11/04/2013 07:43 GMT+7

Nhiều địa phương phóng tay chi vượt dự toán

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Tiền ít nhưng xài không hết là một nghịch lý được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra trong phiên họp ngày 10-4 để cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, trong điều kiện ngân sách khó khăn, Quốc hội phải cân nhắc từng đồng để bố trí chi cho giáo dục, y tế, chính sách xã hội mà chi không hết thì cần phải xem xét. “Ví dụ chính sách bảo hiểm y tế hằng năm ngân sách vẫn chi cho người nghèo, cận nghèo, nhưng người cận nghèo mới chỉ tiếp cận được 20-30%, tức là tiền đã bố trí nhưng không thực hiện được. Chính sách nhà ở cho người có công cũng vậy, tiền đã bố trí rồi nhưng đến nay vẫn chưa hướng dẫn thực hiện” - bà Mai nêu ví dụ.

Ông Phan Xuân Dũng - chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường - khẳng định tiền ngân sách chi cho khoa học ở nước ta rất ít nhưng lại chi không hết. “Cứ tháng 6, tháng 7 hằng năm mới chi tiền mà tháng 12 đã phải quyết toán. Chúng tôi đã tổ chức điều trần và thấy rõ sự bất hợp lý trong cơ chế chi cho khoa học, một đề tài nghiên cứu thường phải thực hiện 3-5 năm, thậm chí lâu hơn, nhưng cơ chế quyết toán vẫn tiến hành hằng năm” - ông Dũng nói. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị phải làm rõ nguyên nhân của tình trạng này và có giải pháp khắc phục “bởi giáo dục, khoa học là những lĩnh vực vô cùng quan trọng mà chi không hết tiền thì quả là có vấn đề”.

Một thực trạng được coi là “bệnh kinh niên” trong thu, chi ngân sách diễn ra nhiều năm là con số dự toán và con số thực hiện khác xa nhau. Năm 2011, số thu từ nhà, đất dự toán gần 35.000 tỉ đồng nhưng thực thu gần 61.000 tỉ đồng; dầu thô dự toán thu hơn 69.000 tỉ đồng nhưng thực thu trên 110.000 tỉ đồng; thu nội địa từ sản xuất kinh doanh cũng tăng gần 36.000 tỉ đồng... Tỉ lệ bội chi ngân sách cũng thay đổi: Quốc hội quyết 5,3%, Chính phủ báo cáo 4,9% và bây giờ quyết toán là 4,4%. “Nếu tiếp tục dự báo và thực hiện như thế này thì nó lệch rất xa, các số liệu như vậy chuyển thông điệp không chính xác ra thị trường” - ông Giàu bình luận.

Kỷ luật tài chính không nghiêm, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cảnh báo. Chỉ mới thực hiện kiểm toán 28 tỉnh, thành, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện 23 địa phương chi vượt dự toán chi thường xuyên được HĐND giao đầu năm, trong đó 13/28 tỉnh, thành chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể vượt trên 30%.

“Phải nói rõ được ưu điểm, nhược điểm của hiệu quả chi, tiêu ngân sách trong các ngành, các cấp, địa phương. Từng vị bộ trưởng và lãnh đạo từng địa phương phải nhận thức được nhược điểm trong chi, tiêu ngân sách của mình. Tôi thấy các con số trong báo cáo chưa sâu, chưa biết nói. Con số phải làm sao để người ta biết rằng với từng ấy tiền mà biết cách chi thì hiệu quả hơn, và tại sao tiền chi đã ít nhưng cứ để nó nằm trong két, hay là tình trạng tăng thu tăng chi mà lại không giảm được nợ?” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phân tích rõ các số liệu trong báo cáo để trình Quốc hội xem xét.

Tại sao nông dân không dám ăn rau do mình trồng?

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, mỗi năm đưa ra thị trường 110.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, với 800 loại thuốc đang lưu hành là con số rất lớn. “Hiện nay có tình trạng sử dụng thuốc tràn lan là mối quan ngại của xã hội, đến người trồng rau cũng không muốn ăn rau do mình trồng. Tới đây có quản lý được không?” - bà Mai hỏi. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đặt vấn đề cho công tác quản lý 27.000 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận tình trạng 27.000 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đồng thời cũng là người tư vấn cho nông dân sử dụng thuốc, nên có chuyện mua bán bừa bãi, sử dụng tràn lan. “Chúng tôi đang cố gắng chấn chỉnh tình trạng này” - ông Phát nói.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên