Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn (phải) trao bằng khen cho Viện đào tạo báo chí và truyền thông - Ảnh: QUANG DỰ
Sáng 7-11 tại Hà Nội, Viện đào tạo báo chí và truyền thông Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội kỷ niệm 30 năm ngày thành lập.
Năm 1990 - cách đây tròn 30 năm đánh dấu sự kiện việc đào tạo và nghiên cứu báo chí được đặt trong một trường đại học không nằm trong hệ thống trường Đảng, là trường đại học hàng đầu trong đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam - trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội).
PGS.TS. Đặng Thu Hương, viện trưởng Viện đào tạo báo chí và truyền thông, cho biết từ mái trường này, hơn 10.000 sinh viên, học viên báo chí đã tỏa về mọi miền đất nước, cống hiến những dòng tin hối hả, tạo nên dòng chảy liền mạch trong xã hội, gắn kết thông tin giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân, giữa doanh nghiệp với công chúng.
Tri ân các giáo sư, phó giáo sư đầu tiên giảng dạy tại viện - Ảnh: QUANG DỰ
"Nhiều cựu sinh viên là các nhà báo luôn ở tuyến đầu trong những thời khắc cam go bão tố, lũ lụt, thiên tai, nhiều nhà báo là cây bút hàng đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, hàng trăm cựu sinh viên đã được nhận giải thưởng báo chí quốc gia và giải báo chí toàn quốc của các ngành, các cấp", PGS.TS. Đặng Thu Hương chia sẻ.
Tại lễ kỷ niệm, Bộ GD-ĐT trao bằng khen cho Viện đào tạo báo chí và truyền thông vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Thế Kỷ, tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết những sinh viên từ khoa báo chí (nay là Viện đào tạo báo chí và truyền thông) luôn có nét riêng.
Nét riêng đó là khoa được thành lập trên cơ sở các khoa khoa học xã hội của Trường Đại học tổng hợp. Chất khoa học xã hội nhân văn trong sinh viên báo chí, đặc biệt giảng viên trong khoa rất rõ.
"Người ta nói làm báo không phải làm văn, nhưng làm báo rất cần chất văn. Chính các thầy cô đã truyền được chất văn đó vào các thế hệ sinh viên", ông Kỷ nói.
Tuyển sinh đầu vào các ngành Báo chí, Báo chí chất lượng cao và Quan hệ công chúng của viện luôn đứng trong top 3 các ngành có đông đảo nhất sinh viên đăng ký và nhiều năm liền.
100% giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên, trong đó 35% cán bộ giảng dạy của viện là PGS, hơn 60% đạt học vị Tiến sĩ. Nhiều cán bộ được đào tạo bài bản chuyên nghiệp ở Liên Xô, Anh, Úc, Hàn Quốc, Nga... và là các chuyên gia uy tín trong giới học thuật, nghiên cứu báo chí truyền thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận