Xe tông nhau nát đầu tại hiện trường - Ảnh: U.B.TUNG
Ông Hoàng Dương Tùng - chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam - nhận định vụ tai nạn liên hoàn trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây xảy ra chiều 3-4 có nguyên nhân từ việc khói làm hạn chế tầm nhìn của lái xe.
Nguy cơ tai nạn rất cao
Theo ông Tùng, hiện tượng đốt rơm rạ, đốt đồng sau mỗi vụ thu hoạch không phải là vấn đề mới ở các địa phương. Thậm chí, ngay cả những nguy hại về gây ô nhiễm môi trường không khí từ đốt rơm rạ, đốt đồng cũng đã được cảnh báo từ rất lâu.
"Tại Hà Nội, đã từng có thời điểm sau vụ mùa thu hoạch là toàn thành phố bị khói bụi bủa vây. Đến mức gây ra những hiện tượng khói mù, khét, khó thở. Sau đó thành phố phải có những chiến dịch nhằm ngăn chặn việc đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch", ông Tùng nói.
Ông Tùng cho rằng việc đốt đồng khiến các phương tiện bị tai nạn liên hoàn trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có thể là lần đầu việc đốt đồng gây ra một vụ tai nạn lớn, nhưng nguy cơ tai nạn khi đốt rơm rạ ở những cánh đồng có đường cao tốc chạy qua rất cao.
"Vụ tai nạn này cho thấy mức độ nguy hiểm từ việc đốt rơm rạ, đốt đồng vì với những loại rơm rạ, cỏ tương khi đốt sẽ tạo thành những đám khói dày đặc.
Khi cả đồng đều đốt, không chỉ một đoạn đường mà nhiều đoạn kéo dài hàng km sẽ bị hạn chế tầm nhìn. Nơi gần đám khói có thể không nhìn thấy diễn biến phía trước, rất nguy hiểm", ông Tùng phân tích.
Các địa phương phải vào cuộc
Để ngăn chặn tình trạng đồng loạt đốt rơm rạ, đốt đồng sau mỗi vụ thu hoạch, theo ông Hoàng Dương Tùng, từng địa phương phải có những chương trình, kế hoạch riêng.
Thứ nhất, phải có chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân, để người dân thấy mức độ nguy hại từ đốt rơm rạ, đốt đồng.
Thứ hai, chính quyền từng tỉnh, thành phố đến cấp xã, phường phải vào cuộc, phải thấy được mức độ nghiêm trọng từ chuyện đốt rơm rạ, đốt đồng để có ứng xử, biện pháp phù hợp từ tuyên truyền, ký cam kết, nhắc nhở không đốt rơm rạ tới từng xã, từng người dân.
Thứ ba, cần có kế hoạch phù hợp với điều kiện của từng địa phương, tạo đầu ra cho nguồn rơm rạ dư thừa sau mỗi vụ thu hoạch, giải quyết căn bản tình trạng đốt rơm rạ dư thừa sau mỗi vụ sản xuất.
Gây hại cho sức khỏe
Không chỉ nguy hiểm cho người tham gia giao thông, gây hại cho sức khỏe con người vì ô nhiễm không khí, ông Tùng cảnh báo tình trạng đốt rơm rạ, đốt đồng ngoài khói còn gây bụi với những hạt bụi nhỏ cỡ PM2.5.
Loại bụi này rất nguy hiểm vì nó rất nhỏ, khẩu trang không chuyên không ngăn chặn được, vì vậy có thể xâm nhập thẳng vào phổi, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận