đã được chọn trước, hoặc kiểm tra giá cả tại mấy chỗ trước rồi mới đi mua hàng rẻ nhất, chứ không phải mua hàng cần thiết ngay khi thấy cái gì họ thích.

Do đó, dù thuế nhập khẩu từ Việt Nam thấp, nhưng hàng "no name", hay hàng có thương hiệu thường không cạnh tranh lại với hàng được sản xuất ở Nga. "Muốn tận dụng điều đó nhiều công ty Nga đặt hàng ở nước ngoài để bán với thương hiệu Nga", ông Makarov thông tin.

Cũng theo ông Makarov, hàng thương hiệu Việt Nam có sức cạnh trạnh khá mạnh tại thị trường Nga, được người Nga ưa chuộng.  Với   mặt hàng dệt may, các doanh nghiệp sản xuất cần lưu ý phải có đủ size thích hợp với người Nga.

"Đang có xu hướng những nhà kinh doanh Nga muốn chuyển nhà máy may dệt may của mình từ Trung Quốc vào Việt Nam và bố trí đặt may quần áo, da giầy tại những doanh nghiệp Việt Nam. Họ cho rằng hàng làm ở Việt Nam sẽ có cầu tiêu thụ tại Nga. Đây cũng là cơ hội tốt của ngành may mặc Việt Nam để tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của mình vào Nga", ông Makarov nhấn mạnh.

Chờ khai thác tiềm năng lớn

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, thứ trưởng Bộ Công thương, thị trường các nước khu vực Đông Âu là thị trường truyền thống, quan trọng của Việt Nam.

Giữa Việt Nam và các nước khu vực Đông Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ pháp lý vững chắc để phát triển hợp tác song phương, có thể kể đến 14 Ủy ban liên Chính phủ, một cơ chế tham vấn hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam và Ba Lan, hay Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan).

Kể từ khi có hiệu lực từ năm 2016, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu đã mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực cho các bên tham gia. 

Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đã đạt gần 5 tỉ USD, tăng hơn 26% so với năm 2017.

Trong các nước khu vực Đông Âu, các quốc gia  Ba Lan, Séc, Rumani, Bungary, Hungary, Slovakia, Slovenia và Croatia  là các quốc gia đã gia nhập Liên minh Châu Âu – cũng đang đóng góp phần vô cùng quan trọng trong tổng kim ngạch của Việt Nam với khối EU.

Đặc biệt, việc Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do EVFTA, và đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để tiến tới ký kết và phê chuẩn trong thời gian tới sẽ tăng cường khuôn khổ pháp lý hơn nữa. 

Từ đó mở rộng cơ hội xuất khẩu hàng hóa, thị trường tiêu thụ giữa Việt Nam và các nước khu vực Đông Âu cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, rau quả tươi và chế biến, hàng điện tử và linh kiện điện tử, dệt may và da giày…

Trong khi đó, bà Nguyễn Khánh Ngọc, phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) thông tin các mặt hàng gạo, thủy sản và chè là những mặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu cải thiện chất lượng sản phẩm, tuyên truyền quảng bá… để thâm nhập tốt hơn vào thị trường các nước khu vực Đông Âu.

Hiện Nga là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong top 5 nước khối Đông Âu-Trung Á, chiếm 4,5 tỉ USD, bỏ xa rất Ba Lan, Slovakia, Hungary,Ukraine hiện ở mức vài trăm đến khoảng 1,6 tỉ USD.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên