Doanh nghiệp VN giới thiệu sản phẩm tại Diễn đàn hợp tác kinh doanh Nhật Bản - Mekong tổ chức tại TP Cần Thơ chiều 3-11 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Takimoto Koji - trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM - cho biết có nhiều doanh nghiệp Nhật tại TP.HCM muốn chuyển nhà máy về TP Cần Thơ do chi phí cho nhân công rẻ hơn. Những doanh nghiệp này đang hoạt động tại các khu công nghiệp Hiệp Phước, Tân Thuận.
Theo ông Takimoto Koji, khảo sát của JETRO cho thấy 70% doanh nghiệp Nhật hiện tại đang mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam vì dân số Việt Nam đang tăng và môi trường đầu tư có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, cũng có vài điểm doanh nghiệp Nhật quan tâm là phí nhân công đang tăng cao, hệ thống pháp luật dù đang cải thiện nhưng vẫn chưa hoàn thiện.
Ông Nguyễn Phương Lam, phó giám đốc phụ trách Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết theo khảo sát từ một tổ chức của Đức, lực lượng lao động dồi dào và chi phí thấp là 1 trong 8 lý do mà các doanh nghiệp chọn khu vực miền Tây làm nơi đầu tư.
Theo ông Lam, toàn khu vực miền Tây có 17 triệu dân thì đã có 11 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong khi nếu so sánh, chi phí trả cho lao động ở khu vực này thấp hơn các khu vực khác.
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp VN, cho rằng tiềm năng hợp tác giữa đồng bằng sông Cửu Long với Nhật Bản là rất lớn, nhưng thực trạng đầu tư là Nhật đứng thứ 4 sau Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore. Ông Lộc đề nghị các lĩnh vực mà Nhật Bản có thể hợp tác đầu tư thời gian tới gồm nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ, thương mại, bởi những tiềm năng này ở ĐBSCL chưa được khai thác tốt.
Phát biểu tại diễn đàn, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết ĐBSCL hiện tuy còn gặp một số khó khăn nhưng để khai thác thế mạnh của khu vực này. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện hệ thống hạ tầng đường bộ, cảng biển, nguồn nhân lực… để phục vụ phát triển dân sinh và kinh tế của vùng.
Ngoài ra, việc đơn giản thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nhằm giảm chi phí giá thành hàng hóa, nâng cao năng lực quốc gia cũng là một trong những nội dung chính mà Chính phủ VN đang hướng tới.
"Nhân đây tôi mong muốn có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm hơn nữa vào khu vực ĐBSCL. Tôi đề nghị lãnh đạo địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư triển khai dự án đầu tư, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi", ông Sang nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận