25/07/2015 10:01 GMT+7

Nhiều điều lạ trong các bài thi môn văn

PHẠM VĂN VŨ (giáo viên Trường THPT Định Hóa, Thái Nguyên)
PHẠM VĂN VŨ (giáo viên Trường THPT Định Hóa, Thái Nguyên)

TT - Trong quá trình chấm bài thi môn văn kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa qua, đọc nhiều lượt bài viết của học sinh, chúng tôi ghi nhận được khá nhiều điều “lạ”.

Sĩ tử Nghệ An ra về sau khi làm xong phần thi môn văn tại điểm thi Trường ĐH Vinh, Nghệ AnẢnh: DOÃN HÒA
Sĩ tử Nghệ An ra về sau khi làm xong phần thi môn văn tại điểm thi Trường ĐH Vinh, Nghệ An - Ảnh: Doãn Hòa

Tạm đặt sang một bên những câu chuyện đã được bàn nhiều về chuyện đề thi, là người chấm thi trực tiếp đọc bài viết của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa qua, chúng tôi muốn bàn về câu chuyện đáng ngại qua các bài thi môn văn.

Trong quá trình chấm bài thi môn văn kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa qua, đọc nhiều lượt bài viết của học sinh, chúng tôi ghi nhận được khá nhiều điều “lạ”.

Bàn về sự vô cảm rất... vô cảm

Câu 8 phần I của đề thi yêu cầu học sinh bày tỏ suy nghĩ của bản thân về vấn đề có những người “chỉ lo túi tiền rỗng đi nhưng lại không biết lo tâm hồn mình đang vơi cạn, khô héo dần”. Người chấm thường xuyên gặp những kiểu viết như sau: “Chúng ta hãy giữ cho tâm hồn mình không bị vơi cạn, khô héo bởi vì đồng tiền là thứ ghê bẩn hại ta”, “Giới trẻ ngày nay thật sai lầm, không phân biệt được cái gì là xấu cái gì là tốt, cái gì là tâm hồn cái gì là đồng tiền”, “Điều cần nhất trong cuộc sống này không phải là tiền bạc. Con người cần phải giữ lấy tâm hồn của mình”...

Hầu như nhất loạt các bài viết của học sinh đều cùng một hướng giải quyết: con người phải biết “lo” cho tâm hồn, tiền không quan trọng bằng tâm hồn. Tuyệt nhiên không thấy học sinh nào viết rằng con người cũng phải... “lo” cho cả túi tiền nữa. Chúng tôi không tin rằng các em không nghĩ như vậy, vấn đề ở đây là các em đang phải nghĩ về đề thi. Một áp lực vô hình nào đó đã khiến các em viết bài bàn về sự vô cảm một cách đầy... vô cảm.

Câu 1 phần II của đề thi yêu cầu học sinh bày tỏ suy nghĩ của bản thân về vấn đề “Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức”. Đại đa số các em đều nghiêng hẳn theo chiều hướng khẳng định kỹ năng sống cần thiết hơn kiến thức (chưa nói đến chuyện các khái niệm “kỹ năng” và “kiến thức” cũng không được hiểu đúng đắn, đầy đủ).

Người chấm thường gặp những kiểu viết như sau: “Điều quan trọng nhất của một con người chúng ta là phải rèn luyện kỹ năng sống”, “Mục đích cuối cùng phải là rèn luyện kỹ năng sống chứ không phải là tích lũy kiến thức”, “Nếu không rèn luyện cho mình kỹ năng sống thì kiến thức cũng chẳng có ý nghĩa gì”...

Với sự “chuẩn bị” từ trước, khá nhiều học sinh lấy ví dụ liên hệ giống nhau để bàn về kỹ năng sống - đó là ví dụ về vận động viên bơi lội nổi tiếng Nguyễn Thị Ánh Viên. Lạ thay, không thấy các em nói về tài năng của Ánh Viên, bài nào cũng khẳng định rằng vận động viên này là một tấm gương điển hình về rèn luyện kỹ năng sống. Các em “gán ghép” một cách vô tư, thản nhiên như thế hẳn cũng bởi việc lấy ví dụ liên hệ đã thành một áp lực, một công thức.

Chúng tôi đặt ra tình huống khác: đề bài ở đây được thay bằng một ý kiến khẳng định sự quan trọng của kiến thức. Sẽ không khó để đoán ra khi đó học sinh sẽ ngay lập tức viết bài khẳng định kiến thức mới quan trọng, kỹ năng sống không có nghĩa lý gì... Và tất nhiên khi đó các em sẽ vẫn lấy ví dụ về Nguyễn Thị Ánh Viên, nhưng vận động viên này sẽ được khẳng định rằng cô thành công là vì có kiến thức (chứ không phải kỹ năng sống).

Là thầy cô, người chấm thi không thể không buồn khi đại đa số học sinh viết bài bàn về kỹ năng sống và kiến thức nhưng lại đang thiếu cả kiến thức lẫn kỹ năng.

Nguy cơ dạy nói dối

Trong khi mòn mỏi đọc những bài viết đơn giản, khuôn đúc, hời hợt, chúng tôi tất nhiên mong có những bài viết mới mẻ, sáng tạo, độc lập, có tư duy. Và đây là “kết quả” thu được: “Trong vườn hoa văn học Việt Nam lộng lẫy ngát hương có nhiều cái tên vàng ngọc. Trong số đó, cái tên sáng chói lọi nhất là Nguyễn Minh Châu với tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa”, “Như vậy, qua tác phẩm xuất sắc của mình, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã thể hiện một tài năng tuyệt vời với những nghệ thuật hết sức tinh tế”... Sáo rỗng. Đó là cảm giác rõ nhất khi đọc những bài viết như thế.

Ở đây, liệu các em học sinh có phải là những người đầu tiên đáng trách?

Không tự nhiên khi mà những người trẻ đang tuổi 18 vô tư vui sống lại phải... nói dối. Không tự nhiên mà khi đặt bút viết bài cho thầy cô giáo chấm bài, học sinh lại phải... nói dối.

Về phía giáo viên, chúng tôi cho rằng có hai vấn đề lớn khiến họ buộc phải dạy cho học sinh học theo định hướng: thứ nhất là áp lực từ mục tiêu thi cử, thứ hai là cản lực từ thói quen kinh nghiệm chủ nghĩa.

Trước hết, không khó để nhận thấy phần nhiều giáo viên văn hiện nay phải dạy theo hệ thống dàn ý, từ kiến thức đọc hiểu cho đến kỹ năng nghị luận, kể cả nghị luận xã hội lẫn nghị luận văn học (vấn đề ở chỗ với đặc thù môn học, hệ thống dàn ý này thường khiên cưỡng, khó thuyết phục). Chỉ giải quyết được hệ thống dàn ý đó thôi là đủ cho cả thầy và trò mệt mỏi rồi, sao có thể tìm thấy sự hứng thú hay sáng tạo.

Bên cạnh đó, do đặc thù công việc, không khó nhận thấy sự lặp lại nhàm chán trong quá trình giảng dạy của giáo viên văn. Điều đó dễ khiến người dạy văn bị xơ cứng, bị mòn, bị triệt tiêu ý tưởng và hứng khởi, và việc dạy văn của họ dần dần vô tình trở thành một thứ kinh nghiệm chủ nghĩa, xa rời thực tiễn cuộc sống. Học sinh chưa phát hiện thì giáo viên đã chỉ ra sẵn, học sinh không nghĩ như thế nhưng giáo viên bảo như thế. Cứ theo “quy trình” như vậy, giáo viên đang vô tình dạy học sinh phải theo định hướng của thầy cô và đáp án kỳ thi. Có quá không khi nói rằng chúng ta đang dạy học sinh nói dối?

Về phía học sinh, các em cũng có những lý do riêng. Thực tế học bài trên lớp vừa thiếu thực chất lại vừa nhàm chán, mục tiêu thi cử và lựa chọn ngành nghề như một áp lực đương nhiên, nhiều mối quan tâm khác hấp dẫn hơn văn chương, tất cả đã khiến phần nhiều học sinh tiếp cận với môn văn một cách hời hợt, lệch lạc. Nhận thức môn văn là “bay bổng”, là “mỹ miều” khiến học sinh viết bài một cách chung chung, sáo rỗng, giả dối, thiếu trách nhiệm cũng là điều dễ hiểu.

Những vấn đề đặt ra trên đây không có gì lạ lẫm. Nó cũng không phải là điều ngạc nhiên bất ngờ với nhiều người. Những người tổ chức có thể biết điều đó. Các nhà giáo tài năng và tâm huyết biết rõ điều đó. Những em học sinh thông minh, chịu suy nghĩ cũng biết. Vậy nhưng nó vẫn diễn ra trong sự lo ngại, trong sự mệt mỏi và cả trong sự thờ ơ.

Biết rằng đấy là việc khó khăn, trong khi còn chưa tìm ra được những phương cách hiệu quả mang tính hệ thống, bền vững, chúng tôi nghĩ rằng trước hết cần giải quyết vấn đề trong chính mỗi cá nhân người dạy và người học. Cả thầy cô và học sinh đều tự trọng hơn, đều có trách nhiệm hơn với chính bản thân mình thì có lẽ chúng ta đã không phải “nói theo”, “nói dối” đến như vậy.

Đề thi hỏi về bệnh vô cảm thì tất nhiên các thí sinh nhất loạt như nhau lên án hiện tượng vô cảm. Đề thi hỏi về kỹ năng sống thì tất nhiên các thí sinh nhất loạt khẳng định sự quan trọng của kỹ năng sống. Đề thi hỏi về tác phẩm của nhà văn/nhà thơ nào thì tất nhiên các thí sinh nhất loạt khẳng định đó là nhà văn/nhà thơ xuất sắc nhất. Nhìn chung, thí sinh chỉ khẳng định lại vấn đề mà đề thi đưa ra (chứ còn biết viết sao nữa!?).

Cả thầy và trò sẽ cùng nhau mặc định trước: nếu hỏi thế này thì đáp án bài viết sẽ phải thế này, nếu hỏi cái gì thì đáp án bài viết sẽ phải là cái gì.

PHẠM VĂN VŨ (giáo viên Trường THPT Định Hóa, Thái Nguyên)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên